MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trò chơi điện tử sẽ “hết đất sống” ở Trung Quốc?

16-07-2017 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Tencent, công ty trò chơi điện tử và truyền thông xã hội thành công nhất của Trung Quốc, đang ở tình thế khó khăn sau khi chính phủ chỉ trích họ đã khiến cho giới trẻ của nước này bị nghiện game.

Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa có bài viết chỉ trích trò Honor of Kings đình đám của Tencent và gọi nó là “thuốc độc” liên tục lan truyền “năng lượng tiêu cực”.

Mặc dù Tencent đã nhanh chóng đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế thời gian chơi của những người dùng nhỏ tuổi bằng cách tự động thoát ra nếu người chơi đó dưới 12 tuổi và đã chơi được 1 giờ/ngày, nhưng có thể là chưa đủ khi Bắc Kinh chuẩn bị đưa ra những quy định mà sẽ “ghìm cương” ngành công nghiệp trò chơi điện tử trị giá 28 tỉ USD của nước này. Những biện pháp quản lý mạnh tay không chỉ gây ảnh hưởng đến Tencent mà còn tác động đến mọi công ty có quyền lợi trong thị trường trò chơi điện tử lớn nhất thế giới này.

Trong tuần này, tờ Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa Xã đã kêu gọi những công ty phát triển trò chơi điện tử tuân thủ các biện pháp chống nghiện mạnh tay hơn và phải có nội dung tốt hơn. Tân Hoa Xã đề cập tới những vấn đề trong thiết kế trò chơi điện tử của Tencent, mà giới truyền thông nước này cho là đang bóp méo lịch sử Trung Quốc, và các lỗ hổng trong cơ chế chống nạn nghiện trò chơi điện tử, khi cho rằng các nhà điều hành lẽ ra nên mạnh tay hơn trong những vấn đề rất quan trọng này.

“Honor of Kings hiện cho thấy những ‘nỗi đau’ trong ngành trò chơi điện tử phát triển nhanh nhưng không được quản lý của chúng ta. Các ban ngành chính phủ có liên quan không những nên giúp nó phát triển mà còn phải có biện pháp quản lý để bảo đảm trật tự”, Tân Hoa Xã viết.

Đối với Bắc Kinh, các trò chơi như Honor of Kings đại diện cho một vấn đề xã hội cấp bách. Internet Trung Quốc đang tràn ngập những bản tin về học sinh tiểu học ăn cắp tiền của bố mẹ để chơi trò này. Honor of Kings đã trở thành một trong những trò mang lại doanh thu hàng đầu thế giới, khi thu hút được 200 triệu người chơi kể từ lúc ra mắt hồi năm 2015. Chỉ riêng quý 1 năm nay, trò này đã đóng góp tới 40% trong tổng doanh thu trò chơi trực tuyến của Tencent, theo ước tính của các chuyên gia phân tích tại HSBC.

Một bản tin đặc biệt đã thu hút được sự chú ý của nhà điều hành. Theo Nhân Dân nhật báo, ở Hangzhou, một thiếu niên 13 tuổi đã nhảy ra khỏi tòa nhà đang ở sau khi bị bố ngăn cản chơi trò này. Trước đó, cậu bé nghĩ rằng mình có thể bay được giống như các nhân vật trong Honor of Kings. May mắn là cậu bé chỉ bị gãy chân.

Những trường hợp như thế sẽ chỉ làm cho cái nhìn tiêu cực của nhà điều hành dành cho trò chơi điện tử trở nên tệ hơn. Hồi năm 2008, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố chứng nghiện trò chơi điện tử là “một rối loạn tâm thần” và hàng loạt bố mẹ đã gửi con đến những trại hè có cách thức hoạt động giống như quân đội để được điều trị.

Năm 2010, Bộ văn hóa Trung Quốc đưa ra luật chống nạn nghiện trò chơi điện tử đầu tiên của quốc gia này. Năm sau, 8 bộ ngành do cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, radio, phim ảnh và truyền hình quốc gia dẫn đầu, đã đòi hỏi tất cả các công ty phải tiến hành chế độ đăng ký tên thật cho các trò chơi của họ.

“Việc quản lý trò chơi điện tử trực tuyến của Trung Quốc chắc chắn sẽ càng ngày càng chặt hơn”, Zhu Wei, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu luật truyền thông tại đại học khoa học chính trị và luật pháp Trung Quốc, nói. “Bằng cách chỉ trích trò Honor of Kings, Bắc Kinh muốn tất cả các công ty sản xuất trò chơi điện tử phải chịu những chi phí cho tác động xã hội mà họ có thể gây ra”.

Mặc dù có những lời lẽ mạnh mẽ, nhưng sự thực thi những hạn chế này của chính phủ cho tới nay là rất tệ, theo Charlie Dai, chuyên gia phân tích tại 86 Research ở Thượng Hải. Những người chơi nhỏ tuổi có thể dễ dàng mua chứng minh nhân dân giả trên mạng để qua mặt cơ quan quản lý. Một nghiên cứu trên mạng Taobao của Alibaba cho thấy có hàng chục công ty hiện cung cấp dịch vụ mở khóa Honor of Kings cho những người chơi với giá từ 10 đến 80 nhân dân tệ (khoảng 1,5 đến 12 USD).

Trong tương lai, các cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh việc siết chặt đăng ký tài khoản bằng tên thật, giới phân tích nói. Các công ty có thể được yêu cầu phải triển khai những công nghệ nhận diện khuôn mặt để đối chiếu với các tấm ảnh trên chứng minh thư, một kịch bản mà sẽ làm tăng mạnh chi phí hoạt động của Tencent lên khoảng 20% - 30%.

Các biện pháp trong tương lai cũng có thể bao gồm một hệ thống giám sát, trong đó bố mẹ có thể buộc con họ thoát ra khỏi trò đang chơi. Cơ quan quản lý thậm chí có thể yêu cầu các công ty hạn chế số lượng hàng hóa phải mua trong trò chơi của học sinh tiểu học, theo Cui Chenyu, chuyên gia phân tích của IHS Markit.

Ở châu Á, những biện pháp như thế không phải là chưa có tiền lệ. Ở Hàn Quốc, những thiếu niên dưới 16 tuổi bị tự động ngắt khỏi trò chơi điện tự sau 12 giờ đêm. Năm 2013, quốc gia này thậm chí còn xem xét một đạo luật nhằm quản lý các trò chơi điện tử giống như cách họ quản lý việc đánh bạc và ma túy. Đề xuất đó đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội giữa hai phe ủng hộ và chống đối, và cuối cùng đã không được thực thi. Tuy nhiên, vào năm sau đó, chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp hạn chế thời gian và tiền bạc mà người chơi phải bỏ ra giống như trong trò chơi đánh bài poker trực tuyến.

Ở phương Tây, hiện không có những biện pháp hạn chế như thế, dù một cuộc nghiên cứu vào năm 2009 ở Mỹ phát hiện rằng cứ 10 đứa trẻ chơi trò chơi điện tử thì lại có 1 em bị nghiện. Theo Hiệp hội tâm thần Mỹ, cần có thêm nghiên cứu về tâm thần trước khi đưa chứng rối loạn vì chơi trò chơi điện tử trên internet vào danh sách các chứng rối loạn của họ.

Tuy nhiên, những gì Trung Quốc thật sự cần làm là một hệ thống phân loại, Zhu nói. Không giống như phương tây, Trung Quốc hiện không có một hệ thống phân loại theo lứa tuổi tương tự như ESRB hay PEGI, trong đó lứa tuổi nào được tiếp cận với trò chơi và ứng dụng nào. Hậu quả là, ai cũng chơi được những trò như Honor of Kings.

“Những công ty lớn như Tencent nên dẫn đầu. Và chính phủ nên đẩy mạnh việc thực thi này tại mọi công ty”, ông nói.

Lê Thanh Hải

Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên