Trước tuổi 50, có 4 điều nhất định phải thay đổi để tuổi già không còn là nỗi ám ảnh: Sống nhàn nhã hay chật vật nửa đời sau, tất cả đều tự mình quyết định
Không ít người từng nghe câu nói có phần “sáo rỗng” này về việc già đi: “Tuổi tác chỉ là một con số”. Câu nói này cũng không hẳn là sai, bởi vì ở một mức độ nào đó, bạn có thể trì hoãn tác động của thời gian. Nhưng cuối cùng, ai rồi cũng sẽ phải chạm ngưỡng tuổi già.
- 19-08-202010 bí kíp sinh tồn siêu cần thiết, giúp bạn sống sót trong những tình huống bất ngờ nhất trên đời
- 19-08-2020Bí mật trường thọ của người dân Abkhazia: Cuộc sống về già “vui, khỏe, có ích” nhờ văn hóa đặc biệt này
- 19-08-2020Tại sao cùng mắc bệnh ung thư, có người sống được hàng chục năm, có người lại ra đi sau vài tháng? Hóa ra phụ thuộc vào 4 yếu tố này!
Ở tuổi 49, có người vẫn rất khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng và tập thể dục đều đặn, thậm chí còn trông trẻ hơn tuổi thật. Thế nhưng, chỉ một khoảnh khắc cảm thấy mệt mỏi và đau lưng khi nhấc vật nặng lên cũng đủ để chúng ta cảm thấy phiền lòng. Tuổi tác có thể chỉ là một con số, nhưng tác động của nó lên cơ thể chúng ta là hoàn toàn có thật.
Sự xuống dốc của cơ thể - đó chính là hiện thực phũ phàng của tuổi già khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta luôn bị ám ảnh bởi cái chết và cảm giác mình đã lãng phí những năm tháng quý giá để theo đuổi những khát khao phù phiếm.
Để không còn sợ hãi tuổi già đang ngày càng đến gần, bạn cần tìm kiếm một tư duy mới - một tư duy cho phép bạn cải thiện cuộc sống của mình theo 4 hướng khác nhau.
Phát triển tư duy thử nghiệm
Không phải ai cũng thuộc kiểu người ưa mạo hiểm khám phá; điều này vô tình làm cản trở tiềm năng phát triển của chúng ta. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bù đắp bằng cách phát triển tư duy thử nghiệm.
Hãy xác định xem đâu là điều bạn muốn sửa chữa trong cuộc đời này: nỗi sợ, kỹ năng, các mối quan hệ, các thách thức trong cuộc sống. Sau đó, thử tìm vài giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Mỗi giải pháp này tương tự như một thử nghiệm nhỏ.
Bạn sẽ phân tích từng thử nghiệm nhỏ này, ghi chép lại các quan sát của mình như một nhà khoa học thực thụ. Nếu nó đem lại những kết quả thực sự giá trị, hãy áp dụng vào trong cuộc sống về lâu dài.
Bạn có thể tự nảy ra ý tưởng của riêng mình, học mượn những giải pháp đã có sẵn. Đừng ngại thử thách bản thân với các hoạt động, tư duy, bài tập tinh thần hay thói quen. Một số lối sống và phương pháp nổi tiếng mà bạn có thể áp dụng để thay đổi cuộc sống mình là nhịn ăn gián đoạn, kỹ thuật “định hình cuộc sống trong 25 năm” (25-year-reframe), nguyên tắc vàng của các mối quan hệ…
Thay đổi tư duy có thể giúp bạn cải thiện tinh thần, các mối quan hệ và tình trạng tài chính của mình. Trong số những lần thử ấy, không phải lúc nào bạn cũng sẽ thành công. Tuy nhiên, điều đó cũng không sao cả, bởi thử nghiệm là một điều thú vị và thất bại sẽ là bàn đạp cho những ý tưởng mới đưa bạn tới thành công.
Thực hiện những cam kết trọn đời
Đôi khi, chúng ta chấp nhận sống một cuộc đời bị chi phối bởi hoàn cảnh và những người xung quanh. Chúng ta cảm thấy dễ dàng hơn khi bị cuộc sống cuốn đi, thay vì tìm cách làm chủ nó.
Sẽ có lúc bạn muốn nổi loạn, bằng cách bỏ việc, bán hết tài sản và đi du lịch vòng quanh thế giới. Tuy nhiên, viễn cảnh đó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực, bởi bạn còn trách nhiệm với gia đình và gánh nặng cơm áo gạo tiền mỗi tháng.
Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ giấc mơ của mình. Hãy thử cam kết trọn đời với những sở thích nhỏ bé, chẳng hạn như viết lách hay chơi piano.
Hầu hết mọi người khi theo đuổi đam mê đều chỉ muốn thử một chút. “Tôi sẽ thử xem trong vòng 60 ngày. Tôi sẽ tiếp tục làm chừng nào nó còn vui.” Càng nghĩ như vậy, bạn lại càng dễ bỏ cuộc thường xuyên hơn.
Đam mê không thể tính bằng tháng mà phải mất nhiều năm để hoàn thành. Ban đầu, bạn sẽ trải qua những cảm giác vô cùng tuyệt vời, nhưng rồi sau đó, bạn sẽ chật vật từng ngày mỗi khi đam mê bị ngưng trệ hay thụt lùi.
Nếu cứ bỏ cuộc mỗi khi cuộc vui dừng lại hay khó khăn ập tới, bạn sẽ sống một cuộc đời nhảy từ thử thách này sang thử thách khác, tự an ủi bản thân rằng mình chỉ đang bỏ qua những thứ không đem lại hạnh phúc. Nếu cứ sống với thái độ đó, bạn sẽ chạm ngưỡng 50 tuổi trong nỗi tiếc nuối những cơ hội đã qua, tự trách bản thân vì đã bỏ lỡ những tháng năm quý giá để tồn tại thay vì sống.
Cam kết trọn đời sẽ giúp bạn giảm thiểu gánh nặng do các mục tiêu không thực tế đem lại. Bạn có thể thoải mái phát triển bản thân thay vì căng thẳng vì không đạt được thành công mà mình mong muốn.
Phát triển các kỹ năng vì mục đích lâu dài
Ở tuổi nào thì tiền bạc cũng là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, ở tuổi con 50, con người thường cảm thấy sợ hãi. Những kỹ năng chuyên môn cao mà chúng ta sở hữu có giá trị với người chủ hiện tại, nhưng là vô dụng đối với các công ty khác.
Những nhân viên ở tuổi trung niên hiểu rằng họ không còn thích nghi với thời cuộc, do đó họ cố gắng bám trụ vào vị trí hiện tại một cách tuyệt vọng, hy vọng sẽ tồn tại yên ổn cho tới ngày về hưu. Không sở hữu kỹ năng có lợi nào khác, họ buộc phải nhún nhường.
Vì thế, hãy học thêm một kỹ năng mới - một thứ khác so với công việc thường nhật của bạn. Điều này sẽ đảm bảo bạn có thể kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính của mình. Bạn đừng chờ tới lúc rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng mới bắt đầu phát triển kỹ năng mới, mà cần bắt đầu tạo cho mình một nguồn thu nhập mới sớm nhất có thể.
Khả năng kiếm tiền mà không phụ thuộc vào người khác sẽ quyết định những năm tháng sau này bạn sống một đời thoải mái hay khó khăn.
Kiên nhẫn và khẩn trương đúng lúc
Suốt những năm 20 tuổi, chúng ta quá bận rộn với những ham muốn bồng bột của tuổi trẻ: thăng chức, kiếm tiền, yêu đương và tiệc tùng.
Đối với những việc như xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc, phát triển kỹ năng cá nhân, mở rộng thế giới quan, chúng ta lại chờ đợi quá kiên nhẫn. Chúng ta cứ tự nhủ: “Mình còn rất nhiều thời gian mà!”
Nếu đủ may mắn, bạn sẽ vẫn còn thời gian để làm những việc có ích. Tuy nhiên, những năm tháng mà bạn bỏ ra để theo đuổi hết mục tiêu này đến mục tiêu kia, chạy theo con tim thay vì xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển bản thân và sống một đời hạnh phúc, đều là một sự lãng phí không nhỏ.
Để rồi khi chạm ngưỡng 50 tuổi, bạn mới bàng hoàng thốt lên: “Mình đã kiên nhẫn với những thứ nhẽ ra nên làm khẩn trương. Tệ hơn nữa, mình đã để tính bốc đồng chi phối, quyết định thứ gì nên làm khẩn trương”.
Bạn cần phải học cách kiên nhẫn khi đối mặt với những khao khát và sự bốc đồng của mình. Ngoài ra, đừng quên ưu tiên phát triển bản thân, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tài chính và xây dựng các mối quan hệ một cách khẩn trương. Khi cảm thấy vững chắc về mọi mặt, tuổi 50 sẽ không còn trở nên đáng sợ nữa.
(Theo Medium)