Trung Quốc giảm mua vào, nghẽn đầu ra khiến giá gạo nếp sụt thê thảm
Nông dân An Giang phơi lúa - Ảnh Nguyễn Huyền
Long An và An Giang là vùng chuyên canh nếp lớn ở Miền Tây, 2 tỉnh này đang thu hoạch rộ nếp Đông Xuân, hiện giá nếp tươi tại ruộng dao động ở mức trên dưới 5.000 đ/kg, giảm sâu so với thời gian ngay sau Tết.
- 05-04-2021Vì sao nhiều doanh nghiệp không nhận hợp đồng xuất khẩu gạo Bangladesh?
- 04-04-2021Nghịch lý thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam
- 03-04-2021Giá gạo Việt Nam giảm, gạo Thái Lan thấp nhất hơn 4 tháng để cạnh tranh với Ấn Độ
Giá nếp ruột trên thị trường đang xuống hiện chỉ còn 10.000 đ/kg. Giao dịch nếp khá ảm đạm, nếp Long An giá lên container xuất không bao bì giá dao động từ 10.000 - 10.100 đ/kg.
Vụ nếp Đông Xuân đang vào vụ thu hoạch rộ, dọc theo các con lộ của tỉnh Long An - vùng chuyên canh nếp lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếp thu hoạch vận chuyển về chất đầy từ trong nhà máy xay xát ra tới đường, dưới sông thì các ghe chở nếp đậu đầy bến sông.
Nông dân làm thuê không công cho chính mình
Ông Đặng Hữu Chơn, nông dân trồng nếp ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, thời điểm sau Tết vùng chuyên canh nếp tại Phú Tân vào thu hoạch, giá nếp tươi tại ruộng đang dao động từ 5.900 - 6.000 đ/kg, cao hơn 200 đ/kg so với thời điểm trước Tết. Hiện nay giá nếp tươi tại ruộng ở tỉnh Long An dao động từ 5.200 - 5.300 đ/kg, riêng nếp tại Phú Tân (An Giang) giá 4.700 - 4.900 đ/kg do chất lượng không bằng ở Long An.
"Giá nếp sụt rất ít thương lái đi mua thậm chí không có nên khi có lái đi mua lại là mừng rồi và thị trường giá nào thì bán giá đó. Người nông dân khó có thể trữ nếp lại chờ giá vì diện tích sản xuất nhỏ sản lượng không đủ một mẻ sấy, không có kho dự trữ nhưng quan trọng hơn hết là bà con cần tiền trang trải chi phí sản xuất mùa vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch, vận chuyển … nên giá nếp sụt vẫn phải bán.
Nếu bán nếp tươi dưới giá 5.000 đ/kg thì lỗ, vì chí phí sản xuất vụ lúa này phải 2.000 triệu đồng/công (1.000 m2), trên 5.000 đ/kg thì nông dân có lời nhưng nếu tính công chăm sóc và tiền thuê đất sản xuất một vụ nếp trong suốt 4 tháng/hộ thì coi như làm thuê không công cho chính mình", ông Chơn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, hiện nay giá nếp xuất khẩu giảm rất sâu chỉ còn 465 USD/tấn (nếp hạt), nếp tấm giá 475 USD/tấn, so với thời điểm sau Tết Nguyên đán giá xuất khẩu là 530 -535 USd/tấn thì đã giảm 65 - 70 USD/tấn, nhưng thương nhân Trung Quốc vẫn cứ mua "lai rai".
"Nếp Đông Xuân đang thu hoạch rộ, dọc theo các con lộ của tỉnh Long An, bà con chở nếp bao về chất đầy từ trong nhà máy xay xát ra tới đường, dưới sông thì các ghe nếp đậu đầy bến. Bây giờ về các vùng quê Long An tới đâu cũng ngập nếp, trước đây còn xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu tỉnh Tây Ninh, An Giang sau đó qua Campuchia rồi đến Thái Lan.
Do dịch Covid-19, biên giới đóng cửa nếp chỉ còn cửa xuất Trung Quốc, và mua với giá đó bán hay không tuy mình. Giá nếp cứ sụt còn các thương nhân Trung Quốc thì cứ mua lai rai, vì họ biết mình đang thu hoạch rộ nếu không bán cho họ không biết bán cho ai.
Năm 2021, Trung Quốc cấp quota nhập khẩu gạo Việt Nam cũng như các năm là 400 ngàn tấn/năm, với lượng quota này thương nhân Trung Quốc thấy cái gì có lời nhiều thì mua. Trung Quốc cũng mới thu hoạch nếp tròn vùng Đông Bắc chất lượng và giá cao hơn nếp Việt Nam vì vậy họ hạn chế mua nếp của Việt Nam. Trong kinh doanh, bất cứ loại hàng hóa nếu lệ thuộc vào một thị trường thì rất dễ tổn thương", ông Đôn chia sẻ.
Năm nay, đầu ra nếp là bài toán khó
Mặc dù giá nếp xuất khẩu đang sụt mạnh nhưng các doanh nghiệp khó trữ lâu, nếp đã bóc vỏ trữ lâu sẽ bị ẩm vàng. Mấy năm trước nếp Thái Lan giá quá cao kinh doanh không có lãi nên thương nhân Trung Quốc bắt buộc mua nếp Việt Nam, bên cạnh đó nếp còn xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu nên đầu ra nếp ổn định. Năm nay, đường tiểu ngạch bị chặn do Covid-19 nên đầu ra nếp là bài toán khó!
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, diện tích sản xuất nếp vụ Đông xuân ở ĐBSCL chiếm 10%/vụ/năm, khoảng 50 ngàn hecta/vụ và tương đương 150 hecta/năm, với năng suất 7 tấn/hecta, khoảng 1 triệu tấn nếp vỏ, quy ra khoảng 500 ngàn tấn nếp ruột, nhưng có năm Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm, do nếp năm trước chuyển qua, còn năm nay, phía Trung Quốc giảm mua nếp nên giá nếp đang sụt giảm mạnh.
Biết trước tình hình đầu ra của nếp năm nay có khó khăn nên Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con không tăng diện tích nếp, và tại hội nghị triển khai vụ Hè Thu 2021 cũng đã cảnh báo bà con nên xuống giống nếp ở diện tích thấp nhất và chỉ trồng ở các vùng chuyên canh.
"Năm nay diện tích sản xuất nếp vẫn như các năm trước nhưng do Trung Quốc giảm nhập khẩu nếp bị ứ đọng, trong khi nếp của chúng ta chỉ xuất khẩu 1 thị trường duy nhất là Trung Quốc. Từ nay đến ngày mùng 5/5 âm lịch (tết Đoan Ngọ), còn hy vọng còn xuất khẩu được, qua Tết Đoan Ngọ rồi thì Trung Quốc sẽ không nhập khẩu nếp nữa", ông Tùng cho biết.
Bizlive