MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Trong 7 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%.

Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam - Ảnh 1.

7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD.

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Trong tháng 7, có 20.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn chưa giảm. 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước. Doanh nghiệp dừng hoạt động, và hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng so với tháng 6.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam - Ảnh 2.

Tính chung 7 tháng năm nay, bình quân một tháng có 18.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.

Cũng trong tháng 7, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, có 1.627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký. 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,1%, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ.

Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Theo Việt Linh

Tiền phong

Trở lên trên