MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tích trữ, giá cả lương thực thế giới có nguy cơ leo thang vào năm 2022

06-01-2022 - 14:28 PM | Thị trường

Trung Quốc tích trữ, giá cả lương thực thế giới có nguy cơ leo thang vào năm 2022

Trung Quốc sẽ nắm giữ 69% dự trữ ngô, 60% gạo và 51% lúa mì của thế giới vào giữa năm 2022.

Theo thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc. Vào tháng 5/2021, giá cả đã đạt đến điểm cao nhất kể từ năm 2011, sau khi tăng 40% trong 12 tháng. Ngoài các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu lao động và thời tiết xấu, việc Trung Quốc đang tích trữ các mặt hàng chủ chốt cũng là nguyên nhân gây ra cơn sốt giá hiện nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ nắm giữ 69% dự trữ ngô, 60% gạo và 51% lúa mì của thế giới vào giữa năm 2022. Theo ước tính của riêng Trung Quốc, nguồn dự trữ này thậm chí ở mức cao nhất trong lịch sử và góp phần tăng giá lương thực toàn cầu.

Trung Quốc đang nắm giữ lượng lớn lương thực. Đối với quốc gia tỷ dân, các kho dự trữ có vai trò giảm thiểu áp lực từ những quốc gia xuất khẩu lương thực lớn như Mỹ.

Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu dự trữ lương thực, đặc biệt khi những gián đoạn mà Covid-19 gây ra vẫn tiếp diễn. Tháng 6, cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc cảnh báo các quốc gia thu nhập thấp sẽ phải đối mặt tình trạng giá nhập khẩu lương thực tăng tới 20%.

Mặc dù báo cáo không chỉ ra bất kỳ quốc gia nào phải chịu trách nhiệm, nhưng Trung Quốc - với tư cách là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới - chắc chắn đóng một vai trò quan trọng.

Vào năm 2022, rất ít khả năng giá sẽ hạ nhiệt do nhiều nguyên nhân. Một yếu tố chính giải thích là đợt bùng phát dịch tả lợn ở Trung Quốc vào năm 2018, khiến đàn lợn của nước này giảm một nửa. Điều đó buộc nước này phải nhập khẩu nhiều thịt lợn và các nguồn cung cấp protein thay thế (chủ yếu là thịt gia cầm và cá), cùng với ngũ cốc để làm thức ăn cho chúng trong suốt năm 2019 và 2020, làm giảm dự trữ toàn cầu.

Một yếu tố khác là hàng loạt trục trặc xuất hiện khi thương mại quốc tế mở cửa nhanh chóng trở lại vào thời điểm Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng thiếu container, cũng như nhiều máy bay chở khách tiếp tục tạm ngưng khiến việc vận chuyển trái cây tươi và rau quả vẫn còn khó khăn.

Các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và đường được vận chuyển bằng số lượng lớn trên những con tàu khổng lồ, nhưng sức chứa cũng có hạn. Trong khi đó, giá dầu đã tăng trở lại, thúc đẩy lạm phát ở mọi loại mặt hàng, từ phân bón, hóa chất đến chi phí vận chuyển.

Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất vẫn là yếu tố thời tiết. Vào đầu năm 2021, giá đã tăng một phần do hạn hán ở các vùng sản xuất ngũ cốc ở Bắc và Nam Mỹ. Điều kiện trồng trọt và thu hoạch được cải thiện trong suốt cả năm nhưng các nhà khoa học hiện nay cho rằng khả năng cao sẽ xảy ra một La Niña khác trong mùa đông.

Trong khi đó, các thiên tai xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, như lũ lụt và cháy rừng xảy ra rất nhiều vào năm 2021, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến hoạt động sản xuất bánh mì của thế giới trong thời gian này.

Tham khảo: Bloomberg

Khánh Huyền

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên