MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức

21-11-2018 - 09:53 AM | Bất động sản

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị chuyển đổi xây dựng thành nhà kho, xưởng, vi phạm Luật Đất đai, trật tự xây dựng.

Vi phạm tràn lan

 Tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, đoạn đê tả sông Đáy, nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng nhà xưởng như một “khu tiểu thủ công nghiệp”. Bãi nông nghiệp rộng tới vài ha trồng cây lâu năm như nhãn, bưởi, ổi... xen kẽ khoảng 30 - 40 công trình nhà kho, nhà xưởng được xây dựng trái pháp luật.

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức - Ảnh 1.

Nhà xưởng tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.


Hàng loạt nhà xưởng lợp mái tôn khang trang với quy mô rộng hàng nghìn m2 mọc lên ồ ạt, san sát nhau. Các công trình này đều được xây dựng kiên cố bằng khung sắt, thép. Hầu hết những nhà xưởng này đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nằm xen kẽ trong những ruộng rau, cây ăn quả đang canh tác.

Bên cạnh việc vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, hàng loạt nhà kho, nhà xưởng còn được xây dưới chân cột điện cao thế. Hoạt động sản xuất của các công nhân trong các nhà xưởng diễn ra ngay dưới đường điện cao thế, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức - Ảnh 2.

Nhà kho, nhà xưởng được xây trên đất nông nghiệp, dưới chân cột điện cao thế tại xã An Thượng.


Cũng nằm dọc tuyến đê tả sông Đáy, tại thôn Đông Lao, xã Đông La (huyện Hoài Đức) nhiều năm qua tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp như nhà xưởng, nhà kiên cố trái phép diễn ra. Theo ghi nhận thực tế, tồn tại hàng chục công trình nhà ở, khu nhà xưởng và các cơ sở sản xuất có diện tích từ 200 - 500 m2 được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp.

Không những vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, các nhà kho, nhà xưởng, đất nông nghiệp còn được rao bán công khai trên các web bất động sản. Giá đất nông nghiệp ở xã Đông La khoảng 2-3 triệu đồng/m2. Khi chúng tôi liên hệ với một chủ đất đang rao bán 500 m2 đất nông nghiệp tại Đông La, người này còn “hứa” sẽ bao cả việc xây kho, xưởng nếu có nhu cầu.

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức - Ảnh 3.

Rao bán đất nông nghiệp xây dựng nhà kho, nhà xưởng công khai trên các web bất động sản. (Ảnh: chụp màn hình)


Bao giờ giải quyết được “tồn tại”?

Tại địa bàn thôn Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), đất nông nghiệp đang được nhiều người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà xưởng, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, trật tự xây dựng. Mặc dù, những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại đây diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương rất thờ ơ trong việc xử lý, càng khiến cho vi phạm có điều kiện phát triển.

Tại thôn Đại Tự có hàng trăm công trình nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp, như đang thách thức chính quyền sở tại nhiều năm qua.

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức - Ảnh 4.

Nhà kho, nhà xưởng trên đất nông nghiệp ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.


Ông Nguyễn Hữu Cương - Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho rằng, việc mở rộng các nhà xưởng để sản xuất giờ không phát sinh ồ ạt như trước nữa, mà chủ yếu là cơi nới, sửa chữa. Dự án Cụm công nghiệp Đại Tự thì vào thời điểm sáp nhập địa phận Hà Tây về Hà Nội nên phải tạm dừng rà soát quy hoạch. Đến tháng 7/2018, thành phố đã phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Đại Tự.

Bên ngoài khu vực xây dựng Cụm công nghiệp Đại Tự, vẫn có nhiều những nhà kho nhà xưởng trên đất nông nghiệp? Ông Cương cho biết: “Có việc này, đây là những vấn đề do tồn tại để lại! Việc các nhà xưởng sửa chữa, lợp lại cũng là những vi phạm đang diễn ra”.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Kim Chung không cho biết chính xác khi nào chính quyền sẽ xử lý những tồn tại, vi phạm.

Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội đã nêu rõ: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục./.


Theo Hoài Lam

VOV

Trở lên trên