Trung Quốc khó có thể "giải cứu" kinh tế toàn cầu như thời khủng hoảng 2008
So với cuộc khủng hoảng mới nhất, tức 1 thập kỷ trước, Bắc Kinh đang áp dụng phương thức tiếp cận bảo thủ hơn.
- 18-03-2020Người Trung Quốc xa xứ bắt đầu rời khỏi các điểm nóng dịch Covid-19 ở trời Tây, bồng bế con trở về quê hương dù phải cách ly 14 ngày
- 16-03-2020Từ sản xuất, bán lẻ đến đầu tư đều lao dốc kỷ lục, kinh tế Trung Quốc "ngấm đòn" Covid-19
- 15-03-2020Làn sóng giảm mạnh lương tại doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu
Năm 2009, được trợ giúp bởi gói kích thích trị giá 586 tỷ USD, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 9,4% và phá ngưỡng 10% năm 2010, từ đó được mệnh danh là cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi phục trong khi Mỹ và châu Âu lao đao vì khủng hoảng tài chính. Các chính sách được thực hiện chủ yếu bao gồm các ngân hàng tăng cho vay và thúc đẩy mạnh hoạt động kinh tế, với các tập đoàn cả quốc doanh và tư nhân của Trung Quốc ồ ạt thu mua nguyên vật liệu thô cũng như hàng hóa trên khắp thế giới.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đối phó với virus corona, Trung Quốc sẽ tung ra 1 gói kích thích tương tự và tạo ra làn sóng lực cầu mới ở những quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp kinh tế toàn cầu phần nào tránh được kịch bản xấu nhất.
Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy NHTW Trung Quốc (PBOC) đang tính toán kỹ lưỡng và thận trong hơn nhiều, mặc cho Cục dự trữ liên bang Mỹ đã bơm cả nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính và các NHTW trên khắp thế giới đồng loạt hạ lãi suất.
Tính đến nay PBOC mới chỉ hạ nhẹ lãi suất và tuần này bơm thêm khoảng 550 tỷ nhân dân tệ để tăng thanh khoản cho các ngân hàng.
Trước cả khi dịch bệnh ập đến, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở trong giai đoạn giảm tốc mạnh nhất kể từ những năm 1970. Sau đó các nhà máy và trung tâm mua sắm trống trơn trong suốt gần 2 tháng, khi các lệnh phong tỏa khiến hàng trăm triệu người dân Trung Quốc gần như chỉ ngồi im trong nhà.
Các số liệu chính thức được công bố hôm thứ 2 vừa qua cho thấy sản lượng công nghiệp giảm 13,5% trong tháng 1 và tháng 2, giảm mạnh kỷ lục. Doanh số bán lẻ sụt giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị lên tới 6,2% - cao nhất từ trước đến nay.
Tốc độ đầu tư vốn ở Trung Quốc – hoạt động góp phần rất lớn tạo ra nhu cầu về vật liệu xây dựng và máy móc của toàn thế giới – vốn đã chậm lại trước cả khi virus corona lây lan, theo Mo Ji, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ AllianceBernstein.
Điều đó có nghĩa là kể cả khi Trung Quốc tung ra gói kích thích lớn, đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng sẽ khó cải thiện. Đó là bởi vì dù các doanh nghiệp nhận được thêm bao nhiêu tín dụng đi chăng nữa thì họ cũng không có nhiều chỗ để đầu tư.
Neil Shearing, chuyên gia của Capital Economics, dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai 1 gói kích thích để giúp nền kinh tế hồi phục sau quãng thời gian có thể là quý tồi tệ nhất kể từ những năm 1960. Capital Economics ước tính GDP Trung Quốc sẽ giảm 13% trong 2 tháng đầu năm, Goldman Sachs cũng đưa ra con số dự báo giảm 9%.
Shearing dự báo gói kích thích sẽ vào khoảng 2% GDP và đến từ rất nhiều nguồn: những khoản cho vay nhắm vào các đối tượng cụ thể, trợ cấp cho những chủ doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất và nới lỏng chính sách tiền tệ. Thêm vào đó PBOC sẽ cung cấp tín dụng giá rẻ cho các ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Điều này sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2020 tăng vọt và núi nợ của Trung Quốc càng cao thêm. Nhưng Shearing tin rằng có lẽ Bắc Kinh có đủ khả năng tránh được 1 cuộc khủng hoảng nợ. "Gói kích thích khổng lồ có thể gây rắc rối cho cấu trúc nợ trong trung hạn, nhưng sẽ không gây ra 1 cuộc khủng hoảng tài khóa trong ngắn hạn. Hiện tổng nợ của Trung Quốc bằng khoảng 310% GDP, thuộc hàng cao nhất trong số các thị trường mới nổi theo số liệu của IIF.
Gần đây Phó Thống đốc PBOC Chen Yulu đã trả lời trên Financial Times rằng Trung Quốc dự định duy trì "chính sách tiền tệ bình thường", báo hiệu Trung Quốc sẽ tránh sử dụng lãi suất âm. Theo Louis Kujis, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, gói kích thích trên diện rộng không phù hợp với tư duy hiện tại của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Đồng quan điểm, Nikolaj Schmidt, chuyên gia kinh tế trưởng bộ phận đầu tư tài sản cố định tại quỹ T Rowe Price, dự báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng sự ổn định của hệ thống tài chính hơn so với thời điểm năm 2008-2009. Tất nhiên Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng. Khi môi trường kinh tế trở lại bình thường, họ sẽ triển khai các biện pháp kích thích nhằm gia tăng nhu cầu về nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu trong nửa cuối năm. Nhiều khả năng Trung Quốc là nước đầu tiên "xuống hố" và cũng sẽ là nước đầu tiên hồi phục và quay trở lại bình thường.
Tham khảo Financial Times