Trên 73% sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc
Hôm nay, 18/8, trên 2.100 sinh viên đại học hình thức chính quy và 157 sinh viên đại học hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Ngoại thương khu vực phía Bắc đã hoàn thành chương trình đào tạo và được công nhận tốt nghiệp.
- 17-08-2024NÓNG: Điểm chuẩn Đại học Ngoại thương 2024, nhiều ngành trên 28 điểm
- 16-08-2024Ngành học vừa được Bộ Chính trị quyết định "mức lương được ưu tiên xếp cao nhất": Nguyện vọng đăng ký năm 2024 tăng 85%, đi học có trợ cấp
- 15-08-2024Xôn xao thông tin "sinh viên Ngoại thương không được dự lễ tốt nghiệp của chính mình", đại diện nhà trường CHÍNH THỨC phản hồi
- 19-07-2024NÓNG: Ngoại thương, Bách khoa... và gần 30 trường công bố điểm sàn 2024, cao nhất 25 điểm
Trong số 2.141 sinh viên đại học chính quy tốt nghiệp của Trường Đại học Ngoại thương có trên 23%sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc, gần 50% sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi. Như vậy, tỉ lệ xuất sắc và giỏi của trường chiếm gần trên 73%.
Sinh viên tốt nghiệp không chỉ đạt kết quả tốt trong học tập mà còn đạt được những thành tích nổi bật trong nhiều mặt hoạt động như: hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng, thành tích trong các đấu trường, cuộc thi chuyên môn và năng khiếu trong và ngoài nước,...
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ các tân cử nhân giờ đây đang tràn đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng tiếp nhận tri thức mới với tinh thần dám nghĩ dám làm. Ông tin rằng hoài bão của tuổi trẻ Ngoại thương là động lực mạnh mẽ dẫn dắt các em không ngừng ước mơ và tạo nên những thay đổi tích cực không chỉ ở bản thân mình mà cả trong xã hội. Khi lựa chọn sống hết mình và thật sự nghiêm túc với lí tưởng lớn, nỗ lực không ngừng để khám phá tiềm năng vô hạn của mình, thử thách giới hạn bản thân và tạo nên những giá trị khác biệt, các em cũng đừng quên trách nhiệm với chính mình, đó là sức khỏe thể chất và tinh thần.
"Thầy mong rằng các em có thể học cách yêu thương bản thân và đừng quên dành cho bản thân vài nhịp nghỉ để cảm nhận sự màu nhiệm của cuộc sống tươi đẹp; cũng như tin tưởng vào con đường mình lựa chọn vì chắc chắn rằng năng lực của các em rộng lớn hơn những gì các em tự giới hạn trong suy nghĩ", ông Tuấn nói.
Áp lực đồng trang lứa
Đại diện cho các tân cử nhân tốt nghiệp đợt này, sinh viên Nguyễn Khánh Linh, Lớp Anh 02, K59, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế với điểm trung bình GPA 4.0/4.0 và tổng điểm đánh giá kết quả rèn luyện đạt 100/100 phát biểu bày tỏ niềm vinh dự khi được đại diện cho các tân cử nhân tốt nghiệp đợt 2 năm 2024 chia sẻ cảm xúc cũng như gửi lời tri ân tới thầy cô và gia đình tại buổi lễ.
Theo khánh Linh, 4 năm qua, ngoài những đặc sản như những con ngõ ẩm thực, lớp học khiêu vũ, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương còn được trải nghiệm một “đặc sản” khác là “áp lực đồng trang lứa”, hay quen thuộc hơn là “peer pressure”.
"Trước khi bước vào cánh cửa đại học, mỗi chúng em đều là những “con nhà người ta” trong mắt mọi người xung quanh. Nhưng khi vào trường, nhiều lúc chúng em cảm thấy thật nhỏ bé trước tài năng của các bạn đồng trang lứa. Chắc hẳn ai cũng từng trải nghiệm cảm giác tự ti khi hằng ngày đến trường đều gặp những “chiến thần học bổng”, các chủ tịch CLB năng động bản lĩnh... Chúng ta ngưỡng mộ khi bạn bè đạt thành tích cao trong các cuộc thi sinh viên hay trúng tuyển vào các tập đoàn lớn với mức lương nghìn đô ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường", Khánh Linh nói và cho biết trước áp lực đồng trang lứa đó khiến những tân sinh viên tự so sánh và nghi ngờ về năng lực của chính mình. Nhưng áp lực đã tạo ra những sinh viên Ngoại thương đầy bản lĩnh và không bao giờ đầu hàng trước khó khăn.
Theo Khánh Linh, bước ra cánh cửa cổng trường từ hôm nay, họ sẽ là những tân cử nhân Trường Đại học Ngoại thương. Chắc chắn ở vị trí mới này, bản thân Linh và các bạn không chỉ gặp áp lực đồng trang lứa, mà còn mang trên mình kì vọng của gia đình và xã hội.
Bản thân họ có thể thấy căng thẳng và bối rối khi phải đối mặt với sự so sánh, những yêu cầu, những thước đo về thành công, địa vị và tiền bạc. Họ cảm thấy phải chạy đua theo những thành công bề nổi, những thành tựu mà người khác đạt được, và đôi khi, quên mất một điều quan trọng: chính bản thân là ai và thực sự muốn gì. Mỗi người là những cá thể riêng biệt, bước đi trên hành trình của bản thân. Thành công không phải là một cuộc đua, mà là việc tìm ra niềm vui và sự hài lòng trên con đường mà chúng ta bước.
Ở trường, sinh viên đã học được cách làm quen với những áp lực, biết cách bước qua những hoài nghi, thất vọng để nỗ lực phấn đấu, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hành trang quý giá mà trường ĐH dành cho sinh viên chính là sự tự tin, kiên định, và lòng dũng cảm, dám thử thách bất cứ khó khăn nào.
"Hôm nay, mình muốn thách thức bản thân và các bạn: hãy từ bỏ những gông cùm của sự so sánh và kì vọng từ người khác. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: “mình là ai?”, “mình thực sự muốn gì và mình có thể đóng góp gì cho thế giới theo cách riêng của mình?” Hãy để câu hỏi này dẫn dắt chúng ta, không phải sự mong đợi của người khác", Khánh Linh bày tỏ. Đồng thời cô tân sinh viên cũng gửi lời cảm ơn tới bố mẹ, thầy cô đã đồng hành cùng mình trong suốt thời gian qua.
Tiền Phong