MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thực hiện kế hoạch phát triển điện mặt trời bền vững quy mô lớn

25-05-2024 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Giống như nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc, nước này đang lắp đặt những cơ sở năng lượng mặt trời với tốc độ và quy mô chóng mặt.

Xây nhà máy điện mặt trời trên biển lớn nhất

Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã khởi công xây dựng dự án quang điện ngoài khơi lớn nhất nước này hôm 19/5 tại thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.

Dự án có tổng vốn đầu tư 9,88 tỉ Nhân dân tệ (gần 1,4 tỉ USD), dự kiến ​​sẽ hòa lưới điện lần đầu vào tháng 9/2024 và hòa lưới toàn công suất vào năm 2025.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết hợp với Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan (Tianwan) của CNNC, tạo thành một cơ sở năng lượng sạch quy mô lớn với tổng công suất lắp đặt hơn 10 triệu Kilowatt. Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan là dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, chính thức khởi công xây dựng ngày 20/10/1999.

Trung Quốc thực hiện kế hoạch phát triển điện mặt trời bền vững quy mô lớn- Ảnh 1.

Dự án quang điện ngoài khơi lớn Trung Quốc (Ảnh: CNNC)

Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, trong năm 2023, công suất lắp đặt sản xuất điện năng lượng phi hóa thạch của nước này lần đầu tiên vượt công suất lắp đặt nhiệt điện, tỷ trọng trong tổng công suất lắp đặt cũng lần đầu tiên vượt 50%, đạt 53,9%; tỷ lệ công suất lắp đặt điện than lần đầu tiên giảm xuống dưới 40%.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, tiềm năng phát triển các trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi của nước này vẫn còn rất lớn.

Cắt giảm công suất phát của các dự án điện mặt trời

Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu 1/5 năng lượng đến từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia, Trung Quốc đã bổ sung thêm 216 Gigawatt năng lượng mặt trời vào năm 2023. Ước tính, 1 Gigawatt năng lượng mặt trời đủ để cung cấp nhu cầu năng lượng cho khoảng 320.000 hộ gia đình Trung Quốc trong một năm.

Trong đó, tỉnh Sơn Đông đã bổ sung khoảng 14 Gigawatt năng lượng mặt trời vào năm 2023. Đây là tỉnh dẫn đầu về năng lực năng lượng tái tạo nhưng cũng là minh chứng rõ nét nhất về những thách thức do tốc độ tăng trưởng quá nhanh.

Ông Peng Peng, Tổng thư ký của Liên minh tài chính và đầu tư năng lượng mới Trung Quốc, cho biết: "Các tỉnh khác cũng sẽ gặp phải những vấn đề này vì sẽ ngày càng nhiều nơi lắp đặt điện mặt trời".

Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do tình trạng tắc nghẽn lưới điện và việc các nhà khai thác lưới điện giảm giá mua cũng như hạn chế công suất phát vào lưới điện.

Trung Quốc thực hiện kế hoạch phát triển điện mặt trời bền vững quy mô lớn- Ảnh 2.

Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức do tốc độ phát triển điện mặt trời quá nhanh (Ảnh: AP)

Chỉ riêng năm 2023, Trung Quốc tăng công suất điện mặt trời thêm 55%. Dữ liệu chính thức và phân tích của Reuters cho thấy công suất lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong tháng 3, công suất điện mặt trời mới giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023, xuống mức thấp nhất trong 16 tháng.

Năm 2023, ít nhất 20 trong số 35 tỉnh và vùng của Trung Quốc đã áp dụng cơ chế giảm giá mua điện mặt trời vào giữa ngày và tăng giá mua vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối. Những thay đổi này sẽ làm giảm doanh thu của các dự án điện trời trong những giờ phát điện cao điểm. Tuy nhiên, cơ chế mới sẽ khuyến khích các công ty lưu trữ năng lượng mua điện mặt trời lúc giá rẻ để bán với giá cao hơn vào các giờ cao điểm.

Ông David Fishman, chuyên gia tư vấn năng lượng của Lantau Group, cảnh báo việc các công ty lưới điện hủy bỏ giới hạn giảm công suất phát điện ở mức 5% đối với các dự án năng lượng tái tạo có thể gây rủi ro cho các chủ đầu tư.

Mặc dù vậy, vượt qua nhiều thách thức, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu vươn tới vị trí thống trị về năng lượng mặt trời và giảm thiểu nhập khẩu năng lượng. 

Theo Linh Quy

VTV

Trở lên trên