MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tròn 10 năm lên sàn: Sự thận trọng của ông Trương Gia Bình đã khiến FPT bỏ lỡ những cơ hội vàng để lên ngôi “bá chủ”?

13-12-2016 - 14:36 PM | Doanh nghiệp

Nhìn lại chặng đường 10 năm của FPT, dễ thấy tập đoàn này có những hướng phát triển rất đúng đắn. Duy chỉ có điều, FPT lại “không sẵn sàng” trong những thời khắc quyết định.

Tuần trước, trong đoạn phỏng vấn ngắn với tờ Bloomberg, ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT chia sẻ, ông đang tìm kiếm những thương vụ M&A tốt từ Nhật, Mỹ hay châu Âu. Lựa chọn M&A hướng tới việc mở rộng quy mô của FPT nhanh nhất thay vì tốn công xây dựng lại từ đầu.

Ông Bình nói rất hào sảng, nhưng trong mắt các nhà đầu tư, chắc họ đang nghĩ chủ tịch FPT nên phát biểu như thế từ cách đây… 10 năm. Bởi trong 1 thập niên đó, người ta đang chứng kiến FPT từ một DN năng động dần dần biến thành một cỗ máy già cỗi và chậm chạp.

Dậm chân tại chỗ

Quay lại thời điểm năm 2006, khi FPT mới lên sàn chứng khoán, doanh nghiệp này đã nhanh chóng vươn lên đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa với 27,9 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu FPT là một trong số ít những công ty công nghệ niêm yết được nhà đầu tư đánh giá rất cao.

Thế nhưng, tới thời điểm này, năm 2016, vốn hóa thị trường của FPT lại chỉ còn hơn 19,7 nghìn tỉ đồng, giảm gần 30%. Dù vẫn có một vài điểm sáng đến từ mảng outsource phần mềm của Fsoft, nhưng bức tranh tổng thể của FPT vẫn là chưa đủ tính thuyết phục. Với 2/3 doanh thu hiện nay của FPT đến từ mảng bán buôn, bán lẻ điện thoại, máy tính, ngay cả định vị thương hiệu “công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam” cũng đang trở thành một dấu hỏi lớn.

Một số chỉ tiêu khác, như tỉ suất sinh lời trên tài sản hay tỉ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của FPT cũng giảm dần đều qua các năm. Trong khi giá cổ phiếu của đối thủ Thế giới di động tăng liên tục trong năm qua thì giá cổ phiếu FPT lại đi ngang.

Vậy trong quãng thời gian đó FPT đã bỏ lỡ những điều gì để rồi bị bỏ lại tới tận ngày nay? Câu trả lới có lẽ chính là những thương vụ M&A, không phải ở Nhật hay Mỹ, mà là ở ngay tại Việt Nam.

Tiền dư hơn 6.000 tỉ nhưng vẫn thất bại trong các thương vụ MA

Điều đầu tiên phải khẳng định FPT không hề thiếu tiền. DN này luôn có nhiều nghìn tỉ trong tài khoản. Tính tới thời điểm cuối năm 2015, FPT đã dư ra tới 6,2 nghìn tỉ đồng. Mặc dù vậy, ông Trương Gia Bình vẫn gặp khó trong việc giải ngân số tiền này.

Năm 2015, FPT đã bổ nhiệm hẳn một nhân sự ngoại quốc, kinh nghiệm từ Mercedes Benz làm Giám đốc M&A, FPT cũng chỉ có thêm một bản hợp đồng đáng chú ý đó là mua lại RWE IT Slovakia. Trong khi đó, rất nhiều thương vụ quan trọng mà DN này lại bỏ lỡ đáng tiếc.

FPT Retail là một ví dụ điển hình. Là một trong những mảng thành công nhất của FPT thời điểm này, nhưng FPT Retail cũng từng bỏ lỡ không ít cơ hội. Đơn vị này đã có mặt tại thị trường từ năm 2007, nghĩa là gần như sớm nhất thị trường bán lẻ di động, nhưng mãi tới năm 2012, FPT Retail mới được đẩy mạnh đầu tư. Rất nhanh sau đó, FPT Shop vươn lên xếp thứ 2 thị trường, trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ khác như Thế giới di động hay Viễn thông A.

