Triển vọng của Việt Nam sẽ góp phần đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào 2030
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, tác động của Covid-19 đã gây ra những gián đoạn kinh tế - xã hội kéo dài tại khu vực ASEAN. Tuy nhiên, khu vực này lại đang cho thấy khả năng phục hồi lớn nhờ chính sách ổn định cùng hứa hẹn phân phối vaccine tại các quốc gia, bao gồm Việt Nam và Singapore.
- 24-01-2021Bán hàng có 'chứng minh thư' ở TPHCM
- 24-01-2021Đầu tư cao tốc Bắc - Nam: Trông chờ hợp tác công - tư
- 24-01-2021NÓNG: Một số quy định về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh hết hiệu lực
Nghiên cứu của WEF chỉ ra rằng, nếu có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch thì khu vực ASEAN dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Để đạt được điều này, khu vực phải ưu tiên một số biện pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững và có khả năng phục hồi.
Thứ nhất, đảm bảo hợp tác có hiệu quả trong khu vực và trên thế giới
Theo đại diện của WEF, ông Lee Joo Ok, hợp tác có hiệu quả giữa các nước thành viên là một trong những nguyên tắc được đặt ra ngay từ khi thành lập cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch, các quốc gia đã hoàn toàn xóa bỏ ranh giới để nhất trí thành lập các Quỹ Ứng phó ASEAN Covid-19, Dự trữ Vật tư Y tế ASEAN và gần đây nhất là thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai (ACRF).
Ngoài ra, ASEAN cũng chú trọng hợp tác đa phương với các quốc gia bên ngoài thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, bao gồm 5 đối tác thương mại chính: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Cho đến nay, RCEP là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson kỳ vọng đến năm 2030, RCEP sẽ bổ sung vào nền kinh tế thế giới 186 tỷ USD mỗi năm.
Đồng thời, ASEAN cũng đề cao quan hệ đối tác công tư trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng và giải quyết các vấn đề khu vực như thiếu hụt cơ sở vật chất, tài chính và kỹ năng. Đơn cử là việc hình thành các liên minh hành động theo từng quốc gia cụ thể, hình thành hành động chung để nâng cao hiệu quả nhập khẩu vaccine và thiết bị y tế Covid-19…
Thứ 2, mở rộng kết nối và ưu tiên chuyển đổi số
Thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các quốc gia trong khu vực đã hợp tác nhằm đảm bảo dòng lưu chuyển của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế. Qua đó, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động của Covid-19.
Ông Lee Joo Ok nhấn mạnh, khu vực ASEAN đã chứng kiến tốc độ chuyển đổi số chưa từng có. Một cuộc khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện với 60.000 thanh niên ASEAN cho thấy, có 87% thanh niên đã tăng cường sử dụng ít nhất 1 công cụ số so với thói quen sử dụng trước, 42% thanh niên chọn ít nhất 1 công cụ số mới, và cứ 4 người bán hàng trên trang thương mại điện tử thì có 1 người là dùng lần đầu.
Để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số này, ASEAN đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chính sách khu vực. Bao gồm khuôn khổ thanh toán xuyên biên giới, kế hoạch thúc đẩy sản xuất thông minh và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái 5G.
Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng triển khai Sáng kiến ASEAN số nhằm góp phần vào quá trình chuyển đổi nói trên.
Cùng với tốc độ chuyển đổi như vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng số và đầu tư kỹ năng số sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng, theo WEF.
Thứ 3, chú trọng nâng cao tính bền vững
Ông Lee nhận định, ASEAN phải hướng tới mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch và khuyến khích đầu tư thân thiện với môi trường. Theo đó, tính bền vững được đánh giá là 1 trong 5 chiến lược chính trong nỗ lực phục hồi của cộng đồng. Hiện khu vực ASEAN cũng đã xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững (SDG) dựa trên các sáng kiến.
Tại Việt Nam và Indonesia, Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu của WEF đã khởi tạo quan hệ đối tác quốc gia nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, ASEAN nên tăng cường hợp tác với các đối tác, cơ quan phát triển và khu vực tư nhân nhằm gia tăng các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới kỳ vọng với 3 yếu tố nói trên, cộng đồng ASEAN sẽ đóng vai trò là hình mẫu về những thay đổi tích cực cũng như khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.