Trí tuệ nhân tạo và cuộc chiến bản quyền
Các hãng truyền thông lo ngại với sự xuất hiện của chatbot AI tạo sinh, ngày càng có ít người truy cập các trang tin tức, khiến lượng truy cập và doanh thu sụt giảm
- 22-12-2023Mô hình trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán thời điểm con người qua đời
- 17-12-2023Thêm cảnh báo về trí tuệ nhân tạo
- 05-12-2023Quyết “chơi lớn” với AI, nước Đông Nam Á tung "chiến lược quốc gia", đặt mục tiêu tăng gấp 3 lượng nhân lực trong ngành trí tuệ nhân tạo
Tờ The New York Times (NYT - Mỹ) ngày 27-12 đệ đơn kiện OpenAI và Microsoft, cáo buộc 2 công ty này sử dụng trái phép hàng triệu bài báo của họ để giúp đào tạo các chatbot nhằm cung cấp thông tin cho người đọc. Công ty OpenAI (Mỹ) là nhà phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến ChatGPT. Trong khi đó, hãng công nghệ Microsoft (Mỹ) đã đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI, đồng thời cũng là nhà phát triển nền tảng AI có tên Copilot.
Trong đơn kiện nộp lên tòa án ở TP New York, NYT muốn Microsoft và OpenAI bồi thường thiệt hại, chấm dứt sử dụng nội dung của mình và tiêu hủy số dữ liệu đã thu thập. Đơn kiện không yêu cầu con số bồi thường cụ thể nhưng cáo buộc hành động vi phạm bản quyền của 2 công ty trên có thể đã gây thiệt hại hàng tỉ USD.
Tờ NYT cho biết họ nhận thức được sức mạnh và tiềm năng của AI tạo sinh đối với công chúng và báo chí nhưng nói thêm rằng các chất liệu báo chí nên được dùng cho mục đích thương mại sau khi có sự đồng ý từ nguồn tin gốc. "Nếu Microsoft và OpenAI muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi vì mục đích thương mại, luật yêu cầu họ trước tiên phải xin phép chúng tôi. Họ đã không làm như vậy" - tờ báo cho biết.
Phản ứng trước thông tin trên, đại diện OpenAI cho biết công ty tôn trọng quyền của các nhà sáng tạo và chủ sở hữu nội dung, cũng như cam kết hợp tác với họ để bảo đảm họ hưởng lợi từ công nghệ AI và các mô hình doanh thu mới. Ngoài ra, OpenAI tỏ ra bất ngờ và thấy thất vọng trước động thái của NYT vì hai bên vẫn đang đàm phán về vấn đề bản quyền.
Theo đài CNBC, NYT là một trong nhiều hãng truyền thông đang muốn những công ty đứng sau các mô hình AI tiên tiến nhất thế giới bồi thường vì vi phạm bản quyền dữ liệu. Riêng OpenAI sử dụng dữ liệu công khai trên trang web đến năm 2021 để đào tạo GPT - một mô hình ngôn ngữ lớn có thể tạo ra nội dung giống con người để đáp lại yêu cầu của người sử dụng.
Các nhà xuất bản truyền thông và sáng tạo nội dung đang nhận thấy tác phẩm của mình bị một số công cụ AI sử dụng và tái tạo. Trong một số trường hợp, nội dung được tạo ra giống nội dung gốc. OpenAI đã tìm cách xoa dịu các nhà xuất bản. Chẳng hạn, công ty này trong tháng 12 công bố thỏa thuận đối tác với Công ty Truyền thông Axel Springer (Đức) để trả tiền sử dụng nội dung của họ.
Các hãng truyền thông lo ngại với sự xuất hiện của chatbot AI tạo sinh, ngày càng có ít người truy cập các trang tin tức, khiến lượng truy cập và doanh thu sụt giảm. Chẳng hạn như trong đơn kiện, NYT cho rằng các mô hình GPT "cạnh tranh trực tiếp" với nội dung của báo. Đơn kiện đã dẫn ra nhiều ví dụ về việc mô hình GPT-4 tạo ra các phiên bản khác nhau từ nội dung gốc của báo. Ngoài ra, các mô hình AI cũng hạn chế cơ hội thương mại của NYT khi chỉnh sửa nội dung của báo. Theo NYT, nội dung được GPT tạo ra đã xóa liên kết dẫn đến sản phẩm trong ứng dụng Wirecutter - một nền tảng đánh giá sản phẩm - của tờ báo, từ đó làm mất cơ hội có được doanh thu tiềm tàng này.
Người Lao động