MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tung đòn đất hiếm, phương Tây lo ngại

22-12-2023 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc hôm 21-12 cấm xuất khẩu công nghệ chiết xuất và phân tách đất hiếm, động thái mới nhất nhằm bảo vệ sự thống trị của nền kinh tế thứ 2 thế giới đối với một số kim loại chiến lược.

 Đất hiếm là nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động để sử dụng trong xe điện, tua-bin gió và thiết bị điện tử.

Trung Quốc tung đòn đất hiếm, phương Tây lo ngại- Ảnh 1.

Mỏ lộ thiên đất hiếm MP Materials ở Mountain Pass, California - Mỹ. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm dự kiến tác động mạnh nhất lên đất hiếm nhóm nặng, được sử dụng trong động cơ điện, thiết bị y tế và vũ khí.

Ông Nathan Picarsic, đồng sáng lập Công ty tư vấn địa chính trị Horizon Advisory, nhận định động thái trên cho thấy sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bất kỳ phần nào của chuỗi giá trị này cũng đều không bền vững.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lấy ý kiến người dân vào tháng 12 năm ngoái về khả năng bổ sung công nghệ này vào "Danh mục công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu".

Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm và vật liệu hợp kim cũng như công nghệ điều chế một số nam châm đất hiếm. Mục đích của hành động này là bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công.

Trung Quốc đã siết chặt đáng kể quy định hướng dẫn xuất khẩu một số kim loại trong năm nay, leo tháng cuộc chiến với phương Tây về quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng.

Nước này đã hạn chế xuất khẩu vật liệu sản xuất chip gallium và germanium vào tháng 8, sau đó là những quy định tương tự đối với một số loại than chì kể từ ngày 1-12.

Động thái bảo vệ công nghệ đất hiếm của nước này diễn ra trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 90% sản lượng tinh chế toàn cầu.

Trung Quốc đã thành thạo quy trình chiết dung môi để tinh chế các khoáng sản chiến lược. Đây là điều nhiều công ty đất hiếm phương Tây chật vật triển khai do sự phức tạp về kỹ thuật và lo ngại về ô nhiễm.

Theo Công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence (BMI), Trung Quốc phân tách 99,9% đất hiếm nhóm nặng toàn cầu. Hầu hết công suất xử lý của phương Tây đang được lắp đặt chỉ xử lý đất hiếm nhóm nhẹ.

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên