Trừ tiền tài khoản người vi phạm giao thông: Lo chuyện bảo mật?
Đề xuất xử phạt hành chính VPGT qua tài khoản hiện gặp phải nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tính bảo mật của người sử dụng tài khoản ngân hàng.
Liên quan đến thông tin Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an có đề xuất xử phạt nguội bằng cách trừ tiền người vi phạm qua tài khoản đã có nhiều ý kiến lo lắng xung quanh tính bảo mật đối với quyền lợi của người sử dụng tài khoản ngân hàng. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua chuyện bị mất tiền trong tài khoản mà chưa rõ nguyên nhân vẫn liên tục xảy ra.
Đề xuất xử phạt hành chính vi phạm giao thông (VPGT) qua tài khoản có những ưu điểm như: Không phải đến tận nơi để đóng phạt, bớt đi những thủ tục rờm rà, đặc biệt là tiết kiệm được rất nhiều thời gian và đi lại. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến người dân cảm thấy bất an đó là: Ai sẽ đảm bảo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cho họ, khi tiền trong tài khoản có thể bị phong toả và trừ một cách bất ngờ, bất cứ lúc nào.
Đề xuất xử phạt hành chính VPGT qua tài khoản hiện gặp phải nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh hoạ: KT)
Một số ý kiến khác bày tỏ sự lo lắng khi thời gian qua, không ít trường hợp chủ tài khoản làm đơn gửi ngân hàng và cơ quan chức năng yêu cầu rõ làm nguyên nhân vì sao tiền trong tài khoản cá nhân “không cánh mà bay”. Ngoài nguyên nhân bị tội phạm tấn công thì còn có nhiều trường hợp tiền bị trừ hoặc bị mất chưa xác định được lý do.“Khi tự nhiên tiền trong tài khoản bị trừ bất cứ lúc nào mà mình không biết, thậm chí xe mình cho người khác mượn thì rất nhiều phiền toái”, anh Lê Tấn Vinh, một tài xế tại TPHCM nói.
“Cơ quan chức năng nên nghiên cứu tổng quan trước khi triển khai. Theo cá nhân tôi, việc này khiến chúng tôi rất lo lắng về tính bảo mật thông tin tài khoản cá nhân. Khi mà bị thu phạt như vậy người dân sẽ có tâm lý bất ngờ. Nếu được, trước mắt thì nên thí điểm, rồi triển khai rộng rãi thì phải nghiên cứu kỹ”, anh Trần Văn Vui, người dân tại TPHCM kiến nghị.
Về vấn đề này, Kỹ sư Trần Văn Thanh, chuyên gia về công nghệ thông tin phân tích, theo quy định thì đối với một giao dịch qua tài khoản chỉ được thực hiện thành công khi được sự đồng ý của chủ tài khoản bằng việc nhập lệnh theo mã số bảo mật hoặc chữ ký kèm theo nhiều giấy tờ khác có liên quan… Như vậy, trong trường hợp người vi phạm bị trừ một cách bất ngờ mà không hề biết liệu có đúng quy định hợp đồng; giao ước giữa ngân hàng với chủ tài khoản.
Trong trường hợp bị hacker tấn công, sẽ có khả năng người vi phạm không những bị trừ một lỗi mà trừ thêm nhiều lỗi khác. Và đương nhiên thông qua hệ thống internet thì rõ ràng những tình huống trên có thể gây hại cho chủ tài khoản. Trong trường hợp đó thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Ngân hàng hay Cục Cảnh sát giao thông?
“Nếu như người chủ tài khoản chứng minh bị tấn công bảo mật thông tin, thì họ được giải quyết như thế nào, ví dụ như trả đúng số tiền bị mất hay phải còn truy cứu trách nhiệm cao hơn, phải bồi thường nhiều lần hơn số tiền mất. Cá nhân hay tổ chức gây ảnh hưởng bị xử lý như thế nào?”, ông Trần Văn Thanh đặt câu hỏi.
Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Lê Trung Phát, đoàn luật TPHCM cho rằng, theo quy định pháp luật hiện tại, tài khoản cá nhân chỉ được phong toả khi có lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc toà án. Nếu Cục CSGT và ngân hàng tự ý phong toả và tự ý truy cập tài khoản và trừ tiền của một cá nhân, tổ chức mà chưa được sự đồng ý là chưa đúng, vi phạm quyền lợi, nghĩa vụ cũng như an toàn thông tin, bảo mật tài khoản trong hoạt động giao dịch ngân hàng đã quy định.
Trong khi chờ có những nghiên cứu về lộ trình triển khai và phương thức áp dụng, trước mắt để việc cưỡng chế đúng pháp luật, mang lại hiệu quả, Luật sư Lê Trung Phát đề xuất: “Chúng ta có thể sửa đổi luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bằng việc mở rộng vi phạm hành chính để áp dụng hình thức tịch thu tang vật phương tiện vi phạm. Khi có quy định mà người vi phạm không chấp hành thì lúc đó cơ quan nhà nước được quyền tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm để từ đó nếu người vi phạm tiếp tục không chấp hành chế tài thì bị nhà nước sung tài sản bán đấu giá, thu hồi tiền vi phạm”.
Để đề xuất này triển khai mang tính thuyết phục, chắc chắn cần một lộ trình nhất định nhằm nghiên cứu việc đảm bảo tính bảo mật thông tin, an ninh an toàn cho tài khoản của người dân là vấn đề rất cần được xem xét để thực hiện đúng pháp luật, mang lại hiệu quả tích cực phù hợp với nhu cầu chính đáng của người dân và xu thế phát triển chung của xã hội./.
VOV