Trung Quốc gây choáng: 10 năm trước lượng xe xuất khẩu 1 năm chỉ bằng Đức bán trong 1 tháng, giờ ‘sang tay’ hơn 10.000 chiếc/ngày
Cường quốc xuất khẩu ô tô Đức 1 thời giờ thất thế, bị Trung Quốc vượt mặt.
- 11-08-2023Tin xấu cho các ‘ông lớn’ xe điện: ‘Cơn điên’ của thị trường sắp đi qua
- 10-08-2023Các hãng ô tô Nhật chật vật tại Trung Quốc: Sống hay chết phụ thuộc hoàn toàn vào xe điện, không màng lợi nhuận, chỉ muốn tìm lại hào quang
- 09-08-2023Trung Quốc vừa ra 1 quyết định nhỏ khiến ngành xe điện điêu đứng, có startup gần phá sản, hàng trăm kỹ sư ngồi không
Trước đây, dân mê xe có xu hướng rơi vào một trong hai ‘trường phái’: Thích sức mạnh và tốc độ của ô tô Đức hoặc đặt niềm tin tuyệt đối vào ô tô Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ, đây là hai đối thủ kỳ phùng, tranh giành nhau vị trí nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, vị thế thống trị của bộ đôi trên sắp kết thúc, khi mà Trung Quốc đang trên đà vượt qua các đối thủ tiềm năng về hoạt động xuất khẩu. Không ai biết chỉ mới vài năm trước đây thôi, đại lục còn gặp khó khăn trong nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu chưa tới 375.000 ô tô mỗi năm, tức tương đương lượng xe xuất khẩu của Đức và Nhật Bản trong một tháng. Đến năm 2020, mọi thứ thay đổi. Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu gần 1,6 triệu ô tô và sang năm 2022 là 2,7 triệu. Doanh số bán xe quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023 khi mà dữ liệu hải quan cho thấy quốc gia này đã xuất xưởng những gần 2 triệu ô tô trong 6 tháng đầu năm, tức hơn 10.000 chiếc mỗi ngày.
Trước đây, ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang các nước nghèo, song nay đã tiếp cận được người tiêu dùng phương Tây. Xuất khẩu sang Úc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ nửa đầu năm 2023, trong khi doanh số xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp 17 lần lên gần 70.000 xe.
Trong số đó có cả các thương hiệu phương Tây. Khoảng 1/10 số xe xuất khẩu vào năm 2022 là Tesla - hãng xe điện hàng đầu nước Mỹ. Các mẫu xe của Volvo cũng chiếm một lượng lớn ô tô xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước đây, dù có sức mạnh sản xuất, Trung Quốc vẫn không làm chủ được động cơ đốt trong. Sự xuất hiện của các phương tiện chạy pin, tức đơn giản hơn về mặt cơ khí và chế tạo, đã trở thành cần cứu cánh cho nước này bắt kịp cuộc cách mạng xanh.
Đầu tư của nhà nước vào công nghệ xe điện, ước tính trị giá 676 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD) từ năm 2009 đến 2019, đã đưa đất nước này chạm tay vào vị trí dẫn đầu. Ngày nay, xe chạy pin chiếm 20% doanh số bán ô tô ở Trung Quốc và 30% lượng xe xuất khẩu. Tại Nhật Bản và Đức, lượng xe xuất khẩu là EV chỉ chiếm lần lượt 4% và 20%.
Xung đột địa chính trị đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga. Sự thiếu vắng của hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã tạo điều kiện cho các đối thủ Trung Quốc chiếm thị phần. Trong nửa đầu năm 2023, Nga nhập khẩu gần 300.000 chiếc ô tô Trung Quốc với tổng trị giá 4,5 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2022.
Sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp diễn. AlixPartners, một công ty tư vấn, ước tính doanh số bán ô tô mang thương hiệu Trung Quốc tại nước ngoài có thể đạt 9 triệu chiếc vào năm 2030, gấp đôi lượng xe xuất khẩu của Nhật Bản vào năm 2022. Các thương hiệu nội địa dù còn tương đối mới mẻ ở phương Tây, song mẫu mã đẹp cùng mức giá ‘hợp túi tiền’ chắc chắn sẽ giúp họ sớm chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.
Tuy nhiên, để tiếp tục bành trướng sức mạnh, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc cần sớm vượt qua một rào cản mang tên ‘Bão hòa’. Theo The New York Times, cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu nước ngoài không phải là thách thức duy nhất mà các nhà sản xuất địa phương phải đối mặt. Họ đang phải tồn tại trong cuộc chiến về giá, áp lực sinh lời và tham vọng mở rộng quy mô.
Điều này làm lung lay những gì từng được coi là trụ cột trong vài năm qua. Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, doanh số bán xe đã giảm 13% trong 3 tháng đầu năm 2023. Doanh thu ô tô truyền thống sụt giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng của xe điện chậm lại.
Theo The New York Times, thị trường xe điện Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2020, một phần nhờ hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình này hết hạn vào tháng 12 sau 13 năm, một cuộc cạnh tranh gay gắt đã nổ ra trong một phân khúc thị trường vốn đang rất đông đúc.
Tu Le, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Sino Auto Insights ở Bắc Kinh, người có kinh nghiệm trong ngành ô tô Trung Quốc và Mỹ suốt 25 năm cho biết: “Mức độ nghiêm trọng của chu kỳ giảm giá này là điều tôi chưa từng thấy trước đây”.
Các công ty ô tô và đại lý hiện đang cố gắng hết sức để phục vụ khách hàng. Một số đại lý cung cấp kỳ nghỉ miễn phí hoặc quà tặng để lôi kéo khách hàng chạy xe thử nghiệm. Số khác thì tiếp cận các trạm sạc với hy vọng đẩy mạnh được doanh thu.
Dẫu vậy, vị thế trung tâm của Trung Quốc trong cuộc chơi điện khí hóa vẫn sẽ là lợi thế giúp thị trường xe điện nước này tiếp tục phát triển nhanh chóng. Được biết, Trung Quốc là thị trường hàng đầu về ô tô điện cũng như số lượng xe bán ra, thậm chí nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại vào năm ngoái.
“Thị phần xe điện không ổn định vì sự phát triển vẫn còn rất năng động”, Juergen Reers, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Accenture cho biết.
Theo: The Economist, The New York Times
Nhịp sống thị trường