Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc phát hiện nguyên nhân động đất ở Cam Túc: Đứt gãy ngược điển hình!
Theo các chuyên gia có 3 nguyên nhân khiến trận động đất 6,2 độ ở Cam Túc gây thiệt hại nặng nề hơn những trận động đất có cùng cường độ.
Theo trang Renmin, một trận động đất có cường độ 6,2 độ richter đã xảy ra tại huyện Tích Thạch Sơn, châu Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (35,70 độ vĩ bắc, 102,79 độ kinh đông) lúc 23h59 ngày 18/12 (giờ địa phương) có tâm chấn 10km.
Nguyên nhân gây ra trận động đất ở Cam Túc
Ngay lập tức, Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để các chuyên gia trong ngành tiến hành nghiên cứu và phân tích về hoạt động của trận động đất. Theo các chuyên gia, trận động đất nằm ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Cam Túc, là một phần quan trọng của rìa Đông Bắc cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng và bị ảnh hưởng của nhiều đới đứt gãy.
Trận động đất xảy ra do sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia và Á - Âu. Khu vực phía Đông Nam tỉnh Cam Túc đã bị các mảng kiến tạo này chèn ép từ lâu, hoạt động kiến tạo diễn ra mạnh mẽ, có khá nhiều đới đứt gãy lớn. Các nhà khoa học lý giải, đứt gãy là vết nứt hoặc vùng nứt giữa hai khối đá. Các đứt gãy khiến các khối đá dịch chuyển tương đối so với nhau và gây ra động đất nếu sự dịch chuyển diễn ra quá nhanh. Trong một trận động đất, khối đá ở phía bên này của đứt gãy đột ngột trượt đi so với khối ở phía bên kia.
Cũng theo các chuyên gia, góc của đứt gãy so với bề mặt hay còn gọi là độ nghiêng và hướng trượt dọc theo đứt gãy được dùng để phân loại. Các đứt gãy dịch chuyển dọc theo hướng của mặt phẳng nghiêng sẽ được gọi là đứt gãy trượt nghiêng. Các đứt gãy dịch chuyển theo phương ngang được gọi là đứt gãy trượt ngang.
Mặt khác, các đứt gãy trượt xiên thường mang đặc điểm của cả đứt gãy trượt nghiêng và đứt gãy trượt ngang. Ở đây, trận động đất ở Cam Túc là thuộc kiểu đứt gãy ngược. Cụ thể, khối đá trên ở phía trên mặt phẳng đứt gãy dịch chuyển lên và chèn qua khối dưới. Nguyên nhân là do khu vực xảy ra động đất nằm ở khu vực nén – khi mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia hội tụ vào mảng kiến tạo Á – Âu.
Tại sao trận động đất ở Cam Túc có sức tàn phá khủng khiếp hơn những trận động đất cùng cường độ?
Theo thống kê của chính quyền tỉnh Cam Túc, tính tới chiều 19/12, ít nhất 105 người tại địa phương này đã thiệt mạng và gần 400 người khác bị thương trong trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra tại huyện Tích Thạch Sơn. Nhà chức trách tỉnh Thanh Hải lân cận báo cáo, 13 nạn nhân đã thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng vì trận động đất lên 118 người.
Theo các chuyên gia, trận động đất ở Cam Túc có sức tàn phá nặng nề hơn so với những trận động đất cùng cường độ là do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, địa điểm xảy ra động đất nằm ở nơi chịu sự chi phối bởi các đới đứt gãy. Đây là một trận động đất thuộc kiểu đứt gãy ngược điển hình và có sức tàn phá rất lớn.
Thứ hai, động đất thường gây ra các vụ lở đất, lở núi và khu vực diễn ra động đất vốn là nơi dễ xảy ra các thảm họa địa chất.
Thứ ba, trận động đất xảy ra vào giữa mùa đông, nhiệt độ thấp nhất ở Tích Thạch Sơn là -14 độ C khiến cho việc giải cứu những người bị mắc kẹt vô cùng khó khăn.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra dư chấn mạnh tại Cam Túc
Trước đó, cách trận động đất lần này khoảng 72km, từng xảy ra một trận động đất mạnh 6,7 độ vào năm 1936. Kể từ năm 1900, 7 trận động đất có cường độ từ 5 độ trở lên đã xảy ra trong phạm vi 100 km của trận động đất. Gần đây nhất là trận động đất 5,7 độ ghi nhận hồi cuối tháng 10/2019.
Quan chức địa phương cho biết vẫn có khả năng xảy ra dư chấn mạnh tại khu vực xảy ra động đất: "Dựa trên các đặc tính như cấu trúc khu vực, hoạt động địa chấn lịch sử và loại chuỗi động đất của trận động đất này, phân tích tổng hợp cho thấy, khu vực xảy ra động đất vẫn có khả năng xảy ra dư chấn mạnh 5 độ trong những ngày gần đây."
Đời sống & Pháp luật