MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng tươi sáng về một cuộc "hạ cánh mềm"?

21-10-2024 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Triển vọng tươi sáng về một cuộc "hạ cánh mềm"?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18/9 lần đầu cắt giảm lãi suất lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) - mức hạ khá sâu vào thời điểm trước thềm bầu cử Mỹ.

"Cú đảo chiều" sau quyết định bất ngờ

Khi bất ngờ tuyên bố quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản hôm 18/9, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed lập tức trấn an thị trường rằng: "Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng và không có dấu hiệu suy thoái". Một quyết định xoay trục chính sách quan trọng từ tổ chức kinh tế quyền lực nhất trên thế giới, đã ngay lập tức có tác động sâu rộng tới thị trường tài chính toàn cầu.

Trong phiên giao dịch ngày 18/9, giá vàng thế giới giao ngay có thời điểm tăng tới 35 USD một ounce, lập đỉnh mới tại 2.600 USD. Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9 trong sắc xanh khi cả chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều thiết lập mức cao kỷ lục mới, có lúc tăng 1%.

Tuy nhiên, cả hai thị trường sau đó đều quay đầu giảm. Rõ ràng, mức cắt giảm 0,5 điểm % là một kết quả phù hợp với những kỳ vọng trước đó của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo phân tích của Bloomberg, trước thông báo của FED, thị trường đã có giai đoạn tăng giá đáng kể nhờ chính kỳ vọng về mức hạ lãi suất này, do vậy việc giảm điểm cũng là một diễn biến điều chỉnh bình thường. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng cần có thêm thời gian để đánh giá về mức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm %.

Chủ tịch FED cho rằng, việc hạ lãi suất mạnh tay như mức phù hợp nhất với kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại - là không mạnh tay quá mà cũng không nhẹ.

Tác động đối với nền kinh tế và người tiêu dùng

Thị trường tài chính hiện đang định giá ngân hàng trung ương để tiếp tục hạ lãi suất xuống khoảng 4,00%-4,25% vào cuối năm, với nhiều đợt cắt giảm hơn vào năm 2025.

Tuy nhiên, chính sách lãi suất thấp hơn sẽ chuyển thành chi phí vay rẻ hơn cho hầu hết các loại hình vay trong khi tiền lương trung bình hiện đang tăng nhanh hơn giá cả vì lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể.

Việc FED tăng lãi suất mạnh mẽ, chỉ bắt đầu sau khi lạm phát tăng vọt, ban đầu được kỳ vọng sẽ gây ra sự suy thoái kinh tế dẫn đến mất việc làm. Thay vào đó, nền kinh tế cho đến nay đã tránh được suy thoái, ngay cả khi lạm phát theo Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống còn 2,5% từ mức đỉnh điểm vào giữa năm 2022 là hơn 9%. Người sử dụng lao động vẫn tiếp tục tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp, ngay cả khi gần đây đã tăng lên 4,2%, vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.

Câu hỏi đặt ra là liệu FED có thể hiệu chỉnh việc cắt giảm lãi suất để đạt được điều mà các nhà kinh tế gọi là "hạ cánh mềm" - chính sách đột phá nhằm dẫn dắt nền kinh tế vượt qua giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát mà không gây chấn động thị trường lao động - hay không - sẽ là một trong những cách quan trọng nhất mà chính sách của FED sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ.

Lãi suất tại Mỹ giảm có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Áp lực đối với các thị trường này trong việc phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ giảm bớt khi Mỹ hạ lãi suất. Nhờ đó, các thị trường mới nổi có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi do Reuters theo dõi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.

Triển vọng "hạ cánh mềm"

Chính sách nới lỏng của FED sẽ tiếp tục theo lộ trình để đưa lãi suất này về khoảng 3 - 3,5% tính tới cuối năm 2026. Các nhà hoạch định chính sách cũng đánh giá kinh tế Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng tốt, lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%, trong khi thị trường việc làm sẽ không xấu đi quá mức, dù tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vào cuối năm nay.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)Jerome Powell nhấn mạnh: "Quyết định hạ lãi suất chính sách 0,5 điểm % phản ánh sự tự tin ngày càng tăng với việc hiệu chỉnh lại lập trường chính sách của FED một cách phù hợp, sức mạnh của thị trường lao động có thể được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng vừa phải và lạm phát giảm xuống mức bền vững là 2%".

Khái niệm "hạ cánh mềm" được các nhà phân tích kinh tế sử dụng để mô tả việc hạ lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Cụ thể, nhiệm vụ của FED là đưa lạm phát xuống xung quanh mức 2% đồng thời giữ tỉ lệ thất nghiệp thấp.

Động thái của Fed đồng nghĩa triển vọng về cuộc "hạ cánh mềm" ấy đã tươi sáng hơn. Quyết định trên được đưa ra khi lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tích cực, nhưng vấn đề lớn đang nằm ở tình hình thất nghiệp đáng lo ngại.

Thực tế, phát biểu hồi tháng trước Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc tới thị trường việc làm khi khẳng định "sứ mệnh" của tổ chức này là đưa nền kinh tế Mỹ ra khỏi cú sốc lạm phát. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ một thị trường lao động mạnh mẽ khi chúng tôi đạt bước tiến hơn nữa tới sự ổn định giá cả", ông nói.

Lãi suất và bầu cử Mỹ

Dù thay đổi lãi suất trong năm bầu cử là khá phổ biến, nhưng việc bắt đầu một chu kỳ cắt giảm hoàn toàn mới ít khi xảy ra ngay trước thềm bầu cử.

Trước thông báo của FED hôm 18/9, đã có bốn chu kỳ như vậy kể từ những năm 1970, và trong ba chu kỳ đó, các đương kim Tổng thống Mỹ và đảng cầm quyền đều thất bại. Ví dụ gần đây nhất là cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, FED dưới sự lãnh đạo của ông Powell đã hạ lãi suất hai lần vào tháng Ba với tổng cộng 1,50 điểm %, đưa tỷ lệ lãi suất xuống mức gần bằng 0. Năm đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đánh bại ông Trump với kết quả rất sít sao.

Các chuyên gia kinh tế có những góc nhìn khác nhau về động thái của FED Với một số người, đây là tin tốt cho Tổng thống Joe Biden, vốn phải vật lộn với tình hình lạm phát kỷ lục của nước Mỹ trong những năm qua. Với số khác, cắt giảm lãi suất cũng cho thấy việc kìm hãm quá lâu khiến nền kinh tế Mỹ thực sự cần một cú hích. Đa phần nhìn nhận kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Việc FED cố giữ lãi suất cao và giảm mạnh hiện nay đặt ra nhiều dấu hỏi về tác động của quyết định này tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là tin tốt cho đảng Dân chủ của Tổng thống Biden và ứng viên Kamala Harris, những người sẽ được ghi nhận ở thành tích kiềm chế lạm phát. Việc hạ lãi suất dẫn tới chi phí đầu tư hoặc chi tiêu giảm đi cũng là tín hiệu tích cực cho các cử tri chỉ vài tháng trước ngày bỏ phiếu.

Theo An Khê

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên