MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm tài chính Hồng Kông và Singapore "gánh bão" từ Trung Quốc

17-07-2016 - 18:01 PM | Tài chính quốc tế

Hai thành phố này có cùng những vấn đề tương tự nhau. Các ngân hàng ngày càng gặp khó trong việc tạo ra lợi nhuận, thị trường lao động cũng như hoạt động giao dịch chứng khoán kém sôi động.

Sau khi Hai trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á là Hồng KôngSingapore đang đối mặt với những khó khăn ngày càng dâng cao trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và ngành tài chính toàn cầu ảm đạm.

Theo các số liệu mới nhất, nền kinh tế Hồng Kông đã bất ngờ suy giảm trong quý I, bị đè nặng bởi doanh số bán lẻ giảm sút và thị trường bất động sản yếu ớt nhất trong 25 năm. Trong cùng kỳ, Singapore chỉ ghi nhận mức tăng trưởng hết sức khiêm tốn do bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu èo uột và ngành dịch vụ tài chính suy yếu.


Ngành dịch vụ của Singapore suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 - 09

Ngành dịch vụ của Singapore suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 - 09

Hai thành phố này có cùng những vấn đề tương tự nhau. Các ngân hàng ngày càng gặp khó trong việc tạo ra lợi nhuận, thị trường lao động cũng như hoạt động giao dịch chứng khoán kém sôi động. Dòng chảy vốn giờ đây không thể trông chờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay các nhà đầu tư Trung Quốc được nữa.

Mặc dù trong quá khứ cả Singapore và Hồng Kông đều đã trải qua những thời kỳ còn gian khó hơn bây giờ và họ đã xây dựng được thế mạnh ở một số ngành khác (như du lịch), dường như thời kỳ tăng trưởng bằng ngành tài chính đã bị bỏ lại phía sau.

Hồi tháng 1, khi ngân hàng Barclays thông báo đóng cửa bộ phận kinh doanh cổ phiếu ở châu Á, đó chỉ là khởi đầu của một loạt động thái ảnh hưởng không nhỏ đến Singapore và Hồng Kông trong suốt 6 tháng đầu năm 2016.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này chỉ cần nhìn vào những con số. Kể từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày tổng số cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông đạt khối lượng 67 tỷ đôla Hồng Kông (tương đương 8,6 tỷ USD), giảm 46% so với con số 123 tỷ đôla Hồng Kông của cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cộng các vụ IPO huy động được 5,6 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với con số 14,4 tỷ USD của năm ngoái. Đây là 6 tháng đầu năm tệ nhất kể từ năm 2013.

Singapore – trung tâm của các thương vụ ở Đông Nam Á – cũng chứng kiến điều tương tự. Tổng giá trị các vụ M&A có sự tham gia của các doanh nghiệp Đông Nam Á đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 64,9 tỷ USD. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày trên sàn chứng khoán Singapore vào khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 6% so với năm ngoái.

Andrew Sheng – chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu châu Á toàn cầu có trụ sở ở Hồng Kông – cho rằng với vị thế là các trung tâm tài chính, cả hai đều không thể thoát khỏi những tác động địa chính trị cũng như kinh tế từ Trung Quốc.


Tăng trưởng GDP của Hồng Kông và Singapore đi theo con đường giống nhau

Tăng trưởng GDP của Hồng Kông và Singapore đi theo con đường giống nhau

Trong báo cáo vừa được công bố tuần này, hãng tư vấn McKinsey cũng nhận định kinh tế Trung Quốc giảm tốc là một “cơn bão hoàn hảo” mà các ngân hàng ở châu Á Thái Bình Dương phải đối mặt, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Từng là lực đẩy cho các ngân hàng trong khu vực trong suốt 10 năm qua, không có gì khó hiểu khi sức khỏe kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Đã qua rồi cái thời mà các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hồ hởi tận dụng sự phát triển của ngành tài chính ở Hồng Kông và Singapore để phát hành hàng tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu cũng như tạo nên cơn sốt du lịch và mua sắm hàng hóa xa xỉ.

Hồng Kông và Singapore đã hưởng lợi từ những năm tháng ấy. Singapore là “nhà” của hơn 1.200 định chế tài chính đủ loại, từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm đến các tập đoàn tài chính. Ngành tài chính tạo ra việc làm cho khoảng 5% lực lượng lao động. Tài chính và bảo hiểm là ngành lớn thứ 4 trong nền kinh tế Singapore, đóng góp khoảng 13% GDP năm 2015.

Trong khi đó tài chính là ngành lớn thứ hai ở Hồng Kông, chiếm 16,6% GDP năm 2014 và tạo ra việc làm cho 6,3% lực lượng lao động. Hồng Kông là nơi đặt trụ sở của 156 ngân hàng.

Nền kinh tế Hồng Kông và Singapore không phải là không có những điểm sáng. Ngành du lịch của Singapore đang thu hút nhiều khách Trung Quốc tới đánh bạc ở những khu nghỉ dưỡng casino hạng sang. Credit Suisse ước tính lượng khách đến Singapore trong năm nay sẽ tăng trưởng 8,5% so với năm ngoái, lên 16,5 triệu.

Còn Hồng Kông vẫn là cửa ngõ để các công ty Trung Quốc huy động vốn và vẫn là lựa chọn để giới nhà giàu châu Á tìm đến nhằm cất trữ và đầu tư tài sản.

Dẫu vậy, cái bóng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bao phủ Hồng Kông và Singapore là quá lớn.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên