Trẻ con có biết gì đâu: Lỗi thuộc về ai khi đứa trẻ nổi loạn và làm phiền người khác?
“Trẻ con có biết gì đâu” là câu bênh con quen thuộc của rất nhiều bà mẹ Việt mỗi khi có chuyện tranh cãi liên quan đến những đứa trẻ (bị coi là) hư, quậy phá, làm phiền người khác. Người bị quấy rối lại bị kết tội là “chấp nhặt” với trẻ con (!?).
- 18-10-2019Phương pháp dạy con "không dạy gì cả" của nhà văn Nguyễn Anh Đào nhưng kết quả lại khiến nhiều người bất ngờ
- 17-10-2019Câu chuyện về vị tỷ phú nhà cửa nát tan, phải bỏ mạng vì tính cách gia trưởng, thích kiểm soát người khác cùng cách dạy con không giống ai của mình
- 09-10-2019Nhà nghèo khó, người cha vẫn nuôi dạy con thành "vĩ nhân nước Mỹ": Tất cả là nhờ 3 hành động nhỏ nhưng hiệu quả cao mà phụ huynh nào cũng nên biết sau đây!
Câu chuyện hành động vô ý của trẻ con và phản ứng của người lớn lâu nay vẫn là câu chuyện dễ gây tranh cãi và khiến người lớn dễ bị chia rẽ bởi các lý lẽ khác nhau. Một phe cho rằng, trẻ con cần được dạy dỗ, kiểm soát tốt để có cách ứng xử đúng mực. Bố mẹ đứa trẻ phải chịu trách nhiệm với hành động của con và uốn nắn kịp thời khi trẻ vượt giới hạn để tránh làm phiền người khác. Mạnh mẽ hơn, có người thẳng thừng: Không dạy được thì đừng đẻ. Phe còn lại thì nghĩ, trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, chúng còn quá non nớt để hiểu chuyện và người lớn nên bao dung với chúng.
Thế nên, ở những nơi công cộng, không khó để bắt gặp những đứa trẻ hiếu động chạy nhảy, la hét ồn ào, trêu ngươi người khác, mè nheo khóc lóc để vòi vĩnh đồ chơi hay hành hạ thú cưng của người khác… mà không hề có bất cứ người lớn nào nhắc nhở. Chúng được che chở tuyệt đối và mù quáng, vì cha mẹ chúng sẽ yêu cầu người khác (trong đó có cả những đứa trẻ lớn hơn) nhường nhịn, bỏ qua, bất chấp ứng xử của đứa trẻ đó khó chịu như thế nào.
Những lời như “Cháu nó còn nhỏ” hay “Trẻ con thì biết cái gì” đã trở thành câu cửa miệng trong những vụ bao che khi trẻ gây rối, và nếu người lớn hay những trẻ lớn hơn phàn nàn, họ lập tức bị kết tội “không biết nhường em”, “người lớn mà chấp trẻ con”, “không có con nên không biết thông cảm"...
Chính điều này khiến không ít người cảm thấy khó chịu khi có sự xuất hiện của trẻ con, rất đông người đồng tình về việc ghét trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ hư. Thậm chí còn có người tuyên bố, họ thà sống độc thân cả đời còn hơn bị vây quanh bởi những đứa trẻ.
Đối với rất nhiều bậc cha mẹ, trẻ con luôn là những thiên thần đáng yêu và luôn được ưu tiên. Để một đứa trẻ lớn và nên người, cần rất nhiều công sức dạy dỗ của người lớn. Nhưng có thật là trẻ con “không biết gì” không?
Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy trẻ rất thông minh, đặc biệt là thông minh về cảm xúc và hành động của chúng phần nhiều là quan sát và lặp lại từ môi trường xung quanh. Chúng gần giống với miếng bọt biển hay một chiếc ly rỗng, luôn dễ dàng tiếp cận những điều được dạy mà chưa có định kiến hoặc quan điểm vững chắc, nên học hỏi rất nhanh.
Có thể một đứa trẻ chưa đủ kiến thức để hiểu các khái niệm sin, cos, đọc được đồ thị hay phân tích sự biến đổi của các chòm sao, nhưng chúng đặc biệt nhạy cảm với thái độ của người khác. Chúng sẽ biết bố mẹ có “đồng lõa” với một hành động nào đó của mình hay không dựa trên nét mặt hoặc cách bố mẹ phản ứng, từ đó, chúng học được cách hành xử phù hợp.
Từng có một câu chuyện của một tử tù và một CEO thành công khá được chú ý trong cộng đồng. Câu chuyện kể về 2 đứa trẻ mới chỉ 6 tuổi và được mẹ đưa đi mua cả hàng đồ chơi. Sau khi được mua xe điều khiển từ xa thì cả hai đều muốn mua thêm máy bay nữa. Một cậu bé khi mẹ lắc đầu không đồng ý đã nằm vật xuống sàn ăn vạ đến khi mẹ chịu thua mới thôi. Một đứa khác cũng đòi hỏi y như vậy, nhưng khi nó đã nằm vật xuống sàn ăn vạ, mẹ nó đã quay lưng bước ra khỏi cửa hàng. Đứa trẻ sợ mẹ đi mất nên vội đứng dậy lau nước mắt chạy theo mẹ về nhà.
Phản ứng vòi vĩnh của trẻ khi thích thứ gì đó là điều bình thường, nhưng cách ứng xử của các bà mẹ chính là bài học để rèn giũa cho chúng. Mẹ đứa trẻ đồng ý mua đồ cho con để dỗ con không khóc đã vô tình dạy rằng, bằng chiêu ăn vạ, nó có thể đòi được món đồ mình yêu thích, rằng mẹ nó không muốn bị xấu hổ trước chỗ đông người. Bà mẹ còn lại đã bằng cách cứng rắn đã phần nào dạy cho con biết rằng, ăn vạ chẳng giải quyết được gì, từ đó tự điều chỉnh thái độ.
Trên thực tế, câu “trẻ con không biết gì” không sai, vì trẻ con có thể chưa nhận thức được mình có hành động sai hay không, hành động ấy sẽ gây ra những phiền toái và rắc rối gì. Với chúng, tất cả những chạy chơi, cười đùa, khóc lóc ồn ào chỉ là thể hiện sự vui sướng hân hoan hay cáu giận, không hài lòng, muốn được bố mẹ chú ý. Không một đứa trẻ nào biết rằng mình phải làm điều gì đúng, điều gì sai ngay từ khi mới sinh ra, nên chúng mới cần được dạy dỗ.
Tuy nhiên, bao che, không uốn nắn những hành động lệch chuẩn, những biểu hiện hư không phải là giáo dục. Suy nghĩ “nó còn nhỏ, nó biết gì đâu” cùng sự bảo bọc quá kỹ lưỡng của cha mẹ có thể tước đi quyền quyết định của trẻ trong mọi vấn đề cũng như ảnh hưởng đến khả năng phân định đúng - sai của trẻ. Từ đó, chúng chẳng còn biết phải ứng xử ra sao khi gặp người lạ mặt, hay thoải mái đùa nghịch, gào thét gây nên rắc rối giữa chốn đông người chỉ vì nghĩ rằng sẽ có người lớn bảo vệ.
Trẻ con có thể sai lầm nhưng tuyệt đối không phải “không biết gì”, việc của người lớn là phải uốn nắn cho chúng hiểu chuyện và dần học được cách sống hài hòa trong xã hội, tôn trọng người khác, chứ không phải nấp sau váy mẹ để mẹ chiến đấu với cả thế giới.
Yêu con là đúng, nhưng bênh con sẽ là hại con. Nếu cha mẹ coi con trẻ mắc lỗi, gây rối, làm phiền người khác là chuyện đương nhiên và tấn công những người không “thông cảm”, nếu không để trẻ thấy những lỗi sai của mình và học cách cư xử phù hợp, dần dà sẽ tạo nên tính xấu khó thay đổi. Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy bé cách tự nhận lỗi và sửa chữa mỗi khi phạm sai lầm, đương nhiên, bằng tình yêu thương và bao dung đúng cách.
Về ngắn hạn, một đứa trẻ biết lắng nghe, biết phân biệt đúng - sai sẽ biết cách ứng xử đúng mực ở nơi công cộng, không bị coi là trẻ hư và không bị ghét. Về dài hạn, bé sẽ trở thành một người có trách nhiệm, dám nhận lỗi và biết tôn trọng người khác.
Bằng không, nếu coi những sai lầm tuổi trẻ là đương nhiên, là do hạn chế về nhận thức, chúng sẽ lớn lên bằng tư duy lệch lạc, cho phép mình có quyền làm thế và ỷ lại vào cha mẹ, vì gây rối cỡ nào, làm việc xấu đến đâu cũng có cha mẹ bảo vệ, miễn là đạt được mục đích. Và tệ hơn, chúng sẽ trở thành cha mẹ của thế hệ tiếp theo và có thể sẽ lặp lại sai lầm đó trong cách dạy con mình.
Có một sự thật là không phải đứa trẻ nào cũng được sinh ra khi bố mẹ chúng đã trưởng thành, đã sẵn sàng tâm thế, tài chính và kiến thức để làm bố mẹ, cũng không có cha mẹ nào thực sự hoàn hảo. “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu đầy nhà rồi mới sinh ông” - bài vè thuở xưa tưởng ngược ngạo, nhưng ngẫm lại rất có lý. Khi bắt đầu có con, người ta mới bắt đầu hành trình học cách làm cha mẹ.
Nhưng nói vậy không có nghĩa, những bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ cho phép mình xuề xòa trong cách dạy con. Yêu thương cũng cần đi kèm với trí tuệ và kiến thức. Khi xảy ra chuyện rắc rối giữa con và người khác, bạn hãy cố gắng để lắng nghe bằng hai tai, cố gắng để đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện.
Trong câu chuyện chú chuột hamster bị em bé làm chết chẳng hạn, nếu bình tĩnh, người mẹ sẽ hiểu rằng, con mình đang tương tác sai cách với động vật, rằng với mình, chú hamster chỉ là một con chuột vài chục nghìn, nhưng với chủ của nó, đó là “một đứa con” khác loài. Nếu hiểu rằng, bà mẹ nổi giận vì con mình bị tát thì cô gái cũng xót xa khi “con” mình bị hành hạ, bị chết đau đớn, có lẽ người mẹ ấy sẽ uốn nắn con mình từ lần đầu bé có hành động sai.
Tương tự vậy, nếu các bà mẹ dạy con đừng làm phiền người khác, đừng làm điều mình không muốn cho người khác để được yêu quý, thay vì bị mắng mỏ là một đứa trẻ hư, hoặc bị tẩy chay, bị cô lập, tệ hơn là bị đánh đập vì những hành động xấu, có lẽ tỉ lệ những đứa trẻ hư sẽ giảm xuống.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ thực sự cần nhìn thẳng vào việc mình cần phải học để biết cách kiểm soát con để tránh những hậu quả xấu, thay vì đòi hỏi người khác một sự thông cảm vô cùng phi lý và không hề cố gắng khắc phục. Nhiều người sinh con ra nhưng không kiểm soát được con mình, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Các bé hay đòi hỏi, khóc thét, hỗn láo với cha mẹ và nguy hiểm hơn là giật đồ, đòi đồ của người khác và ném đi, và vô số việc khác có tính chất tương tự.
Chính cha mẹ cũng cần tôn trọng người khác, phải nhắc nhở và ngăn chặn hành vi sai của con mình kịp thời, và quan trọng nhất hãy dạy con một cách nghiêm khắc rằng cái gì là của bé, cái gì không là của bé, và những nơi nào phải im lặng để tôn trọng không gian của người khác.
Cuối cùng, hãy để mắt đến con, 24/7 khi con ra ngoài. Đừng lơ là dù chỉ một phút, bởi trẻ con chỉ cần chưa đến một vài giây để gây ra những điều bạn không bao giờ ngờ tới trước đó. Để làm được như vậy, các cha mẹ nên trang bị các hiểu biết cho chính mình.
Câu chuyện về những người mẹ bênh con mù quáng tưởng xưa cũ mới đây lại được thổi bùng lên tranh cãi bởi bài đăng của một cô gái trẻ. Cậu bé hàng xóm của cô nhiều lần lẻn vào nhà bắt con hamster của cô để hành hạ cho vui. Mỗi lần phát hiện, cô gái đều phàn nàn thì mẹ bé đều bảo: “Nó còn nhỏ có biết gì đâu”. Đỉnh điểm của câu chuyện nổ ra khi thằng bé đó lén trèo sang nhà cô và ném chú hamster xuống đất, làm chú chuột chết. Cô gái nổi giận, tát thằng bé một cái và mẹ nó nổi giận, ẩu đả với cô gái và vẫn tiếp tục bênh: “Nó là trẻ con, nó biết gì đâu. Có con chuột làm thấy ghê, tao đền mày 200 là được chứ gì”.
Bài đăng này đã được lan truyền mạnh mẽ, gây tranh cãi ở cả các hội nhóm yêu động vật, hội bỉm sữa lẫn các nhóm kêu gọi bài trừ… trẻ con, chứng tỏ đây là vấn đề không mới nhưng cũng chưa hề biến mất. Luôn sẽ có một nhóm người không thích động vật. Thêm một nhóm nữa không thích trẻ con. Và nhóm các mẹ yêu con hơn cả sinh mạng, xù lông bênh vực con mình bằng mọi nhẽ cũng đông không kém. Sự căm ghét của họ, sự tấn công của họ với những “phe” còn lại trong câu chuyện này không phải không có nguyên nhân và không có lý lẽ, nhưng có lẽ đều bắt nguồn từ câu: “Trẻ con có biết gì đâu”.
Trí thức trẻ