Triển vọng sáng của kinh tế vĩ mô
Sang năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục rõ nét, với sự đóng góp từ 3 động lực chính là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
- 16-10-2023Đề xuất quy định mới về điều hành xăng dầu: Nhiều lỗ hổng vẫn chưa được vá?
- 16-10-2023'Ông lớn' có 712 tàu tìm đến Việt Nam, ngỏ ý về siêu dự án đưa 1 cái tên thành 'mỏ vàng' top đầu ASEAN
- 16-10-2023Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần
Dù phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong năm 2023, song nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế thế giới.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng nằm trong xu hướng hồi phục tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Trao đổi với Nhadautu.vn , các chuyên gia đều lạc quan cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong quý IV/2023.
Nhận định từ ông Nguyễn Anh Khoa – Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Agriseco, tăng trưởng GDP quý IV dự báo sẽ đạt khoảng 7,5 – 8%, nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng của Chính phủ dần thẩm thấu vào nền kinh tế.
Ông chỉ ra 3 động lực tăng trưởng chính đến từ các nhóm: Đầu tư (gồm đầu tư công, đầu tư nước ngoài), tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. HCM dự kiến tăng tốc vào năm tới. Vốn FDI dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 nhờ sức hút và vị thế của Việt Nam trong khu vực đang ngày càng được nâng cao. Việc Việt Nam ký kết hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ kỳ vọng sẽ thúc đẩy thêm dòng vốn FDI mới vào Việt Nam ở các lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Về tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng kỳ vọng duy trì tăng trưởng tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm thuế VAT 2%, kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách nâng thị thực e-visa giúp tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu được kỳ vọng cải thiện giúp cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chính và mở rộng sang các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác.
Đồng quan điểm với ông Khoa, bà Nguyễn Ngọc Linh – Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE cho rằng xu hướng phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét, đặc biệt là trong những tháng gần đây. PMI lần đầu tiên vượt mức 50 điểm sau nhiều tháng, xuất nhập khẩu quay trở lại mức tăng trưởng dương… cho thấy hoạt động sản xuất đang phục hồi, bên cạnh các hoạt động tiêu dùng và bán lẻ vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.
Chuyên gia này phân tích: "Nhìn chung, gần như chắc chắn sự hồi phục sẽ tiếp tục diễn ra trong phần còn lại của năm 2023 do đây là thời điểm mà các chính sách tiền tệ trong nước mới bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế, cùng với việc kinh tế thế giới vẫn đang chống chọi tốt trong giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ".
Vẫn giữ triển vọng lạc quan với nền kinh tế, song phía CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá tăng trưởng GDP cả năm khó đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra đầu năm.
"Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lên mức 5,1% so với mức 4,9% dự báo vào cuối quý II nhờ: sự hồi phục lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động đầu tư công tiếp tục tích cực (9 tháng năm 2023 giải ngân được 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ hơn 110 nghìn tỷ)", Yuanta Việt Nam cho biết.
Áp lực tăng trưởng kinh tế năm 2024
Sang năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục rõ nét hơn, đạt khoảng 6 - 7% tiếp tục với sự đóng góp từ 3 động lực chính: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Khoa lưu ý áp lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 sẽ lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước.
Giám đốc kinh doanh DNSE cũng nhìn nhận năm 2024 là câu chuyện khó đánh giá: "Chính sách tiền tệ là xúc tác hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, tuy nhiên biến số bên ngoài mới là yếu tố quyết định sự hồi phục có bền vững hay không. Bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được chia làm 2 kịch bản: một cuộc hạ cánh mềm giúp cho kinh tế toàn cầu vẫn giữ được mức tăng trưởng nhẹ trong 2024 và nền kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục. Tuy nhiên ở kịch bản xấu hơn, một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra dưới sức ép của lãi suất có thể khiến nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làm gián đoạn quá trình phục hồi".
Về phía các tổ chức quốc tế, nhiều đơn vị nhìn nhận kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong quý IV/2024.
Theo đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là 5,9%. OECD đánh giá xu tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây. Đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo lần lượt là 5,4% và 5,8%.
Đáng chú ý, HSBC dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%, dẫn đầu khu vực. Đây được đánh giá là một con số ấn tượng trong năm 2024.
Nhà đầu tư