Trưởng bộ phận nguồn nhân lực Masan chia sẻ cách ứng xử sao cho nhân viên dù phải nghỉ việc hay bị cắt giảm lương cũng không thấy ấm ức
"Con người là tài sản quý của doanh nghiệp. Do đó, việc giải quyết dôi dư lao động phải là giải pháp cuối cùng, sau khi đã cân nhắc các biện pháp khác".
- 13-05-2020Navigos: Tin vui cho người thất nghiệp, gần 40% doanh nghiệp đang rục rịch tuyển nhân sự
- 08-05-2020Cơ hội vàng mùa tuyển dụng nhân sự hậu Covid-19
- 07-05-2020Tuyển dụng nhân sự: Tìm mỏ "đãi vàng" ở đâu?
Đó là chia sẻ của bà Đinh Kim Nhung, Trưởng bộ phận nguồn nhân lực, Tập đoàn Masan, trong hội thảo trực tuyến "Tái cấu trúc tổ chức và nguồn nhân lực hậu Covid-19" mới đây.
Trong phần chia sẻ của mình, bà Đinh Kim Nhung có đề cập đến các tình huống khó mà công ty gặp phải như giải quyết dôi dư lao động, cắt giảm lương cán bộ nhân viên…. Tuy nhiên, vẫn có những cách khiến doanh nghiệp và nhân viên đồng cảm, chia sẻ với nhau để người ở lại cũng thoải mái và người phải ra đi cũng không ấm ức, có ấn tượng xấu với nơi họ từng gắn bó.
Cắt giảm nhân sự, lương là giải pháp sau cùng
Bà Đinh Kim Nhung chỉ ra các yếu tố cần làm khi công ty dư nhân sự và buộc phải chia tay nhân viên.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhìn bức tranh toàn cảnh, cân nhắc hết các biện pháp. Sau đó mới đến giải pháp cắt giảm nhân sự vì con người là tài sản quý của doanh nghiệp. "Giải quyết dôi dư lao động nên là giải pháp sau cùng, sau khi đã tính hết các giải pháp khác", bà Đinh Kim Nhung nói.
Thứ hai, doanh nghiệp cần đặt ra câu hỏi là vì sao phải giải quyết dôi dư. Chiến lược sắp tới là gì và có nhất thiết phải cắt giảm không. Các yếu tố liên quan đến pháp luật cần phải được tuân thủ chặt chẽ.
Thứ ba, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Và cách truyền thông để làm sao nhân viên có sự đồng cảm với công ty, hiểu được bức tranh toàn cảnh của công ty. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải minh bạch, nhất quán.
Một tình huống khó nữa đến với doanh nghiệp, đó là khi công ty buộc phải cắt giảm tiền lương.
Theo bà Nhung, việc cắt giảm tiền lương cũng cần cân nhắc rất kỹ tất cả các kịch bản và nên là kịch bản được xem xét muộn hơn. Thay vì cắt giảm lương thì có thể thực hiện các biện pháp khác như tạm nghỉ không lương trong thời gian ngắn hay không? Bên cạnh đó, công ty cần truyền thông để nhân sự biết được bức tranh toàn cảnh phải giảm lương, vì sao phải giảm một cách minh bạch và thống nhất đến nhân viên.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lương có lợi gì cho nhân viên, có giúp cho công ty đứng vững và ổn định về tương lai không. Khi công ty đứng vững thì có nghĩa là nhân viên cũng sẽ được hưởng lợi về dài hạn.
Khi doanh nghiệp ứng xử với nhân viên khiến họ cảm thấy "tâm phục khẩu phục" thì cắt giảm nhân sự hay giảm lương sẽ nhẹ nhàng hơn.
Thuộc về nhau, nhìn thấy mặt nhau là những từ khóa quan trọng khi làm việc từ xa
Một câu chuyện khác mà bà Kim Nhung đề cập đến đó là việc tạo động lực cho nhân viên làm việc từ xa.
Covid-19 đã làm thay đổi cách làm việc của nhiều công ty. Để thích ứng với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên làm việc từ xa. Và làm việc từ xa sẽ có thể được duy trì sau dịch trong điều kiện cho phép.
Theo bà Nhung khi nhân viên làm việc rải rác nhưng vẫn cần có sự kết nối. Do đó, các doanh nghiệp cần phải làm sao để nhân viên có cảm giác kết nối và "thuộc về nhau" để tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc đối với các nhân sự trong công ty.
Ngoài ra, công ty cũng nên tạo việc nhóm để nhân viên tương tác với nhau. "Dù không gặp trực tiếp nhưng phải phải nhìn thấy mặt nhau qua màn mình" để thấy công việc vẫn đang diễn ra, mọi người vẫn đang làm việc.
Bên cạnh đó, nhân viên làm ở nhà, không gặp trực tiếp nên việc tin cậy nhau, tạo cảm hứng công việc cho nhau là rất quan trọng. Khi nhân sự có cảm giác được tin tưởng, không theo kiểu "soi mói", nhân viên sẽ tự lên kế hoạch để hoàn thành tốt công việc của mình.