Trong khi VN-Index vật lộn trở lại đỉnh lịch sử, hàng chục cổ phiếu trên sàn HoSE đã “tăng bằng lần” trong gần 3 năm qua
Thống kê cho biết từ ngày 9/4/2018, thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử tới nay, sàn HoSE có tới 160 mã ghi nhận mức tăng trưởng từ 20% trở lên, đây là con số lợi nhuận lớn hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm trong cùng giai đoạn.
Kể từ khi đạt đỉnh lịch sử 1.204 điểm vào ngày 9/4/2018, chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều sóng gió và thậm chí có thời điểm rơi xuống gần 650 điểm vào cuối quý 1/2020. Tuy vậy, trong nửa cuối năm 2020, diễn biến thị trường đã trở nên tích cực hơn và kết thúc phiên giao dịch 11/1/2021, VN-Index đã đạt 1.185 điểm.
Sau gần 3 năm, chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội trở lại đỉnh cao 1.204 điểm gần hơn bao giờ hết. Dù thị trường chung không quá thuận lợi trong quãng thời gian từ quý 1/2018 tới nay nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận lớn nếu lựa chọn đúng cổ phiếu.
VN-Index đang hướng về đỉnh 1.204 điểm sau gần 3 năm
Thống kê cho biết từ ngày 9/4/2018, thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử tới nay, sàn HoSE có tới 160 mã ghi nhận mức tăng trưởng từ 20% trở lên, đây là con số lợi nhuận lớn hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm trong cùng giai đoạn. Số mã có lợi nhuận lớn hơn lãi suất gửi tiết kiệm kể trên tương đương với khoảng 40% cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Điều này cho thấy cơ hội kiếm lợi trên TTCK là khá lớn, dù cho VN-Index không tăng trưởng.
Không những vậy, sàn HoSE có tới 47 mã có mức tăng trên 100% trong giai đoạn 9/4/2018 tới nay. Trong số các mã "tăng bằng lần" này, CMX là cái tên ấn tượng nhất với mức tăng trưởng 418,34%. Ngoài ra, một số cổ phiếu tăng trưởng khá mạnh khác có thể kể tới như DGW (tăng 253,33%), IJC (tăng 240,43%), NTL (tăng 221,96%), TCM (tăng 219,88%), PHR (tăng 212,17%)…
Nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trong gần 3 năm qua
Đà tăng trưởng sẽ chưa dừng lại?
Sự bứt phá ngoạn mục của TTCK Việt Nam thời gian qua có nhiều yếu tố. Đầu tiên là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020, qua đó nằm trong top những quốc gia tăng trưởng tốt nhất Thế giới. Theo khảo sát của Bloomberg, GDP Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021, dự kiến đạt 7,7%, trong khi Mỹ chỉ có thể tăng trưởng 3,9%, Châu Âu tăng 4,6% và Thái Lan là 3,8%.
Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, việc lãi suất tiết kiệm giảm mạnh trong năm qua đã kéo theo dòng tiền dịch chuyển vào TTCK. Trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới 393.659 tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục từ trước tới nay và nhiều hơn 205.013 tài khoản so với năm trước (tăng 109%). Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước không chỉ giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng của khối ngoại mà còn đưa VN-Index hướng về vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Việc đồng USD suy yếu cũng được kỳ vọng giúp dòng tiền đầu tư hướng tới các thị trường mới nổi, cận biên và trong đó Việt Nam đang là "ngôi sao" khi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số cận biên, cùng với nền tảng kinh tế vững vàng, định giá hấp dẫn. Ngoài ra, việc NHTW các quốc gia vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường mới nổi trong khoảng 2 năm tới cũng là yếu tố khiến dòng tiền đổ mạnh vào TTCK Việt Nam. Thống kê cho thấy các TTCK thường tăng mạnh trước khi chính thức được nâng hạng mới nổi.
Theo đánh giá của nhiều CTCK trong nước, chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm và thậm chí một số CTCK còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm. Trong khi đó, Pyn Elite Fund, quỹ ngoại quy mô hàng đầu tại Việt Nam vẫn luôn giữ quan điểm lạc quan về TTCK Việt Nam với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể lên ít nhất 1.800 điểm trong vài năm tới.