MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tăng tốc sở hữu một loại tài sản giữa lòng nước Mỹ, Washington muốn 'tuýt còi'

19-11-2023 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

Tính đến năm 2021, các thực thể và cá nhân Trung Quốc sở hữu khoảng 155.400 ha đất nông nghiệp tại Mỹ.

Quyền sở hữu của Trung Quốc tăng gấp 5 lần trong 10 năm

Trang NewsNation mới đây đưa tin, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ sở hữu một phần nhỏ tổng số đất nông nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài tại Mỹ, nhưng diện tích đất mà họ nắm giữ đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua.

Trung Quốc tăng tốc sở hữu một loại tài sản giữa lòng nước Mỹ, Washington muốn tuýt còi - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp tại hạt Lancaster, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, vào ngày 8/112022. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến năm 2021, các thực thể và cá nhân Trung Quốc sở hữu khoảng 155.400 ha đất nông nghiệp tại Mỹ, chiếm chưa đến 1% tổng số đất nông nghiệp tại Mỹ do người nước ngoài nắm giữ.

Khoảng một nửa diện tích đó thuộc sở hữu của 85 nhà đầu tư Trung Quốc, có thể là cá nhân, công ty hoặc chính phủ nước này. Nửa còn lại do 62 tập đoàn Mỹ có cổ đông Trung Quốc nắm giữ.

Hầu hết số đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc - hơn 70% tổng diện tích - tập trung ở miền nam nước Mỹ.

Trong số hơn 100 quốc gia được USDA liệt kê, Trung Quốc đứng thứ 18 về tổng quyền sở hữu, sau các quốc gia nhỏ hơn như Đan Mạch (346.400 ha) và Luxembourg (324.500 ha).

Theo USDA, tính đến năm 2021, các tổ chức và cá nhân nước ngoài nắm giữ khoảng 16,2 triệu ha đất nông nghiệp tại Mỹ - khoảng 3% tổng số đất nông nghiệp do tư nhân nắm giữ. Diện tích đó bao gồm cả đất rừng và đất nông nghiệp.

Năm quốc gia nắm giữ khoảng 2/3 tổng số đất nông nghiệp tại Mỹ theo dạng sở hữu nước ngoài đều là đồng minh của Washington.

Các nhà đầu tư Canada sở hữu 31% tổng số đất do người nước ngoài nắm giữ tại Mỹ, tiếp theo là các nhà đầu tư đến từ Hà Lan (12%), Ý (7%), Vương quốc Anh (6%) và Đức (6%).

Theo USDA, trong số các tiểu bang có nhiều đất nông nghiệp do nước ngoài nắm giữ nhất, Texas dẫn đầu với 2,1 triệu ha. Xét về tỷ lệ phần trăm, Maine dẫn đầu vì hơn 20% đất nông nghiệp tư nhân thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, có một số hạn chế đối với dữ liệu thống kê. Ví dụ: không bao gồm doanh số bán đất nông nghiệp của Mỹ do nước ngoài nắm giữ và một tỷ lệ đáng kể diện tích đất nông nghiệp do nước ngoài nắm giữ (7,5%) được xếp vào dạng "Quốc gia không liệt kê".

Bị 'tuýt còi' vì sợ do thám

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào nông nghiệp trên toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây, bao gồm cả ở Mỹ.

Theo USDA, từ năm 2019 đến năm 2021, quyền sở hữu đất nông nghiệp của người Trung Quốc tại Mỹ đã tăng 55% từ 100.000 ha lên 155.400 ha. Đó là một mức tăng đáng kể so với giai đoạn 2016-2019 khi tổng quyền sở hữu của Trung Quốc tăng chưa đến 1%. Chỉ một thập kỷ trước, các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ chưa tới 28.400 ha đất tại Mỹ.

Xu hướng đó đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ nêu lên mối lo ngại về an ninh quốc gia. Đầu năm nay, kế hoạch xây dựng nhà máy ngô ở tiểu bang Bắc Dakota của một công ty Trung Quốc đã bị hủy bỏ sau sự phản đối của người dân địa phương và các quan chức quân đội.

Tập đoàn Fufeng có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã mua 148 ha đất ở Bắc Dakota và không tiết lộ giao dịch này với USDA cho đến khi kênh CNBC đưa ra những quan ngại về an ninh quốc gia khi khu đất nằm gần Căn cứ Không quân Grand Forks.

Trung Quốc tăng tốc sở hữu một loại tài sản giữa lòng nước Mỹ, Washington muốn tuýt còi - Ảnh 2.

Vị trí đề xuất của nhà máy xay xát ngô của Tập đoàn Fufeng ở hạt Grand Forks, tiểu bang Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Sau khi CNBC đưa tin rằng hoạt động mua bán của Fufeng USA đang gây lo ngại ở Washington, một quan chức USDA tại địa phương đã liên hệ với công ty để yêu cầu tiết lộ nội dung hợp đồng mua đất.

Hai tuần sau, công ty tuân thủ, nộp hồ sơ cho thấy họ đã thực hiện ba giao dịch mua với tổng trị giá 9,5 triệu USD để xây dựng một "nhà máy lên men sinh học xay ngô tươi".

Tuy nhiên, Eric Chutorash - giám đốc điều hành của Fufeng USA - đã bác bỏ lo ngại nhà máy có thể được sử dụng để do thám căn cứ không quân.

Chutorash nói: "Tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ ai mà chúng tôi thuê lại có thể làm được việc đó". Khi được hỏi liệu ông có thể khẳng định rằng nhà máy sẽ không được sử dụng cho hoạt động gián điệp hay không, Chutorash trả lời: "Chắc chắn rồi".

Nhưng do sự phản đối của người dân địa phương và các quan chức quân đội, việc phát triển nhà máy Fufeng đã bị dừng lại. Theo tài liệu của văn phòng quản lý đất đai tại hạt Grand Forks, Fufeng vẫn sở hữu hơn 120 ha đất ở Grand Forks, diện tích chưa bằng 1/4 diện tích trang trại gia đình trung bình ở Bắc Dakota.

Tháng 8/2023, "Đạo luật an ninh và thúc đẩy đảm bảo nông nghiệp" (PASS) đã được Thượng viện Mỹ thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng và hiện sẽ được đưa vào "Đạo luật ủy quyền quốc phòng" (NDAA) cho Năm tài chính 2024 (FY24) của Thượng viện Mỹ.

PASS yêu cầu đưa Trung Quốc cùng với Nga, Iran và Triều Tiên vào danh sách đen, cấm các cá nhân và thực thể từ các quốc gia này đầu tư, mua, có được đất đai hoặc kinh doanh liên quan đến nông nghiệp của Mỹ.

Theo Hữu Hiển

Đời sống và pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên