Trung Quốc tuyên án tử hình quan tham giấu 3 tấn tiền trong nhà
Cựu Chủ tịch của một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc bị kết án tử hình với tội danh tham nhũng, Bloomberg đưa tin hôm 5/1.
- 05-01-2021Chứng khoán Trung Quốc lập đỉnh 13 năm, phục hồi ngoạn mục từ vụ vỡ bong bóng năm 2015
- 05-01-2021Những tỉ phú Trung Quốc bất ngờ biến mất trước công chúng
- 05-01-2021Sau nhiều năm nâng đỡ, Trung Quốc chính thức 'bỏ mặc' các doanh nghiệp yếu kém vỡ nợ
Lại Tiểu Dân, cựu Chủ tịch của China Huarong Asset Management (công ty quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc), bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ và một số tội danh khác, theo tòa án Thiên Tân. Tòa án cho biết ông này bị kết tội nhận hối lộ 1,79 tỷ Nhân dân tệ (277 triệu USD) từ năm 2008 đến 2018. Tất cả tài sản cá nhân của ông ta sẽ bị tịch thu.
Số tiền hối lộ mà ông Lại nhận từ các đơn vị, cá nhân phá vỡ kỷ lục về tham nhũng của các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh và trưởng bộ của Trung Quốc trong quá khứ.
Ông Lại Tiểu Dân năm 2016. (Ảnh: Anthony Kwan/Bloomberg)
Theo Bloomberg, án tử hình là điều đáng chú ý đối với tội danh tham nhũng ở Trung Quốc. Động thái này nhấn mạnh lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ chính phủ và giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Vào năm 2016, Trung Quốc nâng ngưỡng hình phạt tử hình liên quan đến tham nhũng từ 100.000 Nhân dân tệ lên 3 triệu Nhân dân tệ, nhưng hình phạt này hiếm khi được sử dụng.
Mo Shaoping, một luật sư làm việc tại Bắc Kinh, cho biết phần lớn các trường hợp nhận hối lộ gặp án chung thân. Nhưng trong trường hợp Lại Tiểu Dân, “số tiền tham nhũng đặc biệt lớn, có thể là lớn nhất trong những năm gần đây". Ông cho biết thêm: “Vụ việc cũng dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Trong bối cảnh hiện tại, một bản án tử hình chắc chắn là một lời cảnh báo - và chủ yếu là - khẳng định tham nhũng có thể bị trừng phạt bằng cái chết”.
Hành vi của ông Lại "gây nguy hiểm cho an ninh tài chính quốc gia và sự ổn định tài chính", tòa án tuyên bố hôm thứ Ba (5/1). Ngay cả những đóng góp "đáng kể" của ông ta trong việc cung cấp manh mối về các hoạt động tội phạm cũng không đủ để được hưởng khoan hồng.
Ông Lại giám sát Hoa Dung từ năm 2012 cho đến khi gặp rắc rối vào năm 2018. Đây là một trong 4 công ty được thành lập vào năm 1999 để giúp quản lý nợ xấu. Doanh nghiệp nhà nước này, dưới thời của ông Lại, đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang chứng khoán, các khoản đầu tư và hợp đồng tương lai, khác với nhiệm vụ ban đầu.
Cựu Giám đốc điều hành quốc tế của công ty cho biết ông Lại chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và đầu tư mạnh vào các tài sản rủi ro cao như bất động sản và cổ phiếu.
VTC News