Nhưng nếu nhìn lại, câu hỏi đặt ra là tại sao FPT Retail không chọn lúc thời điểm sơ khai, khi thị trường còn nhiều đất để phát triển, mà lại chờ tới lúc thị trường gần đạt tới mức bão hòa mới vào cuộc?

Một nguồn tin nội bộ của FPT chia sẻ, thực tế thì ban lãnh đạo FPT Retail thời điểm đó đã có ý tưởng cho những thương vụ M&A lớn để đẩy mạnh quy mô. FPT khi đó đã rất gần cho một thương vụ sáp nhập với viễn thông A, và thậm chí suýt mua được Thế giới di động với giá 100 triệu USD.

Mặc dù vậy, tất cả các thương vụ đều đổ bể vào phút chót. Dường như ban lãnh đạo FPT chưa thực sự sẵn sàng bỏ ra một món tiền lớn để đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro thời điểm đó như bán lẻ di động.

Kết quả là tới khi thị trường tăng trưởng nóng, FPT lại rục rịch tự đầu tư. TGDĐ không còn là DN triệu đô nữa, mà đã vươn lên thành DN tỉ đô, có vốn hóa trên thị trường bỏ xa cả tập đoàn FPT.


Nếu FPT ngày đó quyết đoán hơn, đã không có cảnh FPT Shop trong lòng TGDĐ như thế này?

Nếu FPT ngày đó quyết đoán hơn, đã không có cảnh FPT Shop "trong lòng TGDĐ" như thế này?

Nhưng phi vụ M&A thất bại trong mảng bán lẻ của FPT vẫn may mắn, khi ít ra thì FPT cũng tự xây dựng thành công được hệ thống và leo lên vị trí thứ 2 thị trường. Trong khi đó, có những lĩnh vực mà FPT bỏ lỡ cơ hội M&A đồng nghĩa với thất bại lớn.

Đó là câu chuyện diễn ra ở mảng viễn thông. 2 năm trở lại đây, chủ trương của FPT là sẽ sớm bán mảng bán buôn, bán lẻ (FPT Trading và Retail) để thu tiền đầu tư ngược lại cho mảng viễn thông (FPT Telecom). Đây được xem là bước đi đúng đắn khi thị trường viễn thông được coi là mảnh đất màu mỡ còn nhiều dư địa phát triển, và FPT cũng đã hoàn thành việc nâng cấp hạ tầng mạng từ cáp đồng lên cáp quang.

Tuy nhiên, ngay cả khi FPT hoàn thành mục tiêu trên, FPT Telecom vẫn đang thiếu một mảnh ghép rất quan trọng. Đó là mảng kinh doanh dịch vụ viễn thông, thông tin di động. Để trở thành một đơn vị quyền lực trong lĩnh vực viễn thông, có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực mạng điện thoại, di động gần như là điều bắt buộc. Viettel, từ một doanh nghiệp quân đội, đã chuyển mình và trở thành một tập đoàn hùng mạnh bắt nguồn từ việc trở thành một nhà mạng. Thậm chí ngay tới thời điểm này, khi thị trường đã bão hòa, một doanh nghiệp đến sau như Vietnamobile cũng đang dần xây dựng được tiếng nói.

FPT hiểu rõ mình đang thiếu gì, và họ cũng chuẩn bị rất sẵn sàng vào năm 2010 khi đánh tiếng mua lại 60% cổ phần của EVN Telecom, qua đó mơ về việc trở thành một ông lớn viễn thông mới (Ftel?), đủ sức cạnh tranh với 3 ông lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone.

Với tiềm lực và kinh nghiệm của FPT thời điểm đó, giấc mơ này không hề viển vông. Đáng tiếc, FPT lại một lần nữa lỗi hẹn khi thương vụ mua lại EVN Telecom đi vào ngõ cụt. Những khó khăn trong nợ nần của EVN Telecom cũng như lằng nhằng trong tỉ lệ sở hữu đã khiến FPT chùn chân. FPT tiếp tục bỏ lỡ miếng bánh ngon mang tên viễn thông mà rất có thể khi quay lại trong vài năm tới, họ sẽ cố gắng đầu tư cho bằng được. Thế nhưng, cũng giống như bán lẻ, thị trường viễn thông hiện tại đã khó chen chân hơn trước rất nhiều.

Thương vụ M&A đáng chú ý mà FPT thực hiện trong những năm qua chính là dự án đã được ông Trương Gia Bình quảng bá nhiều nhất khi trả lời Bloomberg. Đó là thương vụ Sendo mua lại 123mua của VNG. Chỉ có điều, thương vụ giá trị quá nhỏ bé và thị trường thương mại điện tử phát triển chậm tại Việt Nam không thể là lời giải cho bài toán của một tập đoàn lớn như FPT.


Biến động giá FPT từ khi lên sàn

Biến động giá FPT từ khi lên sàn

Ông Trương Gia Bình đã quá cẩn thận?

Nhìn lại chặng đường 10 năm của FPT, dễ thấy tập đoàn này có những hướng phát triển rất đúng đắn. Lựa chọn phát triển mảng bán lẻ hay viễn thông đều rất sớm và chính xác, duy chỉ có điều, FPT lại “không sẵn sàng” trong những thời khắc quyết định.

Nếu bán lẻ di động ngày ấy, FPT sẵn sàng mạnh tay cho M&A, FPT Retail có lẽ đã không chỉ dừng lại ở vị trí thứ 2. Tương tự, FPT Telecom hoàn toàn đủ tiềm lực để trở thành thế lực hùng mạnh trên thị trường viễn thông.

Tuy nhiên, cuộc đời không có chữ “nếu. Những sai lầm mang tính thời điểm đó, có trách nhiệm đáng kể của những người lãnh đạo. Dường như, ông Bình và ban lãnh đạo FPT đã quá cẩn trọng khi quyết định hướng đi cho con tàu FPT, và chính sự cẩn trọng đấy, bất ngờ trở thành chiếc mỏ neo giữ con tàu FPT không thể tiến xa hơn. Cũng trong quãng thời gian đó, những VNG, Thế giới di động dần vượt lên, qua mặt người đàn anh già cả.

Vấn đề lớn hơn, không nằm ở quá khứ, mà ngay ở thực tại, khi FPT vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc cách mạng. Ngay cả con số 50 triệu đô la - khoảng 1.000 tỉ đồng cho các kế hoạch M&A mà ông Trương Gia Bình tuyên bố cũng cho thấy sự rụt rè. Chưa nói tới việc mang ra nước ngoài, 1.000 tỉ để M&A trong nước cũng chẳng phải là quá lớn, khi riêng mảng bán hàng online của TGDĐ đã có doanh thu một năm đã nhiều hơn con số này.

Tất nhiên, 1.000 tỉ đồng chỉ là con số tượng trưng, nhưng nó cũng phần nào cho thấy mức độ quyết tâm của FPT. Để có những thay đổi mạnh mẽ hơn, FPT đang cần những “ngọn lửa” lớn đốt cháy từ bên trong bộ máy của tập đoàn này. Vấn đề nhân sự lãnh đạo của FPT cũng đang bị bỏ ngỏ.

Sau sự ra đi của Trương Đình Anh, FPT đến nay vẫn chưa thể tìm ra được cá nhân xuất sắc nào đủ sức thay thế vị trí của ông Trương Gia Bình, nhất là khi các công ty con của tập đoàn FPT ngày một hoạt động độc lập và tách biệt với nhau hơn. Người kế nhiệm ông Bình chắc hẳn sẽ phải rất đau đầu để tập đoàn thực sự thống nhất thành “one FPT”.

Trang Lam

Trí thức trẻ

Trở lên trên