MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong tương lai, nhiều ngân hàng sẽ trở thành 'siêu ứng dụng'?

06-07-2022 - 10:01 AM | Kinh tế số

Trong tương lai, nhiều ngân hàng sẽ trở thành 'siêu ứng dụng'?

Trong tương lai, ngân hàng lối sống (lifestyle banking) sẽ là một mô hình kinh doanh khi chuyển đổi số mà các ngân hàng cần "để mắt" tới. Đó phải là một siêu ứng dụng, và phục vụ khách hàng hơn cả mục đích tài chính truyền thống. Khi các ngân hàng truyền thống bị các ngân hàng số cạnh tranh khốc liệt, chuyển hướng sang dịch vụ ngân hàng lối sống sẽ giúp ngân hàng nâng cao giá trị và giành lại thị phần.

Chất lượng cuộc sống con người được xác định bới các yếu tố như thu nhập, sự giàu có và nghề nghiệp , ngoài ra còn có môi trường xã hội, môi trường sống, sức khỏe thể chất và tinh thần, giáo dục, giải trí, các mối quan hệ… Lối sống của con người bao gồm các sở thích, quan điểm và hành vi xung quanh các nội dung chất lượng cuộc sống kể trên.

Ngân hàng lối sống là nền tảng tập trung vào các lối sống cụ thể của một nhóm khách hàng mục tiêu. Mục đích của ngân hàng lối sống là hỗ trợ khách hàng cân bằng tài chính hay sử dụng các dịch vụ tài chính và lối sống thuận tiện hơn, giúp họ tiết kiệm thời gian và đạt được các mục tiêu trong công việc và cuộc sống.

Ví dụ, ngân hàng số TNEX ra mắt cuối năm 2020, tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng trẻ - thế hệ gen Y và Z, ưa thích mua sắm, tiêu dùng online, đã hỗ trợ lối sống cho các bạn trẻ trên 4 phương diện: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tài chính và sức khỏe các mối quan hệ.

Về Sức khỏe thể chất, ứng dụng này cho ra tính năng quản lý bước chân, giúp các bạn trẻ không cần đến một công cụ chuyên biệt, mà vẫn đảm bảo quản lý được số bước chân trong ngày của mình để có một cơ thể khoẻ mạnh hơn.

Về Sức khỏe tinh thần, TNEX giúp khách hàng quản lý cảm xúc hằng ngày. Dù đang vui hay đang buồn, đang cáu gắt hay đang thấy trống trải, khách hàng đều có thể chia sẻ và ứng dụng sẽ thống kê tuần qua, tháng qua bạn đã sống trong trạng thái cảm xúc như thế nào.

Về Sức khỏe tài chính, ứng dụng giúp khách hàng chi tiêu vui nhộn khi tích hợp máy tính ngay tại bước nhập số tiền để bạn không cần tính nhẩm. Nội dung chuyển tiền có thể thay bằng những tấm thiệp và chỉ cần ấn nút chia sẻ để chia sẻ giao dịch. Ứng dụng ngân hàng này cũng giúp khách hàng dễ dàng quản lý chi tiêu theo ngày, tuần, tháng khi các khoản chi được hiển thị ngay trên màn hình chính để theo dõi tổng số tiền đã chi tiêu trong ngày.

Về Sức khoẻ các mối quan hệ. Ngay trên ứng dụng, khách hàng trẻ tuổi có thể "chat" ngay với bạn bè để chia sẻ thông tin, hình ảnh… ngay lập tức.

Ví dụ về một ngân hàng số khác ở Việt Nam là Timo, cung cấp các dịch vụ giúp các bạn trẻ linh hoạt trong quản lý tài chính nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu dài hạn. Ngân hàng cung cấp dịch vụ tiết kiệm mà khách hàng có thể chia nhỏ tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn của mình thành nhiều sổ tiết kiệm (tối đa là 4 sổ và tối thiểu 1.000.000đ/sổ). Vì thế nếu khách hàng cần rút tiền ở một sổ tiết kiệm khi cần, thì vẫn tiếp tục nhận được lãi suất trên những sổ tiết kiệm còn lại.

Timo cũng cung cấp dịch vụ đặt mục tiêu tiết kiệm, giúp khách hàng trẻ tuổi hiện thực hoá các mục tiêu ngắn hạn. Ngay cả những tính năng rất đời thường như báo cáo thu chi của chủ tài khoản cũng có trên app. Thay vì ghi chép các khỏan chi tiêu trong tháng vào sổ, hay file excel trước đây, thì app ngân hàng số ngày nay sẽ giúp các khách hàng trẻ tuổi quản lý tình hình tài chính của mình. Báo cáo thu chi sẽ giúp lưu lại những kỷ niệm "đáng nhớ" – chính là những khoản chi đã làm ví của các bạn trẻ "giảm cân" đột xuất.

Đây là những ví dụ rõ nhất để hình dung về một mô hình hoạt động của ngân hàng lối sống. TNEX hay Timo ra đời để đón đầu lối sống muốn mọi thứ tích hợp, nhanh và ngay, được cá nhân hóa, lướt trên màn hình điện thoại và thanh toán trực tuyến của thế hệ Millennials - những người yêu thích sử dụng công nghệ và lối sống này, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua.

Từ các ví dụ trên, chúng ta có thể thấy được, nếu có các ngân hàng lối sống cho giới trẻ, thì hoàn toàn có thể có được các ngân hàng dành cho thiếu niên, ngân hàng dành cho những cá nhân quan tâm đến môi trường, ngân hàng dành cho người cao tuổi…

Các ngân hàng lối sống này thực sự thách thức ý nghĩa tồn tại của các chi nhánh ngân hàng vật lý. Việc phân khúc lại ngân hàng bán lẻ, sẽ chủ yếu dựa trên phong cách sống chứ không phải dựa vào địa lý. Trải nghiệm ngân hàng cũng được tái cấu trúc dựa trên các thông số mới, không chỉ về địa lý, mà còn là những thông số định hướng về lối sống và nhân khẩu học xã hội.

Xu hướng ngân hàng lối sống được nhìn thấy rõ qua các con số, năm 2019 có 5.581 ngân hàng ở EU, ít hơn 30% so với năm 2008. Còn ở Mỹ, số lượng ngân hàng thương mại giảm một nửa trong 20 năm qua. Trong khi đó, về phía ngân hàng mới, các vòng tài trợ do các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ đã vượt qua 10 tỷ USD trong 15 tháng qua.

Tựu chung lại, ngân hàng lối sống sẽ là một mô hình kinh doanh khi chuyển đổi số mà các ngân hàng cần "để mắt" tới. Đó phải là một siêu ứng dụng, và phục vụ khách hàng hơn cả mục đích tài chính truyền thống.

Theo công ty tư vấn Arthur D. Little thì các siêu ứng dụng thành công đang gia tăng việc lấy khách hàng làm trọng tâm, và các nền tảng trực quan để thu thập, cung cấp dữ liệu, và phân phối các sản phẩm dịch vụ xuyên suốt 6 nhu cầu tài chính hàng ngày của con người là Tiêu tiền tốt hơn (giảm giá và quà tặng với các nhà bán lẻ, các dịch vụ giải trí/truyền thông); Quản lý tài chính cá nhân (vay, tiết kiệm, quản lý tài sản); Thanh toán (quẹt thẻ, chuyển khoản); Vay tiền (thế chấp, mua ô tô, mua trước trả sau); Bảo vệ (nhân thọ, sức khỏe, tài sản) và Tiếp cận dịch vụ lối sống (đồ ăn, giáo dục, thể thao, vui chơi trẻ em).

Các ngân hàng cần làm gì?

Công ty Deloitte đã khảo sát hơn 2.000 giám đốc cấp cao ở 19 quốc gia để tìm hiểu quan điểm về nhu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào các sản phẩm và dịch vụ của công ty. Tỷ lệ ở Châu Á – Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng IoT là 72%; nhu cầu cho AI là 60%; nhu cầu chuyển đổi Cloud là 34%; và nhu cầu sử dụng Big Data là 25%, những tỷ lệ khá cao trên thế giới.

Trong khi về phía khách hàng, công ty PwC đã khảo sát hành vi tiêu dùng trong thời đại 4.0, và cho thấy 90% người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất một sản phẩm ứng dụng công nghệ mới.

Điều đó cho thấy, các ngân hàng cần tận dụng công nghệ hiện đại trong cách mạng công nghệ 4.0 để nhanh chóng chuyển mình cho các mô hình kinh doanh số mới. Ngân hàng cần phát triển từ một tổ chức tài chính có cấu trúc đơn giản tập trung vào các giao dịch tiền tệ sang một mô hình được tích hợp vào gần như mọi thứ trong cuộc sống của khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng số đồng nhất giữa ngân hàng và nhà phân phối hàng hóa dịch vụ cùng tầm nhìn, để tạo nên những trải nghiệm chăm sóc khách hàng xuyên suốt.

Mẫu số chung cho các ngân hàng lối sống thành công trong tương lai là chúng không thực sự là ngân hàng, theo nghĩa truyền thống mà chúng cung cấp một sản phẩm tài chính siêu hàng hóa, tùy chỉnh cho một đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể, dựa trên sự thấu hiểu các sự kiện trong cuộc sống của khách hàng, từ đó, xây dựng sản phẩm riêng, và sử dụng các kênh phù hợp để phân phối.

Thấu hiểu khách hàng bằng sự kết hợp giữa dữ liệu lớn và khả năng phân tích, ngân hàng sẽ chuyển mình lên một nấc cao hơn rất nhiều để cung cấp cho khách hàng sự trợ giúp ngày càng gia tăng, giúp khách hàng quản lý tiền bạc và lối sống của họ hiệu quả hơn. Theo công ty tư vấn BCG, doanh thu của một số ngân hàng đã tăng lên 25% khi áp dụng phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm để cải thiện thiết kế, hợp lý hóa quy trình và tự động hóa để đạt hiệu quả.

https://cafef.vn/trong-tuong-lai-nhieu-ngan-hang-se-tro-thanh-sieu-ung-dung-20220706090140698.chn

Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên