Triết lý "không ngồi yên một chỗ" của ông Hoàng Nam Tiến: Cứ lâu lâu lại gặp Chủ tịch FPT xin đổi vị trí, nếu không "thể nào cũng nghỉ"
Ông Hoàng Nam Tiến – người vừa rời ghế Chủ tịch FPT Telecom để đảm nhiệm vị trí mới bên khối giáo dục của FPT – từng khuyên các sinh viên "thực sự nên đổi chỗ làm sau 2-3 năm". Bản thân ông dù 30 năm qua chỉ gắn bó với FPT, nhưng đã làm ở 6 hướng kinh doanh khác nhau.
- 26-04-2023Chân dung tân Chủ tịch FPT Telecom vừa thay ông Hoàng Nam Tiến: Thu nhập 5 tỷ đồng/năm, từng nhận giải thưởng Quả cầu vàng CNTT khi mới 32 tuổi
- 25-04-2023Ông Hoàng Nam Tiến thôi chức Chủ tịch FPT Telecom, sang nơi mới
- 14-04-2023Chủ tịch FPT Retail: "Giá iPhone Việt Nam đang thấp nhất thế giới, thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau" nhưng chả "ăn" được của nhau đâu"
" Tôi làm ở FPT đến giờ là năm thứ 30. Từ ngày ra trường, tôi chỉ làm ở FPT nhưng đã qua 6 hướng kinh doanh khác nhau. Cứ lâu lâu tôi lại xin gặp anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT) để xin đổi việc. Anh Bình cũng rất chiều tôi, vì nếu không cho đổi việc thì thể nào tôi cũng nghỉ ”.
Chia sẻ trên được ông Hoàng Nam Tiến đưa ra hồi đầu tháng 4.2023 trong buổi tọa đàm Whose Chance Talk, do chương trình “Cơ Hội Cho Ai?” tổ chức tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. HCM).
Trước các sinh viên thuộc Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở về sau), thế hệ bị “mang tiếng” là thích “bật sếp” và thích nhảy việc, ông Tiến lại ủng hộ quan điểm nên thay đổi công việc sau một khoảng thời gian nhất định.
“ Tôi nghĩ rằng các bạn Gen Z bây giờ thực sự nên đổi chỗ làm việc sau 2-3 năm. Các bạn cũng nên suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đổi nghề sau một số năm nào đấy, nếu cảm thấy nhàm chán, thất vọng. Điều này phải ủng hộ " , ông bày tỏ quan điểm.
30 năm "không ngồi yên một chỗ"
Mới đây, Tập đoàn FPT cho biết sau 3 năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch FPT Telecom, từ ngày 25/4 ông Hoàng Nam Tiến sẽ thôi giữ vai trò này và chuyển sang vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị và Công nghệ FSB.
Nhìn lại 30 năm công tác tại Tập đoàn FPT của ông Hoàng Nam Tiến, có thể thấy tân lãnh đạo Trường Đại học FPT đã đảm nhiệm nhiều vị trí đa dạng.
Ông Hoàng Nam Tiến gia nhập Tập đoàn FPT ngay sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1993. Chỉ 2 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối Máy tính FCD, Công ty FPT. Ở tuổi 26, ông đã giữ chức Trưởng phòng Kinh doanh FPT Hà Nội.
Tuy nhiên, tại một buổi hội thảo hồi năm 2018, ông Tiến đã kể lại "cuộc khủng hoảng tuổi trưởng thành” – giai đoạn con người ở độ tuổi 28-35.
" Các bạn bắt đầu kiếm được tiền, có gia đình, bắt đầu có vị trí trong xã hội và các bạn nghĩ rằng mình sẽ phải làm gì khác đi. Phần lớn đều muốn làm cái gì đấy của riêng mình ", ông Tiến rút ra quy luật.
Bản thân ông không phải ngoại lệ. Ở tuổi 32, khi đang giữ chức Trưởng phòng Kinh doanh FPT Hà Nội, ông Tiến quyết định xin nghỉ việc và sang Mỹ du học 3 tháng.
“ Khi đi học, tôi nung nấu rằng khi về sẽ làm một cái khác kể cả về FPT, như một con người mới. Làm điều gì khác biệt ", ông chia sẻ.
Từ năm 2002 đến 2003, ông Tiến giữ chức Phó Giám đốc FPT TP. HCM. 5 năm tiếp theo, ông đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phân phối FPT, góp phần quan trọng giúp Tập đoàn đạt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu năm 2008.
Giai đoạn 2007 - 2012, ông Tiến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghệ cao Hoà Lạc FPT. Từ năm 2012, ông giữ vị trí Chủ tịch FPT Software. Trong 8 năm dưới sự dẫn dắt của ông, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%, trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
Sau 3 năm gắn bó với FPT Telecom từ năm 2020 đến nay, ông Tiến rời ghế Chủ tịch, chuyển giao lại cho ông Hoàng Việt Anh, người trước đó giữ chức Tổng giám đốc FPT Telecom.
Nổi tiếng là một lãnh đạo đóng góp nhiều cho hướng nghiệp, xây dựng sức ảnh hưởng lớn trên truyền thông đối với thế hệ trẻ, luôn gần gũi và hỗ trợ sinh viên, ông Tiến được kỳ vọng sẽ cùng đội ngũ lãnh đạo của Tổ chức Giáo dục FPT giúp đơn vị có bước phát triển mới trong tương lai.
Nhịp sống thị trường