Triệt để thu hồi tài sản bất minh sẽ ngăn chặn được tham nhũng
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Triệt để thu hồi tài sản bất minh sẽ ngăn chặn được tham nhũng.
- 07-07-2020Thu hồi tài sản tham nhũng các 'đại án' chưa đạt yêu cầu
- 22-10-2019Tích cực thu hồi tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam tại Singapore
- 28-12-2017Tổng Bí thư: Thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát
- 24-12-2017Thu hồi tài sản tham nhũng: Quá khó !?
Một loạt vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, những lĩnh vực lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật thời gian qua. Việc Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý hình sự cả cán bộ cao cấp, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang sai phạm, với các mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Đây là điểm sáng, bước đột phá quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Giữ gìn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh buộc chúng ta phải kỷ luật. Trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã kỷ luật 27 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên ủy viên Trung ương Đảng. 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên ủy viên Bộ chính trị. 26 sĩ quan cấp tướng quân đội công an. Như vậy, nguyên cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý chúng ta đã kỷ luật là 110 người, để thấy sự nghiêm minh. Kể cả những ngày gần đến Đại hội nhưng Ban chỉ đạo Trung ương cùng các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra phát hiện, truy tố đưa ra xét xử những vụ án liên quan đến vấn đề tham nhũng, lãng phí”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay 126 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo đã được đưa ra ánh sáng. Đã xét xử sơ thẩm hơn 1 nghìn vụ với hơn 2 nghìn 400 bị cáo về các tội tham nhũng. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhìn lại gần 8 năm qua cũng cho thấy, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều đó cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng: không dừng, không nghỉ, không chùng xuống, mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Quyết tâm chính trị của ta rất cao mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dứt khoát chống tham nhũng, không chỉ “rửa từ vai trở xuống” bất cứ cán bộ dù cấp cao hay thấp có hành vi tham nhũng đều bị xử lý hết sức nghiêm minh. Chính điều đó đã tạo được niềm tin của nhân dân. Bây giờ dân tin vào đảng và chống tham nhũng giờ đã như một phong trào, huy động được nhân dân và họ cung cấp rất nhiều thông tin cho các cơ quan. Đó thực sự là dấu ấn lớn nhất trong công cuộc phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ vừa qua”.
Để chống tham nhũng thành công, theo ông Phạm Trọng Đạt, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật nghiêm về thu hồi tài sản tham nhũng. Triệt để thu hồi tài sản bất minh sẽ ngăn chặn được tham nhũng. Nhân dân mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người mà có bản lĩnh có trí tuệ có đạo đức, liêm khiết, kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng tiếp tục sự nghiệp này./.
VOV