Trước khi xử án, gia đình cựu chủ tịch GP.Bank đã khắc phục được hơn 860 tỷ đồng
Gia đình của cựu chủ tịch GP.Bank đã khắc phục được 864 tỷ đồng còn gia đình của cựu Tổng giám đốc ngân hàng này khắc phục được 84 tỷ.
- 29-10-2017Chuyển nhượng ngân hàng 0 đồng với giá nào là hợp lý?
- 11-10-2017Mua ngân hàng 0 đồng theo hướng mới
- 15-06-2017Kiểm soát chặt các ngân hàng 0 đồng, xử lý dứt điểm 12 dự án lớn thua lỗ
Ngày 9/11/2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 4.758 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank), nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu trực thuộc 100% vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tại phiên xét xử đầu tiên, một số luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ hoặc có thêm thời gian thu xếp khắc phục hậu quả cho GPBank. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa theo những đề nghị trên đồng thời nhằm triệu tập một số người liên quan tới tham dự.
Theo cáo trạng, GPBank có vốn điều lệ tại thời điểm năm 2014 là 3.018 tỷ đồng, trong đó, Tạ Bá Long (cựu Chủ tịch HĐQT GPBank) và nhóm liên quan sở hữu gần 35% vốn, ứng với hơn 1.056 tỷ đồng. Bị cáo Đoàn Văn An (SN 1958, cựu Phó Chủ tịch GPBank) và nhóm liên quan sở hữu hơn 55% vốn, ứng với gần 1.670 tỷ đồng.
Long cùng vợ, con gái và con rể là Hoàng Công Hợp lập ra Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thành Trung vốn điều lệ hơn 202 tỷ đồng. Công ty Thành Trung là cổ đông góp hơn 58% cổ phần tại Công ty Thủ Đô - đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower tại số 109, Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Bị cáo Đoàn Văn An và em vợ sở hữu 75% cổ phần tại Công ty Sao Bắc. Ngoài ra, bị cáo An còn sở hữu Công ty cổ phần Sân golf Ngôi sao Chí Linh và là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đại Lải.
Từ năm 2009 đến 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ GP.Bank và chi cá nhân, Long và An đã dùng Công ty Thành Trung, Công ty TNHH Đại Lải và Công ty cổ phần Sân gôn Ngôi sao Chí Linh phát hành 3.380 trái phiếu, bán cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) được 3.380 tỷ đồng.
Số tiền trên, Long và An dùng 2.611 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ GP.Bank lên 3.018 tỷ đồng; chi 512 tỷ đồng trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu và chi 255 tỷ đồng cho hoạt động của ba công ty: Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh. Sau đó, do không có tiền trả cho EVNFinance nên Long và An đã thống nhất rút tiền của GP.Bank để trả nợ trái phiếu.
Năm 2011, Long ký hợp đồng với Hoàng Công Hợp thỏa thuận GP.Bank mua 58% diện tích tại tòa nhà Capital Tower từ Công ty Thành Trung với giá 2.200 tỷ đồng. Hành vi này là trái quy định bởi Công ty Thành Trung chưa được Công ty Thủ Đô chia cho diện tích sử dụng ứng với 58% cổ phần. Tiếp đó, Long ký hợp đồng với Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc xây dựng kinh doanh dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc.
Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng Giám đốc GP.Bank đã ký ủy nhiệm chi và lệnh chuyển số tiền 1.700 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc.
Từ hai hợp đồng trên, GP.Bank đã chuyển 3.900 tỷ đồng cho Long và An. Hai bị cáo này đã dùng 3.793 tỷ đồng để mua lại 3.380 trái phiếu trước hạn và trả lãi số trái phiếu này. Công ty Thành Trung sử dụng gần 3 tỷ đồng. An chi dùng cá nhân hơn 103 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án là ngày 13/7/2015, Công ty Thành Trung và Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc nợ GP.Bank gần 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi, không có khả năng thanh toán.
Trước khi phiên toà diễn ra, gia đình Long đã khắc phục được cho GP.Bank số tiền hơn 864 tỷ đồng trong số 1.389 tỷ đồng bị cáo phải chịu trách nhiệm. Gia đình An khắc phục được gần 84 tỷ đồng trong số 2.510 tỷ đồng An gây thất thoát. Ngoài ra, theo kết luận giám định, hai bị cáo Long và An phải liên đới trả cho GP.Bank 858 tỷ đồng tiền lãi.
Trước đó, ngày 17/7/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam với ông Tạ Bá Long và Đoàn Văn An về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Ngày 18/3/2016, cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên tổng giám GP.Bank cũng về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng quyết định này còn có 3 người khác là Nguyễn Anh Dung, nguyên kế toán trưởng GP Bank; Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH - CN Sao Bắc (Công ty Sao Bắc) và Hoàng Công Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DTXD - PTHT Thành Trung (Công ty Thành Trung) cũng bị khởi tố.
Trong đó, ông Phạm Quyết Thắng và Nguyễn Ngọc Nam bị bắt tạm giam, ông Hợp và Dung bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Nhưng sau đó, Hợp được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương xác định mắc bệnh nên Viện KSND tối cao ra quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Năm 2012, qua thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hiện Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.
Trong hơn 3 năm qua, NHNN đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP.Bank tìm kiếm đối tác, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình NHNN xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Đề án 254.
Tuy nhiên, GP.Bank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.
Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân, NHNN quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Căn cứ kết quả kiểm toán và định giá độc lập, NHNN đã yêu cầu GP.Bank tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ , đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định.
Tuy nhiên 3 lần tổ chức ĐHCĐ bất thường của GP.Bank đã không thành công, ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ đảm bảo giá trị thực của vốn không thấp hơn vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN.
Căn cứ quy định của Luật TCTD và quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã ban hành Quyết định 1304/QĐ-NHNN ngày 7/7/2015 mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GP.Bank với giá 0 đồng/cổ phần.