Trước Gilimex, loạt DN dệt may lớn của Việt Nam đối mặt rủi ro mất hàng trăm tỷ đồng vì phụ thuộc vào đối tác nước ngoài
May Sông Hồng (MSH) và Dệt may Thành Công (TCM) cũng từng đối mặt với hoàn cảnh tương tự khi đối tác xuất khẩu lớn phá sản.
- 15-12-2022Nhân viên ngừng việc tập thể, giám đốc Co.opmart Biên Hòa bị thay lập tức
- 15-12-2022Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022: C.P Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, một "ông lớn" từ Hà Lan bứt phá ấn tượng còn Dabaco đuối sức
- 15-12-2022Lỗ 9 tháng vì đầu tư chứng khoán, Licogi 14 (L14) bất ngờ muốn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào những ngày cuối năm
Gần đây, tờ Bloomberg đưa tin công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh – GILIMEX (mã chứng khoán: GIL) kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Gilimex cho biết vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó
Từ năm 2014 đến nay, GIL đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa bằng thép và vải dùng để chứa hàng hóa trong kho của Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy.
Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.
Do doanh thu bán hàng cho Amazon chiếm tỷ trọng lớn nên khi Amazon giảm nhu cầu đột ngột, kết quả đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý 3/2022 của GIL, doanh thu công ty giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý III mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Một đối tác gia công cho Gilimex là Garmex Sài Gòn (GMC) cũng bị liên đới và doanh thu từ hàng trăm tỷ xuống vỏn vẹn 11 tỷ trong quý 3/2022.
Trước GIL, May Sông Hồng (MSH) và Dệt may Thành Công (TCM) cũng từng đối mặt với hoàn cảnh tương tự khi đối tác xuất khẩu lớn phá sản.
Đối với MSH, vào ngày 13/7/2020, RTW Retailwinds Inc. - Công ty mẹ của New York & Company - đối tác lớn nhất của công ty thời điểm đó đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên cơ quan chức năng của Hoa Kỳ do mất khả nănh thanh toán.
Được biết, doanh thu của New York & Co chiếm khoảng 13% tổng doanh thu MSH năm 2019, khoảng 575 tỷ đồng. Công ty thực hiện bán hàng theo các đơn đặt hàng từ New York & Company (bên mua) thông qua một đối tác của bên mua là Easy Fashion Macao Offshore Limittes (Easy Fashion). Theo thoả thuận giữa MSH và bên mua, việc thanh toán các khoản công nợ liên quan đến các giao dịch bán hàng cho bên mua sẽ thực hiện thông qua Easy Fashion. Thời hạn thanh toán đối với các khoản công nợ này là 90 ngày.
Tại ngày 31/12/2020, số dư phải thu của Công ty từ các giao dịch bán hàng cho New York & Company là 218 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64,5 tỷ đồng, MSH phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 153,5 tỷ đồng. Đến quý 2/2021, MSH đã bán khoản phải thu trên với giá trị thu hồi là 80 tỷ đồng.
Vào khoảng cuối năm 2018, Dệt may Thành Công (TCM) cũng đối mặt với sự cố đối tác lớn tại Mỹ là Sears Holdings đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cùng với việc xin bảo hộ phá sản của Sears là 49 công ty con bao gồm hai công ty là Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang có giao dịch mua hàng với TCM.
Ước tính lúc bấy giờ của TCM, 2 công ty này đóng góp khoảng 7% doanh thu TCM, tương đương với con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, khoản phải thu của TCM từ Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation là hơn 100 tỷ đồng, trong đó, công ty đã trích lập dự phòng khoảng 79 tỷ đồng. Cho đến hiện nay, TCM vẫn chưa thu hồi được khoản phải thu trên và nâng trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi lên hơn 99 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường