MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trình Quốc hội cho phép 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng

19-06-2024 - 17:51 PM | Bất động sản

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình - ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình - ảnh: quochoi.vn

Chính phủ chính thức trình Quốc hội cho phép 3 luật về bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, tức sớm hơn 5 tháng so với thời điểm dự kiến ban đầu.

Chiều 19/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, về cơ sở thực tiễn, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép ba luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) của Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Bên cạnh đó, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, Chính phủ cho hay đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh, gồm doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chính phủ cho rằng, mục đích ban hành Luật sửa đổi này là nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành. Đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Việc thi hành sớm các luật nhằm tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, nhất là các đầu tư công, dự án bất động sản (đặc biệt là nhà ở xã hội). Bên cạnh đó các luật tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Đối với Luật Đất đai được Chính phủ đánh giá mang nhiều nội dung mới có tính đột phá về quy hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai...

Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thi hành đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như: chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; quy định mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục khi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Còn đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đánh giá có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở (các phân khúc), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản, đặc biệt là các quy định giải quyết chính sách nhà ở các đối tượng người có công, người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân,...; giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với việc quản lý, vận hành nhà chung cư.

Tâm Nguyên

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên