MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi hiện tượng cầm iPhone quá nhiều khiến ngón tay út biến dạng: Kiểm tra ngay xem bạn có bị không?

29-03-2024 - 20:20 PM | Sống

Hãy kiểm tra ngón tay út của bạn để xem mình có bị tình trạng biến dạng được gọi là "ngón tay iPhone" hay không.

Tranh cãi về "ngón tay iPhone"

Với sự ra đời của điện thoại thông minh, nhiều người phát hiện ra ngón tay út bị biến đổi một cách kỳ lạ theo thời gian. Trong một tập gần đây của The TJ Show, những người tham gia đã giải thích khái niệm gọi là "ngón tay iPhone".

"Khi chúng ta cầm điện thoại đè lên ngón út, trọng lượng của thiết bị tạo ra một vết lõm khiến ngón tay bị biến dạng", người dẫn chương trình cho biết.

Để xác định xem ai đó có "ngón tay iPhone" hay không, chỉ cần giơ cả hai ngón út ra so sánh, vết lõm này sẽ xuất hiện ở bên tay thường xuyên cầm iPhone.

Những người tham gia chương trình đã làm theo hướng dẫn và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng họ có vết lõm ở một ngón út. Sau khi đăng, video tiếp tục nhận được hơn sáu triệu lượt xem, trong đó nhiều người đã nói đùa về cái tên được áp cho một loại điện thoại thông minh cụ thể.

Tranh cãi hiện tượng cầm iPhone quá nhiều khiến ngón tay út biến dạng: Kiểm tra ngay xem bạn có bị không?- Ảnh 1.

Ngón tay út giữ điện thoại quá lâu gây ra vết lõm.

"Tại sao gọi là ngón tay iPhone mà không gọi là ngón tay điện thoại nói chung?" một người bình luận đặt câu hỏi.

"Tôi có ngón tay Samsung… ơn Chúa, tôi không có ngón tay iPhone…" một người khác dí dỏm.

Những người khác thì cho rằng ngón tay iPhone không có thật, cho biết ngón út của họ đã có vết lõm trước khi sở hữu điện thoại thông minh.

Một bình luận viết: "Cả hai ngón út của tôi đều có vết lõm trước khi dùng iPhone". Một người bình luận khác đồng tình: "Đây là điều không có cơ sở khoa học, mỗi ngón tay của tôi đều có vết lõm ở cùng một chỗ".

"Ngón tay iPhone" liệu có thật?

Theo Andrew Bracken, một nhà trị liệu ở Utah, Mỹ, vết lõm trên ngón út có thể là thật, nhưng cái gọi là "ngón tay iPhone" hay "ngón tay điện thoại thông minh" thì không.

Bracken giải thích: "Đó không phải là một hội chứng được công nhận. Điều này có thể xảy ra khi bạn sử dụng ngón út để ổn định và cầm chắc điện thoại thông minh". Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng điện thoại di động không đủ nặng để ngăn chặn dòng máu hoặc làm tổn thương dây thần kinh.

Nhưng Bracken cho biết việc sử dụng quá nhiều điện thoại di động có thể là một yếu tố góp phần gây ra các tình trạng thực tế như hội chứng cổ tay, hội chứng ngón tay cò súng và hội chứng khuỷu tay.

"Chúng ta sẽ bị tê ở ngón út và dọc theo cạnh bàn tay. Chính góc của cổ tay và khuỷu tay góp phần gây ra hiện tượng tê và có thể dẫn đến một số hậu quả thực sự nghiêm trọng nếu không được khắc phục".

Đáp lại video về "ngón tay iPhone", một số bình luận cho rằng có thể sử dụng loại giá đỡ điện thoại hình tròn được đặt ở mặt sau của điện thoại thông minh thay vì cầm điện thoại bằng tay để khắc phục tình trạng này. Một phương pháp khác là hãy dùng điện thoại ít đi.

Tranh cãi hiện tượng cầm iPhone quá nhiều khiến ngón tay út biến dạng: Kiểm tra ngay xem bạn có bị không?- Ảnh 2.

Một số người so sánh ngón tay iPhone với vết sưng hoặc vết chai mà các nhà văn hay có. Theo Healthline, vết chai của các nhà văn là do "một vùng tế bào da chết tích tụ hình thành do ngón tay ma sát nhiều lần".

"Điều này làm tôi nhớ đến vết lõm khi bạn cầm bút", một người bình luận chỉ ra.

Những vết chai này thường hình thành do sử dụng nhiều lần bút mực, bút chì hoặc các dụng cụ viết khác. Mặc dù chúng không nghiêm trọng nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ nếu vết sưng trở nên khó chịu.

Hãy quan tâm đến cổ hơn

"Hầu hết những vết lõm trên ngón tay không nói lên được điều gì", Tiến sĩ Peter Evans, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của Phòng khám Cleveland, cho biết về tranh cãi "ngón tay iPhone".

"Nhiều người nghĩ ngón tay như vậy có thể đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn nào đó, nhưng đôi khi chúng chỉ là phóng đại".

Ông cho rằng người dùng điện thoại nên quan tâm đến tư thế sử dụng điện thoại nhiều hơn, đặc biệt là xem xét đến cổ thay vì ngón tay. Đầu mỗi người nặng khoảng 4,5 – 5,5 kg, gây áp lực rất lớn lên cổ.

"Khi cúi xuống nhìn điện thoại, bạn sẽ tăng tải trọng lên cơ cổ. Áp lực gia tăng này có thể gây đau cơ và co thắt", chuyên gia cho biết.

Theo Mạnh Kiên

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên