Trung Quốc muốn kiểm duyệt mọi bình luận trên mạng xã hội
(Ảnh: Shutterstock)
Nhà chức trách Trung Quốc đề xuất các nền tảng mạng xã hội phải xem xét mọi bình luận của người dùng trước khi đăng tải.
- 22-06-2022Sự sụp đổ của tựa game từng làm mưa làm gió Axie Infinity
- 22-06-2022Doanh nghiệp “khổ sở” vì tin giả
- 22-06-2022Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh kiểm tra an toàn hệ thống giải quyết thủ tục hành chính
Người dùng Internet Trung Quốc bày tỏ lo lắng trước dự luật mới của nước này. Cơ quan quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cuối tuần trước công bố dự thảo, chỉ đạo các nền tảng Internet tuyển dụng đội ngũ kiểm duyệt nội dung “tương xứng với quy mô của dịch vụ” để xem xét mọi bình luận của người dùng và lọc ra các bình luận “độc hại” trước khi đăng.
Tất cả các loại bình luận – bao gồm bài viết gốc, phản hồi, bình luận theo thời gian thực xuất hiện bên cạnh mỗi video – đều nằm trong diện kiểm duyệt.
Nhà chức trách sẽ nhận phản hồi về dự thảo tới ngày 1/7. Tuy nhiên, đã nảy sinh các lo ngại về gánh nặng chi phí vận hành với các công ty công nghệ, cũng như hạn chế với nội dung mà người dùng được đăng trên mạng. Đây chỉ là một bổ sung cho cơ chế kiểm duyệt nội dung trực tuyến gắt gao bậc nhất thế giới của Trung Quốc. Theo Vincent Brussee, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, bình luận là tính năng ngày càng phổ biến và các quy định ra đời từ lâu khó có thể bắt kịp.
Dự thảo còn đề xuất một cá nhân hay pháp nhân đăng bài viết sẽ phải chịu trách nhiệm cho bình luận của những người khác trên bài viết của mình. Điều đó khiến những người có ảnh hưởng (KOL) phải thận trọng hơn về nội dung họ chia sẻ.
Kelly Wu, sinh viên 24 tuổi tại Bắc Kinh, một người thường xuyên bình luận trên website Bilibili, cho rằng thật khó tưởng tượng việc kiểm tra mọi bình luận trên Internet. Theo Wu, tính năng bình luận thời gian thực giúp người xem cảm thấy họ như đang ở trong phòng chat với người khác, tạo ra trải nghiệm gắn kết và cảm giác cộng đồng mạnh hơn. Wu lo ngại quy định mới sẽ phá hỏng sự thú vị này.
“Đã có rất nhiều từ nhạy cảm bị kiểm duyệt trên nền tảng, đồng nghĩa các bình luận cũng đã được xem xét. Đánh giá mọi bình luận trước khi đăng đồng nghĩa người dùng không có tương tác thời gian thực”, Wu nói.
Chưa một mạng xã hội nào bình luận công khai về dự thảo. Một số nền tảng phổ biến hơn như Weibo, WeChat đã tích cực kiểm duyệt thông tin nhạy cảm thông qua các thuật toán lọc từ khóa. Chen Di, giảng viên Đại học Khoa học Công nghệ Harbin, dự định tắt mục bình luận trên các bài viết trước đây để tránh rắc rối. Ông có hơn 230.000 người theo dõi trên Zhihu.
“Các nền tảng rất khó xác định được lằn ranh đỏ là gì, vì vậy việc kiểm duyệt sẽ chỉ càng ngặt nghèo hơn. Người dùng hoặc cần phương thức biểu đạt thay thế đối với những từ nhạy cảm để né kiểm duyệt, hoặc trở thành người đứng ngoài trên Internet mà không tham gia thảo luận”, Chen Di nói.
Vài người dùng đang tổ chức các cuộc vận động để chống lại đề xuất. Chẳng hạn, người dùng Tony Shizuku kêu gọi mọi người gửi phản hồi trên website của CAC trong quá trình trưng cầu ý kiến. Theo anh, nếu quy định được thông qua, mọi thứ họ nhìn thấy trên mạng sẽ chỉ do kiểm duyệt viên lựa chọn và tiếng nói của người dùng không dễ được lắng nghe.
Theo SCMP
ICT News