MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trào lưu đang gây nghiện ở thung lũng Silicon - "hack" cơ thể bằng công nghệ: Nhiều bí mật về sức khỏe lần đầu được phơi bày!

29-11-2019 - 19:03 PM | Sống

Sau khi “hack”, tôi mới còn rất nhiều điều thú vị về cơ thể mà tôi không hề biết tới.

Bài chia sẻ của Lydia Ramsey - biên tập viên trang thông tin Insider. Cô đã đeo thiết bị kiểm soát đường huyết theo thời gian thực để rút ra cách cải thiện sức khỏe và năng suất làm việc.

Trong vài tuần qua, tôi có thể nắm rõ tình trạng hoạt động của tụy vào bất kỳ lúc nào. Đó là nhờ tôi luôn đeo thiết bị kiểm soát đường huyết liên tục (hay còn gọi là CGM). Thiết bị này sử dụng một sợi dây nhỏ để luồn dưới da, nhằm theo dõi lượng đường trong máu tôi.

Thông thường, thiết bị này chỉ dành cho bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, vì lượng đường huyết của họ khá thất thường. Họ phải theo dõi đường huyết liên tục, do đó những thiết bị như thế này là rất quan trọng. Lần này, tôi sử dụng thiết bị có tên Dexcom G6. 

“Mục đích của thiết bị này nhằm phòng tránh tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu nào cho thấy tác dụng của chúng đối với người khỏe mạnh”, Adrian Vella - bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Mayo Clinic - cho biết.

Tôi quyết định sử dụng thiết bị này để xem việc theo dõi đường huyết sẽ giúp ích gì cho một người bình thường. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người ở Thung lũng Silicon cũng hưởng ứng trào lưu “hack” cơ thể bằng công nghệ để cải thiện sức khỏe và năng suất làm việc.

Tôi cũng nói chuyện với nhiều người không bị tiểu đường nhưng vẫn sử dụng thiết bị này. Họ cho biết thiết bị này giúp họ thay đổi thói quen ăn uống, bằng cách hạn chế các món ăn khiến cho đường huyết tăng vọt bất ngờ.

Trào lưu đang gây nghiện ở thung lũng Silicon - hack cơ thể bằng công nghệ: Nhiều bí mật về sức khỏe lần đầu được phơi bày! - Ảnh 1.

Bộ thiết bị theo dõi đường huyết Dexcom G6. (Ảnh: Joey Hadden/Business Insider)

“Hack” cơ thể không khó, chỉ 1 giây là xong!

Chiếc Dexcom G6 này gồm một thiết bị cấy cảm biến, một thiết bị đọc chỉ số và một màn hình hiển thị dữ liệu. Tuy nhiên, tôi chọn đọc dữ liệu trên điện thoại. Tôi có tổng cộng 2 chiếc cảm biến - mỗi cái có hạn 10 ngày.

Ban đầu, tôi có hơi sợ sệt. Trước khi cấy cảm biến vào tay, tôi phải kết nối nó với điện thoại bằng cách quét mã code. Chỉ bằng một nút bấm, cây kim đã đi sâu dưới da, để lại sợi dây cảm biến theo dõi đường huyết. Chưa đầy 1 giây sau, cây kim đã được rút ra.

Tiếp theo, tôi phải gắn một bộ truyền phát nhằm kết nối cảm biến với điện thoại. Vì thiết bị này có thể dùng được nhiều lần nên tôi phải giữ nó cẩn thận. 

Cảm biến sẽ mất vài giờ để điều chỉnh. Ngoài ra, tôi không cảm thấy khó chịu gì khi gắn thiết bị trên tay, chỉ có một chút vướng víu lúc thay quần áo.

Trào lưu đang gây nghiện ở thung lũng Silicon - hack cơ thể bằng công nghệ: Nhiều bí mật về sức khỏe lần đầu được phơi bày! - Ảnh 2.

“Hack” cơ thể giúp tôi biết được điều gì?

Sau khi sử dụng thiết bị, tôi đã có những phát hiện hết sức bất ngờ.

