MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Trên 99% cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tinh giản ai”

29-06-2021 - 10:09 AM | Xã hội

Một trong những lý do khiến các đơn vị khó tìm ra đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản là do đánh giá cán bộ công chức cuối năm có đến 99% cán bộ công chức hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, cả nước đã tinh giản biên chế được gần 24.000 người. Tính cả giai đoạn 2016-2020, trong tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã giảm hơn 27.000 biên chế công chức, gần 243.000 biên chế viên chức.

Nổi bật trong công tác tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương là việc hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, sắp xếp thôn, tổ dân phố. Về tinh giản biên chế, các cơ quan đơn vị đã giảm trên 27.500 biên chế công chức. Ngoài ra, công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người, giảm gần 148.000 cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

Quảng Ninh đi đầu về sắp xếp tổ chức, Hà Nội dẫn đầu về triển khai đề án vị trí việc làm

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ trung ương đến địa phương, nhưng các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương, rất nỗ lực, tới nay, kết quả đạt được khá tốt, đã giảm được một tỷ lệ khá lớn các đơn vị hành chính cũng như các đơn vị sự nghiệp (khoảng 25%), số lượng biên chế đã giảm khá ấn tượng, trên 10% biên chế công chức và gần 11% biên chế viên chức. Đây cũng là một kinh nghiệm tốt để chúng ta tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong nỗ lực tinh giản biên chế ở các bộ ngành địa phương, Quảng Ninh được xem là một trong những địa phương chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế theo vị trí việc làm. Toàn bộ 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ cấp huyện thành cơ quan tổ chức nội vụ; Ủy ban kiểm tra với thanh tra cấp huyện thành cơ quan kiểm tra thanh tra.

Còn Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu cả nước về triển khai đề án vị trí việc làm. Sau 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, thành phố đã có 646 trường hợp phải thay đổi vị trí việc làm, trong đó 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu của vị trí việc làm; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm và 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế, 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác”, bà Liễu cho biết thêm.

Năm 2021, biên chế hành chính của Hà Nội là hơn 9.000 người, trong đó công chức gần 8.000 biên chế, giảm 115 người so với năm 2020. Cùng với giảm biên chế công chức, Hà Nội cũng sẽ thực hiện giảm hơn 6.000 biên chế viên chức so với năm 2020.

Tinh giản chưa hiệu quả, “siết chỗ nọ, phình chỗ kia”

Mặc dù các bộ ngành địa phương đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Tổng biên chế cả nước không những không giảm mà ở nhiều nơi còn còn có chiều hướng tăng.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn, nêu thực tế, chúng ta tinh giản, nhưng chỗ này chỗ kia lại phình ra, như thế là chưa làm được. Có chỗ này, chỗ kia xem xét lại, thậm chí có bộ ngành cũng tự nguyện tinh giản bộ máy quản lý, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được hoặc chưa có kết quả lớn, đem lại hiệu lực cho quản lý nhà nước.

Lý giải nguyên nhân tinh giản biên chế không đạt hiệu quả như mong muốn, PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng, có mấy lý do cơ bản.

Đầu tiên là nhận thức và sự tích cực, sâu sát của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan cũng chưa tích cực công việc này. Thứ hai là, chúng ta đã có chính sách, đã tập trung, nhưng đâu đó vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh, chưa có chế tài xử phạt, khen chê nên có tâm lý nếu làm được thì làm, không làm được thì để từ từ. Thứ ba là đâu đó vẫn còn sự nể nang, giữ thì vẫn giữ, người thân quen vẫn đưa vào.

“Lãnh đạo một cơ quan nhà nước ở một thành phố lớn, từng tuyên bố, khoảng 40% người không làm được và không thể giảm biên chế được vì toàn “con cháu” cả”, PGS.TS Ngô Thành Can dẫn chứng.

Không dựa trên vị trí, năng lực khi tiến hành lựa chọn biên chế dẫn đến bộ máy vừa cồng kềnh vừa thiếu cán bộ có năng lực chuyên môn cũng là ý kiến của TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Theo TS Đinh Duy Hòa, các đơn vị khó tìm ra đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản là do đánh giá cán bộ công chức vào dịp cuối năm có đến 99% cán bộ công chức hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Nói chung đánh giá chưa chuẩn. Đánh giá cán bộ công chức viên chức, kết quả làm việc là gì thì dựa vào kết quả đó để đánh giá, trên cơ sở đó mới ra các tiêu chí”- ông Hòa nhấn mạnh.

Tinh giản biên chế đã và đang được thực hiện ở khắp nơi, còn thực tế vẫn tồn tại những người năng lực, trình độ yếu kém trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức. Đó là bệnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn tồn tại ở hầu khắp cơ quan, đơn vị. Chỉ có điều, số lượng cán bộ công chức ấy nhiều hay ít mà thôi. Chây ỳ, lười biếng và không có ý thức vẫn tồn tại đâu đó trong đội ngũ cán bộ công chức.

Nghị định 143, một trong những cột mốc làm rõ thêm về tinh giản biên chế

Để giải bài toán tinh giản biên chế, cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 143 với những điều kiện cụ thể để tinh giản công chức, viên chức. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ giảm được những người không làm được việc, không có ý thức kỷ luật ra khỏi bộ máy.

PGS.TS Ngô Thành Can cho biết, Nghị định 143 là một trong những cột mốc làm rõ thêm về tinh giản biên chế.  Nhiều năm thực hiện nhưng chúng ta vẫn chưa đưa ra ngoài được những người không đáp ứng được công việc mà cũng không phát triển được những người có năng lực, người có mong muốn đóng góp.

Vì thế, Nghị định 143 tạo ra hành lang để cho các cơ quan đơn vị có thể dễ dàng hơn, xử lý hợp lý hơn, một số chức danh của cán bộ, công chức, viên chức cụ thể trong những trường hợp cụ thể để giải quyết, ví dụ như thiết kế lại công việc, cấu trúc lại tổ chức, đối tượng dôi dư, thiết kế đề án vị trí việc làm… tạo ra cơ hội tốt hơn cho các nhà lãnh đạo quản lý, sử dụng và làm gọn vị trí việc làm, làm gọn số lượng biên chế, để tập trung giữ lại được những người có năng lực, phù hợp với vị trí.

Theo PGS.TS Phạm Bích San, chuyên gia xã hội học, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nghị định liên quan tinh giản biên chế nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Vì thế ông cho rằng, để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, phải quyết tâm và thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Thứ nhất phải tăng cường giám sát hiệu quả của bộ máy hành chính, ai làm việc hiệu quả, ai không để giữ ai và bỏ ai một cách tâm phục khẩu phục. Thứ hai, phải mở rộng cơ chế thị trường, người ta sẵn sàng ra ngoài. Thứ ba, là giải pháp từ xã hội, xã hội cũng cần có sự giám sát, nếu như bộ máy cải cách xong mà làm việc vẫn không tốt thì đương nhiên phải cắt bỏ, giảm đi.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm, muốn tinh giản biên chế có hiệu quả thì cần sớm hoàn thiện các quy định, tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, từ đó thực hiện Luật Cán bộ công chức theo vị trí việc làm.

Quyết không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy điều này không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị mà phải biến thành hành động, hành động quyết liệt nếu không biên chế không những không giảm mà có thể còn tiếp tục phình to./.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên