Trúng thầu 150.000 tấn gạo không tác động đến thị trường lúa gạo
Theo Bộ NN&PTNT: Khác với những lần trước, việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines mới đây không có chút tác động nào đến thị trường lúa gạo trong nước.
- 12-07-2016Thị trường lúa gạo trầm lắng
- 23-06-2016Giá lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tăng trở lại
- 17-06-2016Hạn mặn kỷ lục có đủ sức giữ giá lúa gạo cả năm?
Giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 9. Nguyên nhân được cho là lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ hiện tại. Trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực ĐBSCL đã bắt đầu vào vụ ở một số nơi khiến giá giảm do cung cao hơn cầu.
Tính chung 9 tháng đầu năm, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến giảm mạnh, với mức giảm từ 400 - 800 đ/kg. Cụ thể: lúa IR50404 tại An Giang giảm từ 4.800 đ/kg xuống còn 4.400 đ/kg; lúa IR50404 tại Vĩnh Long giảm từ 4.800 đ/kg xuống còn 4.300 đ/kg. Lúa tươi tại Bạc Liêu giảm từ khoảng 4.800 – 5.000 đ/kg xuống còn 4.200 – 4.300 đ/kg. Các loại lúa chất lượng cao như OM 2514, OM 1490 giảm từ 5.000 đ/kg xuống còn 4.700 – 4.800 đ/kg.
Về xuất khẩu, tính tới hết tháng 9, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 449 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với 35,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,18 triệu tấn và 538 triệu USD, giảm 21,4% về khối lượng và giảm 12,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Sau Trung Quốc, Gana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với 11% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh là Philippines (67,4%), Malaysia (43,3%), Singapore (35,7%), Bờ Biển Ngà (25,3%) và Đài Loan (14,1%).
Báo hải quan