Triển vọng kinh tế 2017: Kịch bản “sáng” từ nỗ lực cải cách
Nhiều tín hiệu tốt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng trong năm 2017.
- 31-12-2016Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2016
- 31-12-2016Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2016 có gì nổi bật?
- 31-12-20166 lần 'vi hành' của Thủ tướng trong năm 2016
- 31-12-2016Năm 2016, miền Trung thiệt hại gần 2 tỷ USD do biến đổi khí hậu
Kinh tế Việt Nam chính thức bước sang năm mới 2017. Nhiều tổ chức và các chuyên gia đã có những dự báo với nhiều kịch bản khác nhau, nhưng xuyên suốt đều cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều “gam màu” sáng hơn.
Nỗ lực lội ngược dòng
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2016, đã có chuyên gia nhận định đây là một năm “đặc biệt”. Đặc biệt khi kinh tế Việt Nam phải chịu những tác động từ các yếu tố kinh tế chính trị ở khu vực và thế giới như: kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; vấn đề Brexit; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
Kinh tế Việt Nam trong năm qua cũng chịu tác động lớn từ biến đổi thời tiết và những tác động từ môi trường như hạn hán ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn chưa từng có tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.
Mặc dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy Chính phủ mới với hàng loạt các động thái lắng nghe, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là trở thành một Chính phủ kiến tạo và phục vụ thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước.
Chính nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành mà trong khó khăn, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đã đạt được. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2016 ước đạt 6,21%, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát (4,74%).
Với mức tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm các quốc gia châu Á đang phát triển, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, trong năm 2016, thu ngân sách tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định.
Về thương mại, trong năm 2016, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8,6%, xuất siêu đạt khoảng 2,68 tỷ USD. Trong khi đó, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33% GDP; vốn FDI thực hiện đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.
Đặc biệt, trong năm 2016 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng về số lượng và tăng mạnh về số vốn đăng ký, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo NFSC, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực “lội ngược dòng” để duy trì đà tăng trưởng tốt với các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế cũng được duy trì.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của NFSC nhận định, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 còn được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế khoảng 1 triệu 230 nghìn tỷ đồng, tương đương 181,2% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng tăng lên. Thị trường chứng khoán của Việt Nam trong năm qua đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm gần đây.
Tại buổi công bố báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 dù gặp khó khăn song các yếu tố cơ bản đảm bảo tăng trưởng Việt Nam vẫn tương đối ổn định.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn khó lường. Mặt khác, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt trong khi đó năng lực cạnh tranh của kinh tế còn thấp. Điều này sẽ tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới.
Tìm kịch bản cho tăng trưởng năm 2017
Sự cải thiện của nhiều nền kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, các nước có nhập khẩu dầu, cùng với diễn biến mới nhất về tình hình đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại là một tín hiệu tốt cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017.
Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông thoáng hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng khả năng thu hút đầu tư... tạo thêm sự kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.
Nhờ vào những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh , đa số các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2017 tích cực hơn năm 2016.
Cụ thể, NFSC cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Khu vực này sẽ trở thành động lực chính của năm 2017. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.
Trong khi đó, WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,3%; IMF cho rằng Việt Nam chỉ có thể đạt 6,2%.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản dự báo tích cực về triển vọng nền kinh tế nhờ tác động từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua.
NCIF dựa vào các giả thiết về tốc độ tăng trưởng GDP kinh tế thế giới khoảng 3,4% (IMF, tháng 7/2016). Ở trong nước, điều hành chính sách năm 2016 bắt đầu có hiệu lực, các nỗ lực cải cách pháp lý và môi trường đầu tư phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và tương đối ổn định.
Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt; trong đó tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất điều hành trung bình 6% năm 2017 và cung tiền, tín dụng đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi đó các kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2017 có thể theo các hướng sau:
Theo kịch bản 1 (kịch bản cơ sở) với nhiều khả năng xảy ra hơn; trong đó, nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện. Vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục duy trì, tăng 7%.
Cơ cấu, quy mô, hiệu quả tuy chưa có quá nhiều thay đổi, tuy nhiên tận dụng được lợi thế mang lại từ quá trình hội nhập, xuất khẩu và đầu tư có những cải thiện. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ ở mức khoảng 6,44%, lạm phát khoảng 5%.
Với kịch bản 2 (kịch bản cao) cũng có thể có khả năng xảy ra nếu với những giải thiết như trong kịch bản 1, nhưng nền kinh tế phát triển mạnh nhờ tận dụng được những động lực phát triển kinh tế thông qua hội nhập. Cơ cấu, quy mô hiệu quả có những cải thiện theo hướng tích cực hơn, khi đó tăng trưởng kinh tế được dự báo khoảng 6,72% và lạm phát ở mức 6%.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 sẽ khởi sắc hơn. Những hiệu ứng tích cực do các hiệp định thương mại được ký kết đưa lại, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế được dự báo sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, các dư địa từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017.
Trước thực trạng kinh tế năm 2016 và nhận định về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể cho kinh tế năm 2017. Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua với những chỉ tiêu cụ thể như: tăng trưởng GDP khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%...
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, ngày 17/12/2016 Chính phủ đã ra quyết định giao chỉ tiêu cho các bộ ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ.
Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Để thực hiện mục tiêu trên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vi mô. Nhanh chóng hoàn thiện các quy định hướng dẫn việc thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), v.v.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách đầu tư – kinh doanh.
Đối với chính sách thương mại, để hỗ trợ xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đúng lộ trình và khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết và đi vào thực thi. Cân nhắc việc tham gia, đàm phán và mức độ cam kết trong các FTA mới nhằm bảo đảm duy trì không gian chính sách cần thiết cho phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành trọng điểm.
Ngoài ra, khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI, tiến trình tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu... đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.
Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng như trên, NCIF đã kiến nghị một số giải pháp tăng cường thực hiện như: tiếp tục củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng công tác dự báo; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Ổn định tài chính sẽ tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2017./.