Trình Chính phủ dự án Luật Đất đai sửa đổi trước ngày 1/4
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4. Đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- 17-03-2023Sửa đổi Luật Đất đai phải chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng
- 16-03-2023Sửa Luật Đất đai, cần đặc biệt lưu tâm đến chênh lệch địa tô
- 15-03-2023Luật Đất đai sửa đổi: Làm gì để đất thương mại không bị coi là ‘con nuôi’?
Trình Chính phủ trước ngày 1/4
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Công điện nêu rõ, trong thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4.
Để bảo đảm việc tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội) theo đúng thời gian đã nêu trong kế hoạch của Chính phủ, chậm nhất trước ngày 20/3/2023.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc việc gửi báo cáo theo đúng kế hoạch, báo cáo Thủ tướng các trường hợp chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân để xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4/2023.
“Chế độ sử dụng các loại đất” được quan tâm nhất
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.
Trong số gần 8.000 ý kiến, có 10 nội dung nhận được nhiều ý kiến là: Chế độ sử dụng các loại đất (1209 ý kiến – 15,2%); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến – 12,4%); Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến – 9,5%); Đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến – 8,3%); Quy hoạch, sử dụng đất (645 ý kiến – 8,1%); Thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến – 7,5%); Quy định chung (544 ý kiến – 6,8%); Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (541 ý kiến – 6,78%); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (437 ý kiến – 5,5%); Tài chính về đất đai, giá đất (392 ý kiến – 4,9%).
Bên cạnh đó, Bộ đã nhận được 84 ý kiến góp ý bằng văn bản, trong đó 22 ý kiến là của tổ chức, còn lại là cá nhân; 01 tỉnh (Lào Cai) đã gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn về Bộ.
Liên quan đến nội dung cụ thể, một số Điều liên quan đến thu hồi đất chiếm số lượng lớn. Đó là: Điều 79: Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng (108 lượt góp ý); Điều 78: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (86 lượt ý kiến); Điều 89: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (64 lượt ý kiến); Điều 77: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (63 ý kiến).
Tiền phong