Tôi bị hạ đường huyết thay vì tăng khi uống bia. Hóa ra, cơ thể tôi không kịp chuyển hóa đường để phản ứng với lượng cồn trong người. Đối với những món như sữa lắc, lượng đường huyết của tôi sẽ tăng - một thông tin không mấy bất ngờ.

Tôi chỉ thu về những kết quả thú vị khi so sánh phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm khác nhau: nếu thay chuối bằng thanh kẹo, nếu nhịn ăn tới trưa,... 

Bên cạnh đó tôi cũng tò mò với sự thay đổi của đường huyết trong quá trình chạy marathon. Khi bị hạ đường huyết trong lúc chạy, tôi đã ăn vài viên kẹo dẻo. Thế nhưng, kết quả là lượng đường huyết lại không tăng như tôi nghĩ.

Trào lưu đang gây nghiện ở thung lũng Silicon - hack cơ thể bằng công nghệ: Nhiều bí mật về sức khỏe lần đầu được phơi bày! - Ảnh 3.

Lydia và cha trong cuộc thi chạy marathon. (Ảnh: Lydia Ramsey/Business Insider)

Theo Henrik Breggen - CEO của công ty Steady Health chuyên áp dụng công nghệ trong việc chữa trị tiểu đường, cơ thể chúng ta phản ứng khác nhau với từng loại bài tập hay hoạt động. Chẳng hạn, so với chạy bộ, chơi bóng rổ sẽ làm đường huyết tăng cao hơn.

Trước đây, tôi cứ nghĩ cảm giác mệt mỏi lúc 3h chiều là do bị hạ đường huyết. Tuy nhiên, máy theo dõi báo đường huyết của tôi vẫn ổn định sau bữa trưa. Như vậy, đường huyết không thực sự có liên quan tới mức năng lượng của cơ thể. Cơn uể oải lúc 3h chiều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lượng caffeine tôi hấp thụ, hormone, chất lượng giấc ngủ, tình trạng cấp nước…

Kể cả khi chạy đường dài, đường huyết giảm không có nghĩa là tôi hết năng lượng. “Giống như chiếc xe hybrid có thể chạy bằng xăng hoặc bằng điện, cơ thể có thể lấy năng lượng từ tinh bột hoặc chất béo)”, bác sĩ Vella giải thích.

Ngoài ra, tôi cũng phát hiện ra rằng đường huyết của mình sẽ nhích lên khi đang ngủ. Đây chính là “hiện tượng bình minh” (Dawn Effect). 2-3h sáng là khoảng thời gian đường huyết giảm nên cơ thể sẽ tiết ra các hormone đối kháng insulin tác động đến gan để làm tăng đường huyết.

Trào lưu đang gây nghiện ở thung lũng Silicon - hack cơ thể bằng công nghệ: Nhiều bí mật về sức khỏe lần đầu được phơi bày! - Ảnh 4.

Sự thay đổi đường huyết vào lúc 3h sáng và khi đi ngủ (12h sáng). (Ảnh: Mayo Clinic)

Tôi vẫn muốn đeo tiếp thiết bị này

Sau 20 ngày sử dụng, các chỉ số của tôi đều ổn định, không có sự thay đổi rõ rệt nào đối với đường huyết. Tuyến tụy của tôi vẫn hoạt động đúng với chức năng.

Tôi cũng thấy rất tiện vì có thể nắm rõ chỉ số đường huyết ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần đường huyết giảm dưới mức giới hạn tôi đặt ra, nó sẽ phát tiếng thông báo. Tôi thậm chí còn “nghiện” thiết bị này tới mức mở ứng dụng Dexcom ra xem chỉ số dù không cần thiết. 

Bác sĩ Vella cho rằng, so với các bệnh nhân bị tiểu đường, CGM không thực sự phát huy tác dụng với những người như tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được sử dụng nó lâu hơn, để xem sự thay đổi đường huyết khi tập thể dục và khi không tập thể dục, hoặc khi ăn đồ Trung Quốc cay, nóng.

Ngọc Hà

Insider

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên