MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong tháng 9, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ báo cáo, tham mưu ‘gỡ vướng’ cho dự án đầu tư

Sau khi lắng nghe kiến nghị của địa phương và ý kiến từ các bộ, ngành, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 9, trên tinh thần báo cáo các vấn đề đã hướng dẫn, giải đáp rõ cho địa phương, và tham mưu những quyết sách mạnh mẽ hơn để giải quyết các tồn tại.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương (Tổ công tác), đưa ra khi trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về kế hoạch hành động của Tổ.

Thưa Thứ trưởng, Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg của Thủ tướng. Vậy yếu tố đặc biệt trong nhiệm vụ, cũng như hoạt động của Tổ thể hiện ở những điểm nào?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Tổ công tác có 10 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt.

Thứ nhất là rà soát vướng mắc của các dự án đầu tư hiện hữu, với mục tiêu tháo gỡ rào cản, sớm đưa các dự án này vào triển khai và tổ chức xây dựng. Đây đều là các dự án sẵn có, đang thực hiện, do vậy, nếu được tháo gỡ khó khăn sẽ giúp giải phóng được nguồn lực đầu tư, bao gồm vốn đầu tư công, vốn ODA, các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hay các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tận dụng được nguồn lực này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài đang phần nào bị cản trở do COVID-19.

Một nhiệm vụ đặc biệt nữa của Tổ công tác là hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Vừa qua, chúng ta thấy, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng nhiều dự án FDI quy mô lớn vẫn được thúc đẩy đầu tư. Trong số đó, phải kể đến các dự án OEM (Original equipment manufacturing - sản xuất thiết bị gốc) của các nhà cung ứng cho Apple, hay dự án của Samsung, LG. Đơn cử như việc LG Display vừa tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD. Trước đó, công ty này cũng đã "rót" thêm 750 triệu USD vào Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án này để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn từ những nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia.

Tổ công tác có chức năng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để giải quyết nhanh nhất có thể các khó khăn của bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án đầu tư, dựa trên 3 nội dung. Một là, đối với nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, và đã được quy định rõ, Tổ công tác giải thích ngay trong các cuộc làm việc và triển khai, áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh các cách hiểu khác nhau. Hai là, Tổ công tác có tiếng nói độc lập, giao cho bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, ví dụ các thông tư hướng dẫn, để làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ sửa các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, như các nghị định chẳng hạn. Ba là, nếu vướng ở các luật, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ đề xuất sửa.

Bộ KH&ĐT đã và đang chủ trì chuỗi hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại các địa phương. Đây được xem là hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả cụ thể của hoạt động này?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Trên thực tế, trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt, Bộ KH&ĐT đã đề nghị các địa phương rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án. Bởi vậy, chúng tôi thực hiện dựa theo hướng kết quả tập hợp từ các địa phương.

Chúng tôi chọn làm việc với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm và có nhiều vướng mắc, như 2 hội nghị với Hà Nội và Quảng Ninh vừa qua. Đây là hai địa bàn có nhiều dự án đầu tư lớn, nhất là ở Hà Nội, có những dự án hàng tỷ USD, dự án quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA. Ở Quảng Ninh cũng có nhiều dự án như vậy. Nếu chúng ta khơi thông được điểm nghẽn cho các dự án này thì rất tốt.

Tổ công tác xác định, mọi tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phải xuất phát từ thực tiễn của các địa phương thì mới "trúng" và đúng. Trên tinh thần tháo gỡ "nút thắt" của các dự án để giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, Tổ công tác đã tổng hợp, ghi nhận, cũng như giải đáp ngay 25 vướng mắc của Hà Nội và 18 vướng mắc của Quảng Ninh trong 3 nhóm dự án là đầu tư công, sản xuất, kinh doanh và dự án PPP.

Cũng trong chuỗi hoạt động, tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên, địa phương này đã nêu 5 vướng mắc lớn theo 3 cấp độ. Thứ nhất là mong muốn sửa đổi quy định pháp quy, bao gồm luật, nghị định. Thứ hai là những vấn đề chưa hiểu rõ, có cách hiểu khác nhau mà khiến công tác triển khai ở địa phương gặp nhiều rủi ro. Thứ ba là nhóm dự án cụ thể, các tình huống cụ thể, các quy định về dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Về những vấn đề này, Tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ để có quyết sách mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, tôi muốn thông tin thêm là, song song với hoạt động của Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cùng thời điểm với hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ, nhằm xem xét, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến triển khai các dự án đầu tư. Bộ trưởng cùng các bộ, ngành liên quan đang triển khai rất tích cực 2 tổ công tác này.

Thời gian tới, Tổ công tác tập trung vào những công việc trọng tâm gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Chúng tôi lựa chọn từ 8-10 địa phương đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm để tổ chức các hội nghị trao đổi về khó khăn trong triển khai dự án. Tới đây, Tổ công tác sẽ tổ chức thêm các cuộc làm việc với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, và Hải Phòng - thành phố có nhiều dự án đầu tư lớn. Đối với các tỉnh miền Nam, đợi khi kiểm soát được dịch, chúng tôi sẽ trao đổi thông tin thêm và làm việc kỹ lưỡng về nội dung này.

Sau khi tổng hợp ý kiến của địa phương, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì làm việc với các bộ, ngành. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với tư cách làm Tổ phó thường trực sẽ lắng nghe các đề xuất, kiến nghị.

Trong quá trình triển khai, Bộ KH&ĐT cũng sẽ có quan điểm riêng, độc lập, khách quan. Vì đôi khi nhận thức của các bên khác nhau, có thể vì lợi ích riêng mà một số bộ, ngành địa phương không muốn sửa đổi, đi ngược lại với tinh thần phân cấp, phân quyền cho các địa phương, gắn với kiểm tra giám sát. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, các bộ, ngành chỉ làm chính sách, quy hoạch, định hướng, hỗ trợ. Các địa phương phải tổ chức triển khai, giám sát hiệu quả hơn và không được lạm dụng quyền lực.

Tổ công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong tháng 9 nay theo từng phần rõ ràng, trên tinh thần báo cáo các vấn đề đã hướng dẫn, giải đáp rõ cho địa phương và tham mưu những quyết sách mạnh mẽ hơn để giải quyết các vấn đề tồn tại. Sau đó, chúng tôi sẽ lại tiếp tục rà soát và tháo gỡ vướng mắc.

Cùng với đó, Bộ KH&ĐT cũng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 và thực hiện song song việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh.

Bộ cũng đã chủ động kiến nghị sửa đổi một loạt dự luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Tinh thần chung là tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các dự án đầu tư.

Theo Minh Ngọc

Chinhphu.vn

Trở lên trên