MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tìm mọi cách 'thoát' phụ thuộc công nghệ Mỹ

19-12-2023 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc tìm cách giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài bằng cách chuyển sang sử dụng phần mềm nội địa và thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước.

Theo Bloomberg News, ngày càng nhiều cơ quan công quyền tại Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước yêu cầu nhân viên không được mang iPhone hay các thiết bị nước ngoài khác đến nơi làm việc.

Tính đến tháng 12/2023, công ty quốc doanh và cơ quan chính phủ ở ít nhất 8 tỉnh của Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên chuyển sang sử dụng các thương hiệu di động trong nước, chẳng hạn như Chiết Giang, Sơn Đông, Liêu Ninh và miền trung Hà Bắc, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Martin Yang, chuyên gia nhà phân tích tại công ty đầu tư Oppenheimer cho biết, lệnh cấm nếu chính xác như thông tin lan truyền sẽ thúc đẩy nhiều người dùng Android mua điện thoại Huawei hoặc người dùng iPhone chuyển sang sử dụng sản phẩm của Huawei.

Trong khi đó Xiaomeng Lu, CEO công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng những quan chức chính quyền địa phương hay người làm việc với chính phủ Trung Quốc có thể tránh xa sản phẩm Apple và phương Tây.

Trung Quốc tìm mọi cách 'thoát' phụ thuộc công nghệ Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu nhân viên không mang iPhone đến nơi làm việc

Gần một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khi yêu cầu các ngân hàng, công ty trực thuộc nhà nước chuyển sang sử dụng phần mềm nội địa và thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước.

Hệ điều hành riêng

Vào tháng 7, Trung Quốc cho ra mắt hệ điều hành máy tính mã nguồn mở đầu tiên, có tên OpenKylin 1.0. Đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực phần mềm điện tử của nước này, với sự đóng góp của hơn 4.000 nhà phát triển nội địa, trong đó có China Electronics Corp, tập đoàn doanh nghiệp thông tin điện tử nhà nước.

Giới quan sát nhận định, OpenKylin 1.0 có thể thúc đẩy quá trình cải thiện và nâng cấp hệ điều hành trong nước, giúp Bắc Kinh đảm bảo an ninh trong các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế như tài chính, thông tin liên lạc, năng lượng và giao thông vận tải.

Trong khi đó, các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm JD.com, NetEase và Meituan liên tục thu hút các nhà phát triển ứng dụng HarmonyOS, nhằm hướng đến mục tiêu loại bỏ hệ điều hành Android.

HarmonyOS được giới thiệu vào tháng 8/2019 nhằm đáp lại việc Huawei bị đưa vào danh sách thực thể bị hạn chế của Mỹ, cũng như các hạn chế về quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ chính của Google.

Trung Quốc tìm mọi cách 'thoát' phụ thuộc công nghệ Mỹ - Ảnh 2.

Đến nay, đã có hơn 700 triệu thiết bị của Huawei được tích hợp hệ điều hành HarmonyOS.

Dữ liệu từ Counterpoint Research tháng 10/2023 cho thấy, việc ra mắt thành công điện thoại Mate 60 Pro với công nghệ 5G đã đánh dấu sự trở lại của Huawei và góp phần giúp công ty tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ (tăng 37% so với cùng kỳ trong quý 3/2023).

Thu hẹp khoảng cách về công nghệ chip

Bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ từ Mỹ, Trung Quốc vẫn cho thấy những bước đột phá trong lĩnh vực bán dẫn.

Đầu tháng 12, ChangXin Memory Technologies (CXMT) cho biết đã sản xuất thành công chip nhớ DRAM tốc độ dữ liệu kép (LPDDR5) tiên tiến đầu tiên của Trung Quốc, tương tự như thế hệ chip nhớ mà Samsung Electronics ra mắt năm 2018. Các sản phẩm của CXMT đang được sử dụng bởi các thương hiệu smartphone nội địa như Xiaomi và Transsion.

Trước đó, Huawei Technologies khiến cả thể giới bất ngờ với model smartphone Mate 60 Pro được trang bị con chip Kirin 9000s tiên tiến sản xuất trong nước bởi SMIC trên tiến trình 7nm. Loongson, công ty chuyên phát triển chip xử lý trung tâm, cũng công bố chip 3A6000 có sức mạnh tương đương CPU Intel của năm 2020.

Theo hãng phân tích TechInsights, một đại gia bán dẫn Trung Quốc khác là Yangtze Memory Technologies (YMTC), đã sản xuất thành công chip nhớ 3D NAND - thành phần quan trọng để tính toán hiệu suất cao trong các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo, máy học.

Theo quy định mới Mỹ vừa cập nhật vào tháng 10, một loạt thiết bị đúc chip quan trọng bao gồm in thạch bản, khắc, lắng đọng, cấy ghép và làm sạch đều nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu, nhằm giới hạn năng lực sản xuất bán dẫn Bắc Kinh ở mức thấp nhất, khoảng 14nm đối với chip logic, 18nm half-pitch với DRAM hoặc nhỏ hơn và 128 lớp với chip nhớ 3D NAND.

 (Nguồn: Tổng hợp)

Theo Thế Việt/ VTC News

VTC

Trở lên trên