MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế

Trao đổi với Trí thức trẻ bên lề Lễ khai trương Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa của BV Đa khoa TƯ Huế sử dụng công nghệ Viettel Telehealth, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế đã chia sẻ các mục tiêu liên quan đến việc hoàn thiện hệ sinh thái thông minh của tỉnh.

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Sau hơn một năm triển khai Trung tâm giám sát và điều hành thông minh, theo ông, tiêu chí nào là quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả?

Để Trung tâm này hoạt động hiệu quả, quan trọng là nhận thức của các cấp chính quyền trong việc xây dựng, triển khai các dịch vụ đô thị thông minh. Trên cơ sở hiệu quả và sự tham gia tích cực của người dân trong quá trình vận hành các ứng dụng.

Chính quyền phải nhận thức rằng, muốn hình thành, muốn khai thác tốt các dịch vụ đô thị thông minh thì phải hướng tới người dân, hướng tới những gì người dân đang cần nhất để xây dựng. Đó là một trong những vấn đề về nhận thức.

Rõ ràng, nhận thức về nhu cầu người dân và xây dựng đô thị thông minh thì không phải có thật nhiều tiền thì mới làm được. Quan trọng là chọn ra những mô hình phù hợp với đặc điểm của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Huế là một trong những địa phương đưa ra khái niệm mới. Người ta nói đề án xây dựng Đô thị thông minh, nhưng tôi nói tôi triển khai các Dịch vụ Đô thị thông minh. Vì bản chất Thừa Thiên Huế là một tỉnh chứ đâu phải đô thị? Phải đi vào bản chất chứ nói Đô thị thông minh thì những người ở vùng nông thôn sẽ cảm thấy bị "ngoài cuộc".

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Sự tham gia của người dân vào các dịch vụ chính là thước đo của hệ thống. Dịch vụ đô thị thông minh phải phát triển trên nền tảng hệ thống chính quyền thực sự thông minh để tham gia cùng người dân trong hệ thống dịch vụ đô thị thông minh.

Để đánh giá hiệu quả thì phải tạo được lòng tin của người dân thông qua tần suất tham gia dịch vụ. Chất lượng dịch vụ quyết định nhu cầu phát sinh. Người dân không tin tưởng thì họ không tham gia, như vậy là thất bại. Muốn người dân có lòng tin thì dịch vụ đó phải phục vụ trực tiếp cho người dân. Chính quyền phải tham gia vào việc xử lý dịch vụ của người dân, phải sẵn sàng.

Ông từng nhận định, việc triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh trải qua 3 giai đoạn: Một là giai đoạn vận động, động viên; hai là giai đoạn chế tài; và ba là trở thành nhu cầu cấp thiết của Thừa Thiên Huế. Vậy đến nay, sử dụng các dịch vụ/ ứng dụng đô thị thông minh trong mắt người Huế đã trở thành nhu cầu thông thường, hay trở thành thói quen hay chưa?

Một trong những dịch vụ nổi trội nhất là dịch vụ phản ánh thị trường. Hiện nay, tỷ lệ người dân hài lòng là trên 83%. Mỗi ngày có hàng trăm kiến nghị, phản ánh của người dân đến các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan.

Quan điểm của Huế là biến kiến nghị người dân trở thành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh trong việc quản lý.

Việc xử lý kiến nghị người dân đã được Thủ tướng quy định rồi. Nhưng do nhiều quan điểm nên nhiều khi kiến nghị của người dân không được các cấp, các cơ quan nhà nước trả lời một cách thấu đáo, kịp thời. Thừa Thiên Huế sẽ biến ý kiến bức xúc của người dân thành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh. Và khi trở thành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh rồi, các cơ quan sẽ phải giám sát và chấp hành trả lời nghiêm túc.

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Quá trình xử lý kiến nghị người dân được làm theo quy trình chặt chẽ, thông qua cả IOC (Trung tâm giám sát, điều hành thông minh) và giám sát của Chủ tịch tỉnh.

Điều gì khiến các dự án 4.0 triển khai ở Huế nhanh như vậy trong thời gian gần đây?

Công nghệ thông tin hiện nay đã trở thành một trong các yêu cầu tất yếu của mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có quản lý. Việc xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng mà Thừa Thiên Huế phải vừa tiếp tục hoàn thiện.

Việc xây dựng chính quyền điện tử mang lại một hình ảnh mới của chính quyền, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, tạo niềm tin của người dân trong việc công khai minh bạch hoạt động quản lý của chính quyền.

Chính quyền điện tử đã tạo ra động lực mới để phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa trong việc ứng dụng công nghệ nền tảng của 4.0 như IoT, Blockchain, Bigdata… để nâng cao hiệu quả trong quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 4.

Dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại ở ngay Đà Nẵng – TP giáp ranh với Thừa Thiên Huế, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh đã hỗ trợ việc kiểm soát dịch ra sao?

Phải nói rằng trong đợt dịch vừa rồi, Trung tâm giám sát điều hành thông minh đã phát huy hiệu quả rất cao.

Thứ nhất là hệ thống camera giám sát phương tiện giao thông trên địa bàn. Thứ hai là việc khai báo y tế trên hệ thống công nghệ thông tin được triển khai một cách đồng bộ, Trung tâm đã tập hợp được cơ sở dữ liệu từ khai báo y tế của người dân khi đến Thừa Thiên Huế. Thứ ba là việc phản ánh những vi phạm liên quan đến phòng chống dịch thông qua hệ thống phản ánh thị trường cũng đã được người dân làm tốt.

Rõ ràng, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh đã trở thành tai mắt của nhân dân, của chính quyền, trong việc giám sát thực hiện các quy định liên quan đến phòng chống dịch.

Là địa phương đi đầu về chính quyền điện tử, việc tiếp tục là tỉnh đầu tiên ở miền Trung có Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa gì đối với Thừa Thiên Huế?

Trong giai đoạn mới, với bối cảnh vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, triển khai Trung có Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa là hoàn toàn phù hợp.

Trung tâm này sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc đảm bảo các phương pháp phòng dịch, khám chữa bệnh từ xa, hạn chế tiếp xúc gần, đặc biệt là đối với đối tượng yếu thế. Triển khai khám chữa bệnh từ xa là vô cùng quan trọng, giải quyết những vấn đề liên quan đến "phân luồng" trong khám chữa bệnh để hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 5.

Thứ hai, khám chữa bệnh từ xa cũng giúp cho cán bộ y tế cấp cơ sở có thể tiếp cận tốt hơn với sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành cấp Trung ương. Đặc biệt là các bác sĩ ở vùng sâu vùng xa có cơ hội trau dồi và bồi dưỡng kiến thức tốt hơn.

Rõ ràng việc triển khai khám chữa bệnh không tiếp xúc sẽ phối hợp với hệ thống chính quyền để hướng tới mục tiêu quan trọng "4 không" của tỉnh: Làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục hành chính không gặp và thanh toán không sử dụng tiền mặt.

BV Trung ương Huế là bệnh viên đầu tiên ở miền Trung áp dụng công nghệ Telehealth nhưng Thừa Thiên Huế trước đây không phải là đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ trong ngành y tế. Phải chăng dịch Covid-19 cũng là một tác nhân thúc đẩy mạnh việc triển khai dự án này hay yếu tố nào khác?

Việc triển khai ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Huế. Ngành y tế cũng là một trong những đối tượng của nhiệm vụ này. Bản thân nền tảng của chính quyền điện tử có phần quan trọng trong việc kích thích phát huy, khởi động, hòa nhập vào trong hệ sinh thái dịch vụ thông minh của tỉnh.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật trong mùa dịch là tất yếu, trên nền tảng Huế đã có hệ thống tốt. Dịch bệnh đặt ra những nhu cầu thực tế về khám chữa bệnh nên ngành y tế tự vận động cứu mình.

Đội ngũ ngành y tế có đầy đủ kiến thức chuyên môn cũng như công nghệ thông tin để áp dụng các giải pháp và hòa nhập vào hệ thống thông minh của tỉnh.

Hiện nay, BV Đa khoa TƯ Huế cũng đang triển khai rất nhiều giải pháp để quản lý bệnh viện, trong đó có việc tích hợp các dữ liệu liên quan đến khám chữa bệnh. Một bước triển khai nữa là khám bệnh từ xa, theo tôi, đây cũng là yếu tố quan trọng hình thành nên đô thị thông minh, hoàn thiện hệ sinh thái thông minh của Thừa Thiên Huế.

Tôi rất kỳ vọng với quyết tâm, tay nghề cũng như những ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua của Thừa Thiên Huế, chúng tôi có thể hình thành mô hình bệnh viện thông minh, không chỉ cho Huế mà là trên phạm vi quốc gia.

Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên của miền Trung và mục tiêu “4 không” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 6.

Khi xây dựng các dự án với các giải pháp thông minh tại Huế, ông từng nhấn mạnh: công nghệ chỉ đến sau việc các đơn vị như UBND tỉnh phải thay đổi trước, có quy trình hợp lý trước. Vậy vai trò của công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ y tế từ xa mới khai trương thì sao?

Thực tế, kể cả trong ứng dụng CNTT vào y tế với công nghệ Telehealth thì cũng giống vậy thôi: con người phải sẵn sàng thay đổi trước. Khi triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh hay Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa ở Thừa Thiên Huế, những đơn vị ứng dụng CNTT phải có thay đổi trước khi đối tác công nghệ là Tập đoàn Viettel vào triển khai các giải pháp thông minh.

Tất nhiên, với một đơn vị mạnh của quốc gia, và có kinh nghiệm nghiên cứu triển khai nhiều ứng dụng CNTT tầm quốc gia, quốc tế thì các giải pháp của họ sẽ hiệu quả và thực tế cao, đồng thời cũng đảm bảo được tính đồng bộ hệ sinh thái thông minh của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, không chỉ có mình Viettel tham gia. Huế cũng chào đón tất cả các tập đoàn lớn của đất nước để sớm hoàn thiện hệ sinh thái thông minh của tỉnh.

Cảm ơn ông!


Hoàng An/ Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên