Trung Quốc đưa tàu ngầm có người lái xuống đáy biển Bắc Cực
Trung Quốc tính đưa một tàu ngầm có người lái vào thám hiểm đáy biển vùng cực như một phần trong tham vọng ngày càng lớn mạnh của nước này tại Bắc Băng Dương.
- 09-10-2024Nga tuyên bố đang sở hữu ‘kho báu’ khổng lồ ngoài khơi Bắc Cực, trữ lượng đủ dùng cho hơn 130 năm
- 23-07-2024Phải chăng 1,4 nghìn tỷ tấn khí metan 'ngủ yên' ở Bắc Cực khi bị đánh thức sẽ là khởi đầu cho cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu?
- 16-07-2024Tại sao các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ lại bay vòng quanh Bắc Cực thay vì đi qua Thái Bình Dương?
Viện nghiên cứu 704 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc cho biết, tàu ngầm được thiết kế để thả qua một lỗ trên thân tàu nghiên cứu vùng cực Thám Sách-3.
Nhà phát triển báo cáo loạt thử nghiệm, bao gồm việc cập bến dưới nước và hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp, nhưng chưa tiết lộ nhiều chi tiết về con tàu này.
Báo cáo cho biết thêm, Trung Quốc trước đây phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài nhưng giờ đã phát triển được các hệ thống riêng, “có thể sử dụng rộng rãi trong tương lai cho nghiên cứu khoa học vùng cực, thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí dưới đáy biển sâu, xây dựng và bảo trì đường ống dưới đáy biển, cùng các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ”.
Các tàu nghiên cứu vùng cực bị hạn chế khả năng hoạt động do sự hiện diện của các tảng băng trôi, do đó, việc đưa tàu xuống nước là một cách giải quyết vấn đề, nhưng điều kiện khắc nghiệt lại đặt ra thách thức đáng kể về mặt công nghệ.
Đến nay, chỉ Nga đưa được tàu có người lái xuống đáy biển Bắc Cực - trong sứ mệnh Arktika năm 2007. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc có thể trở thành quốc gia thứ hai làm được điều này.
Viện nghiên cứu 704 cũng thiết kế một bộ thiết bị cho tàu mẹ để hỗ trợ nghiên cứu dưới biển sâu, bao gồm hệ thống tời 10.000 m cùng hệ thống triển khai và thu hồi cho tàu ngầm.
Thám Sách-3 được chế tạo tại thành phố Quảng Châu ở phía nam Trung Quốc, với nhiệm vụ cốt lõi là sử dụng thiết bị sản xuất trong nước để thăm dò khoa học.
Dự án bắt đầu vào tháng 6/2023 và tàu rời bến vào tháng 4 năm nay. Dự kiến tàu đi vào hoạt động và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào năm tới.
Trung Quốc cho rằng nước này là cường quốc “gần Bắc Cực” và đang tăng cường đội tàu thám hiểm vùng cực. Họ đóng một số tàu phá băng, mới nhất là tàu Jidi (Vùng Cực) có thể phá lớp bằng dày 1 m và thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Bắc Cực vào tháng 8 vừa qua.
Tháng trước, Wu Gang, người thiết kế tàu phá băng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất mang tên Tuyết Long-2, tiết lộ nước này cũng đang phát triển tàu phá băng khác có thể xử lý lớp băng dày hơn 2 m.
Tàu phá băng cho phép Trung Quốc hoạt động quanh năm ở môi trường vùng cực.
Mỹ bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Bắc Cực và đang nỗ lực tăng cường khả năng đóng tàu của mình. Lực lượng tuần duyên Mỹ đang đóng một số tàu phá băng hạng nặng.
Đầu năm nay, Mỹ, Canada và Phần Lan công bố dự án hợp tác phát triển tàu hoạt động ở vùng cực, bao gồm cả tàu phá băng.
VTCnews