MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc mở tour tới Việt Nam: Hàng không đã sẵn sàng khai thác 'mỏ vàng'

Doanh nghiệp hàng không đối diện cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu khi Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3.

Trả lời VTC News, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đón nguồn khách quan trọng từ Trung Quốc đến khi Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn.

"Từ rất sớm, chúng tôi đã chuẩn bị đón đầu sự phục hồi của du lịch Trung Quốc. Tháng 12/2022, ngay khi Trung Quốc nới lỏng việc cấp phép bay và điều kiện cách ly, Vietnam Airlines đã mở lại các đường bay kết nối từ Hà Nội, TP.HCM đến Quảng Châu, Thượng Hải. Đến tháng 3 năm nay, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời nối lại đường bay Hà Nội – Bắc Kinh", đại diện Vietnam Airlines nói.

Trung Quốc mở tour tới Việt Nam: Hàng không đã sẵn sàng khai thác mỏ vàng - Ảnh 1.

Vietnam Airlines sẵn sàng đón khách đoàn Trung Quốc. (Ảnh: VNA)

Trong các tháng sau đó, hãng sẽ mở lại 4 đường bay là: Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh.

"Hãng kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy hàng không, du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên, Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ phục hồi tốt", đại diện Vietnam Airlines nói thêm.

Năm 2019, Vietnam Airlines đã phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19% tổng số lượng khách quốc tế Vietnam Airlines và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.

Tương tự, ngay sau khi có thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3), Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã lên kịch bản để đón nguồn khách này quay trở lại. Thị trường Trung Quốc hiện nằm trong kế hoạch ưu tiên phát triển của hãng bay này. Ngay từ đầu tháng 12/2022, Bamboo Airways đã triển khai các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội - Thiên Tân, với tần suất 1 chuyến/tuần.

Bamboo Airways tiếp tục nhận được nhiều lời mời hợp tác phát động khách du lịch Trung Quốc từ các điểm đến tại Trung Quốc như Macao, Thượng Hải…đến các điểm ở Việt Nam như Nha Trang, Hà Nội, TP.HCM…trong thời gian qua.

"Từ tháng 4/2023, Bamboo Airways dự kiến bắt đầu khai thác đường bay charter Nha Trang – Macao với tần suất 4 chuyến/tuần và Hà Nội/TP.HCM – Hà Khẩu với tần suất 3 chuyến/tuần/đường. Đối với các điểm đến khác, hãng đang trong quá trình đàm phán với đối tác, dự kiến sẽ triển khai thêm các đường bay mới từ tháng 5-6/2023 nếu điều kiện cho phép", đại diện Bamboo Airways cho hay.

Trung Quốc mở tour tới Việt Nam: Hàng không đã sẵn sàng khai thác mỏ vàng - Ảnh 2.

Thị trường Trung Quốc hiện nằm trong kế hoạch ưu tiên phát triển của Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways)

Trước đó, hãng Vietjet cũng cho biết đang chuẩn bị kế hoạch mở lại hàng loạt đường bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh...ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại với du lịch Việt Nam.

Theo đại diện Vietjet, với các đường bay thẳng từ TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc đến Hồng Kông (Trung Quốc) cùng mạng đường bay kết nối khắp Đông Nam Á của hãng hàng không này, hành khách có thể lựa chọn nhiều chuyến bay, giờ bay thuận tiện.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn đối với các ngành, dịch vụ hàng không, vận tải, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí. Khách Trung Quốc thường thích vùng du lịch miền Trung và ưa chuộng các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí bên biển hay các dịch vụ văn hóa, ẩm thực vùng miền. Bởi thế, ông Doanh dự báo, các điểm du lịch miền Trung sẽ hút khách hơn những nơi khác.

Mặt khác, thông tin này cũng khiến các hãng hàng không, các hãng vận tải giảm bớt gánh nặng, khi mà thời gian qua các ngành này gặp nhiều khó khăn do lượng khách quốc tế không đông như kỳ vọng, dù du lịch đã mở cửa từ lâu.

Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội phân tích, chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc tại Việt Nam luôn được xếp vào mức cao. Theo kết quả điều tra khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.022 USD cho 1 chuyến đi, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Với mức chi tiêu này, nguồn thu từ khách Trung Quốc năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam.

"Khi mà khách không ngại chi tiền thì nếu tận dụng đúng thời cơ, nắm bắt trúng nhu cầu của khách, các dịch vụ sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cho phép mở tour đến 39 nước từ 15/3

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã công bố sẽ nối lại các tour du lịch theo nhóm tới 40 quốc gia khác bắt đầu từ ngày 15/3. Danh sách này bao gồm Việt Nam, Nepal, Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp... Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Mỹ - những quốc gia được xếp hạng cao trong số 15 điểm đến nước ngoài hàng đầu của du khách Trung Quốc vào năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát - không nằm trong danh sách này.

Đây là đợt điểm đến thứ 2 trong chương trình thí điểm của Trung Quốc cho các chuyến du lịch theo nhóm ra nước ngoài. Đợt đầu tiên gồm 20 quốc gia và khu vực vào ngày 6/2.


Theo Hòa Bình/VTC News

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên