Tròn 2 năm xung đột Ukraine, Mỹ-EU tăng cường trừng phạt Nga
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua nhất trí về nguyên tắc gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng dự kiến công bố bước đi tương tự trong ngày hôm nay. Động thái đưa ra trong bối cảnh ngày 24/02 tới sẽ đánh dấu tròn 2 năm cuộc xung đột nổ ra tại Ukraine.
- 23-02-2024Lý do Trung Quốc âm thầm tăng cường xây dựng ảnh hưởng ở Trung Á
- 23-02-2024Sợ Mỹ trừng phạt, ba ông lớn ngân hàng Trung Quốc siết giao dịch với Nga: Kremlin thừa nhận gặp vấn đề
- 23-02-2024Thời hoàng kim đã qua của nền kinh tế lớn nhất châu Âu: Tăng trưởng kinh tế gặp ‘vật cản’ lớn, ‘người tài’ khan hiếm, năm 2035 có thể thiếu tới…7 triệu lao động lành nghề
Gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ chính thức được phê duyệt vào ngày 24/02 tới, thời điểm đánh dấu tròn 2 năm cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đáng chú ý, không giống những lần trước đó, những biện pháp trừng phạt mới không nhằm vào một lĩnh vực cụ thể và lần đầu tiên đưa các công ty ở Trung Quốc vào danh sách đen. Theo Bỉ, nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, đây là một trong những gói trừng phạt nhận sự đồng thuận rộng rãi nhất của khối 27 nước thành viên.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra cách đây 2 năm, Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, kim cương, cùng với việc phong toả tài sản và cấm đi lại đối với hàng loạt quan chức, cá nhân và doanh nghiệp của Nga. Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cho biết, biện pháp trừng phạt mới sẽ thắt chặt hơn nữa hạn chế thương mại đối với các thực thể có liên quan đến tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.
“Từ quan điểm kinh tế, điều quan trọng là phải tập trung vào các mối liên hệ mà Nga có với các công ty trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh thứ yếu so với thông điệp chính trị mà Liên minh châu Âu muốn gửi đi”, Nghị sĩ châu Âu Brando Benifei cho biết.
Gần như cùng thời điểm, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Nhà trắng dự kiến trong ngày hôm nay sẽ công bố một loạt biện pháp ngừng phạt mới nhằm vào Nga.
Theo những nguồn tin này, Chính phủ Mỹ đang xem xét 3 lựa chọn chính, trong đó 2 lựa chọn kinh tế và một quân sự. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ quy mô và mức độ của lệnh trừng phạt này khi Mỹ gần như đã sử dụng hết bộ công cụ trừng phạt sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa đang thúc giục Mỹ tịch thu khoảng 300 tỷ USD từ các quỹ của Nga trên khắp thế giới và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp về mặt pháp lý và hầu hết tài sản của Nga đều ở châu Âu.
Bình luận về vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov chỉ trích Mỹ và các đồng minh đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo nhà ngoại giao này, Nga không từ bỏ đối thoại về Ukraine, song lại chỉ nhận về những đề xuất không thể chấp nhận từ Ukraine và những nước phương Tây. Ông đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh đã làm mọi cách để tước bỏ nền độc lập của Ukraine và biến nước này thành một bên chống Nga.
VOV