Trung Quốc siết chặt thị trường cho vay ngang hàng, xóa sổ hoàn toàn hơn 40 công ty
Thậm chí những nhà cho vay lớn nhất như Lufax - được Ping An hậu thuẫn, và Dianrong.com, cũng không thoát khỏi yêu cầu đóng cửa sau khi cả ngành công nghiệp chịu kiểm soát rất gắt gao.
- 02-08-2019Cho vay ngang hàng mới được thắt chặt, giới trẻ Trung Quốc lại trở thành 'con nợ' của những ứng dụng đến từ Alibaba, JD.com
- 26-01-2019Làm ăn bết bát, một loạt "ông lớn" ngành ngân hàng Mỹ ngừng bảo lãnh phát hành cho các công ty cho vay P2P của Trung Quốc
- 03-10-2018Hồi chuông báo động trong ngành tài chính Trung Quốc: Các nền tảng cho vay P2P liên tiếp sụp đổ, huỷ hoại cuộc sống của hàng nghìn người
Mới đây, nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, cơ quan quản lý tại trung tâm tài chính Trung Quốc đã yêu cầu hơn 40 nhà cho vay ngang hàng (P2P) tại Thượng Hải phải đóng cửa hoạt động. Đây là một đòn giáng mạnh tiếp theo đối với ngành công nghiệp cho vay trực tuyến vốn đã bị thu hẹp một nửa trong năm nay.
Trong những cuộc họp gần đây với văn phòng dịch vụ tài chính Thượng Hải, một số nền tảng cho vay P2P lớn nhất quốc gia này gồm có Lufax - có sự hậu thuẫn của Ping An, và Dianrong.com, đã được yêu cầu phải ngừng phát hành các sản phẩm tài chính mới và đóng cửa dịch vụ cho vay ngang hàng hiện có, nguồn thạo tin cho hay.
Cổ phiếu của các tổ chức cho vay P2P Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sụt giảm mạnh sau khi chính phủ của ông Tập siết chặt quy định.
Bước tiến này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc cải tổ một ngành công nghiệp mang theo khoản nợ hơn 150 tỷ USD và có tới 50 triệu nhà đầu tư khi đỉnh điểm, nhưng sụp đổ vì những vụ gian lận, lừa đảo, vỡ nợ. Thậm chí những nhà cho vay lớn nhất như hai cái tên kể trên cũng không thoát khỏi yêu cầu đóng cửa sau khi cả ngành công nghiệp chịu kiểm soát rất gắt gao, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thẳng tay ra lệnh trừng phạt.
Hiện tại, văn phòng dịch vụ tài chính Thượng Hải chưa đưa ra bình luận về yêu cầu phỏng vấn. Đại diện của Dinarong và Lufax cũng từ chối lên tiếng.
Hôm thứ Tư, Cơ quan ngành tài chính Internet của Thượng Hải đã báo bỏ một thông tin được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, cho rằng các nền tảng P2P của thành phố này đã ký một thoả thuận nhằm chấm dứt hoạt động kinh doanh của họ. Theo nguồn tin thân cận, các nhà quản lý đã trao đổi với những nền tảng trên nhưng chưa đưa ra hạn chót.
Ngành công nghiệp P2P của Trung Quốc "ra đời" trong bối cảnh làn sóng quy định đối với ngành ngân hàng ngầm được nới lỏng. Những nhà cho vay trực tuyến được tạo ra với mục đích trở thành kênh tài trợ mới các bên đi vay vừa và nhỏ, cho phép người tiết kiệm có thể thu về lợi nhuận 2 chữ số.
Động thái trừng trị mạnh mẽ của giới chức Trung Quốc đã khiến cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân rơi vào cảnh khốn đốn. Khoảng 1.200 tổ chức cho vay P2P đã phải đóng cửa trong 9 tháng đầu năm nay khi số dư cho vay giảm tới 48%, theo số liệu của Uỷ ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC).
Trên khắp Trung Quốc, có khoảng 600 tổ chức cho vay tính đến tháng 9. Trong khi đó, ở thời điểm cao nhất, nước này có tới 6.600 tổ chức, số liệu của công ty nghiên cứu WDZJ cho thấy. Các nhà phân tích Citigroup ước tính, đến tháng 11 năm nay, chỉ khoảng 50 trong số đó có thể "sống sót".
Thậm chí, con số 50 có thể lại là một dự báo quá lạc quan, khi một số chính quyền địa phương chỉ thị chấm dứt hoàn toàn hoạt động cho vay ngang hàng trong những tháng gần đây. Cuối năm 2017, chính quyền trung ương đã áp dụng một quá trình đăng ký phức tạp nhằm "dọn dẹp" ngành công nghiệp này. Trong đó, các quan chức Thượng Hải xác định 160 yếu tố có vấn đề như lãi suất quá cao, sử dụng vốn sai mục đích và tỷ suất sinh lợi bị đẩy lên mức bất hợp lý. Cho đến nay, chưa có tổ chức cho vay P2P nào vượt qua được quá trình mới này.