Triển vọng thị trường cao su trung và dài hạn không mấy khả quan
Theo ANRPC, năm 2019 sản xuất cao su thế giới dự báo sẽ tăng 5,8% so với năm 2018, tiêu dùng dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6%.
- 17-12-2018Thị trường bia Tết bắt đầu nóng
- 17-12-2018T&T: Xây nhà máy chế biến điều 50.000 tấn/năm tại Bờ Biển Ngà
- 16-12-2018Chìa khoá vàng giúp thâm nhập và phát triển kinh doanh trên thị trường Thái Lan
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 12/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng so với cuối tháng 11/2018. Cụ thể ngày 10/12/2018, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước tăng 4 Đ/độ TSC so với cuối tháng 11/2018, đạt lần lượt 232 Đ/độ TSC và 242 Đ/độ TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 11/2018 giảm 1,4% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với tháng 10/2018, đạt 179,66 nghìn tấn, trị giá 223,48 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 11/2018 đạt bình quân 1.243 USD/tấn, giảm 4% so với tháng 10/2018 và giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 11/2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất, đạt 130,38 nghìn tấn, trị giá 160,1 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với tháng 10/2018; nhưng tăng 24% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc chiếm 72,6% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước trong tháng 11/2018, tăng so với mức 72,3% của cùng kỳ năm 2017. Tính chung 11 tháng năm 2018, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 923,04 nghìn tấn, trị giá 1,22 tỷ USD, tăng 17,5% về lượng, nhưng giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2018 bình quân ở mức 1.330,7 USD/tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 11/2018, lượng cao su xuất khẩu sang hầu hết thị trường lớn còn lại tăng so với cùng kỳ năm 2017 như Ấn Độ tăng 140,8%, Mỹ tăng 65,1%, Hàn Quốc tăng 25,3%, Malaysia tăng 82,1%...
Theo Hiệp hội các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2019 sản xuất cao su thế giới dự báo sẽ tăng 5,8% so với năm 2018, lên 14,69 triệu tấn, tiêu dùng dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6%. Năm 2018, mặc dù tiêu thụ cao su tự nhiên ước tính ở mức 14,21 triệu tấn, cao hơn so với sản lượng 13,89 triệu tấn, nhưng vẫn chưa tạo ra sự chênh lệch lớn về cung - cầu để hỗ trợ giá. Năm 2019, giá cao su tự nhiên sẽ chịu tác động của diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Nếu giá dầu đi lên, giá cao su sẽ có cơ hội tăng.
Trong dài hạn (từ 3 đến 10 năm tới), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu sẽ tăng, hỗ trợ giá cao su. Tuy nhiên, giá sẽ không tăng quá cao. Những nước sản xuất cao su hàng đầu bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ họp vào ngày 16/12/2018 để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ giá, bao gồm cả khả năng hạn chế xuất khẩu.
Nhịp sống kinh tế