MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng thành nhờ...nhân viên tín dụng góp chợ

24-09-2017 - 21:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Cuộc sống vẫn thế, thời gian cứ trôi, sự già dặn và chai lỳ lại hiện rõ trên khuôn mặt cùng bao lời thách đố, dọa dẫm, nhưng niềm tin vẫn còn đó để chàng trai trẻ là tôi bước tiếp với nghề tín dụng...

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Phạm Ngọc Anh - trưởng phòng kinh doanh Sacombank Quảng Bình gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quangdo Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

------------------

“Con về quê làm đi, khó khăn nhưng gần nhà” đó là câu nói của mẹ khi tôi ra trường. Tốt nghiệp đại học, với hành trang của anh lính tò te trong lĩnh vực kinh tế là cuộc đời màu hồng, những ước mơ và con đường phía trước mình sẽ chinh phục hết.

Tôi cũng xin việc và chẳng khó khăn để được tuyển dụng. Hơn một năm để trải nghiệm làm trong đội ngũ tập đoàn nước ngoài, công ty tư nhân rồi thi vào công chức, nhà giáo…nhưng rồi chẳng nghề nào êm ả. Có lẽ câu mẹ nói “Về quê làm đi con” vận vào tôi thật. Thế là tạm biệt thành phố Đà Nẵng thân yêu gắn bó hơn 8 năm, tôi quyết định về quê cùng bao ước mơ mới ấp ủ sau những đắng cay từng trải trước đó.

Về quê, Ngân hàng là khái niệm mới mà trong đầu tôi có. NHNN, BIDV, Vietinbank, rồi một loạt tên các ngân hàng nữa, chỉ nghe thôi cũng thấy rất khó để hiểu…Nhưng tôi vẫn cứ nộp hồ sơ, nộp, rồi thi và sau là nhận được báo trúng tuyển. Cái tên cuối cùng đến với tôi trong sự nghiệp ở quê nhà là Sacombank.

“Sáng nay bán hàng được nhiều chứ Dì?!” - là câu hỏi và mong muốn nhận được những lời vui vẻ cho một ngày bắt đầu của Nhân viên tín dụng góp chợ như tôi khi bước vào nghề tín dụng. Cảm giác ư, rất buồn, không phải vì công việc vất vả hay khó khăn hay vì “về quê làm”, vì tốt nghiệp đại học nhưng chỉ được làm cán bộ bộ tín dụng góp chợ, mà đó là cảm giác và tâm lý của tôi. Vòng xoáy của sự luẩn quẩn, áp lực gia tăng dư nợ, thu nợ và phải luôn đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng khi cần. Tín dụng bình thường đã vất vả, làm cho vay góp chợ như tôi còn gian nan và thách thức rất nhiều. Tôi phải vượt qua những thách thức vì sự nhẫn nhịn cần có, và đôi khi là cả những ánh nhìn không mấy thiện cảm từ đồng nghiệp và xã hội đối với một nhân viên tín dụng góc chợ.

Xem thêm tất cả các bài viết dự thi

NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG

tại đây

Bước đi và cười đó là mục tiêu hướng đến sau hơn 1 năm tôi làm tín dụng chợ. Cái cảm giác ngậm ngùi khi cuối mỗi giờ chiều lấy trong túi, ví đựng tiền ra từng đồng còn lưu mùi bánh, cá, dầu…vv và “Cân quỹ, khớp số và không có tiền giả” là niềm vui trước những giấc ngủ sâu của một ngày vất vả cùng nhiều giấc mơ cho ngày mai lại đến.

Năm tháng cũng trôi đi, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng chia ly. Chia tay bà con góc phố chợ nhộn nhịp để nhớ những cảnh ý ới “cu ơi tới nhận tiền cho dì, cho chị, cho mệ để mệ về ẻo tối”; cảnh chen lấn chen qua bao dòng người những buổi chợ đông trong các dịp lễ tết; những tấp nập vồn vã để bước nhanh về trụ sở ngân hàng.. rồi phân loại đếm và đếm, rồi thở phào vì cân và đủ số…

Tôi đến với cuộc gặp mới với cái nhìn mới. Chệch choạc, cám dỗ và nghi kỵ - đó là những ánh nhìn khi làm Cán bộ tín dụng cá nhân. Những mảnh đời, gia đình đang gồng mình để đi qua năm tháng khổ cực, dồn hết sức lực và tâm huyết để cho con em thoát nghèo. Những chân trời mới lại mở ra khi dòng vốn của ngân hàng đến với thôn quê và vùng đất mới. Sự cạnh tranh, ganh đua và khắc nghiệt cũng hòa lẫn vào các dòng vốn. “Vì sao lại thêm tiền lãi” đó là câu hỏi thân quen của khách hàng khi không phải là tháng có 30 ngày mà là 31.

Khoảng cách về địa lý chỉ có ý nghĩa tương đối với chuyên viên khách hàng. Thời gian cũng chỉ là tính theo khoảng sáng tối. Từng cung đường gồ nghề cứ hiện lên trong mắt, những vùng quê mới lại hiện ra với bao ánh mắt trông chờ nguồn vốn tín dụng để thoát nghèo, thay đổi số phận và vượt lên hoàn cảnh hiện tại cùng bao nhiêu ấp ủ dự định được giãi bày. Những mánh khóe và âm mưu để chiếm dụng cũng hiện ra phảng phất đâu đó để thử thách ý chí và bản lĩnh của chuyên viên khách hàng chúng tôi.

Cuộc sống vẫn thế, thời gian cứ trôi, sự già dặn và chai lỳ lại hiện rõ trên khuôn mặt cùng bao lời thách đố, dọa dẫm, nhưng niềm tin vẫn còn đó để chàng trai trẻ là tôi bước tiếp với nghề tín dụng. Sau 3 năm làm tại Sacombank từ vị trí chuyên viên khách hàng góp chợ tôi đã trưởng thành với vị trí chuyên viên khách hàng của Phòng giao dịch Bố Trạch, mảnh đất mà tôi được sinh ra và lớn lên. Sau 2 năm làm chuyên viên khách hàng cá nhân với hơn 200 hồ sơ cá nhân nhỏ lẻ cùng bao gia đình khi bàn giao hồ sơ để nhận nhiệm vụ mới, tôi lại thấy vui trong lòng khi nơi đây đang thay da đổi thịt hàng ngày, không còn những nhà lá đơn sơ nữa thay vào đó những công trình mới, cơ sở sản xuất khang trang và có những vùng quê đã được thay đổi diện mạo với thương hiệu “Làng Seoul tại Bố Trạch- Quảng Bình”, với phần đóng góp không nhỏ của đồng vốn ngân hàng chúng tôi.

Đến hôm nay nhìn lại các vị trí đã đi qua, từ một anh tín dụng góc chợ, tôi nay đã là trưởng phòng kinh doanh của chi nhánh Quảng Bình. Bao nhiêu công việc từng trải, bao nhiêu vị trí kinh qua cùng năm tháng đã giúp tôi trưởng thành hơn, chai lỳ hơn và bản lĩnh hơn.

Dù bây giờ đã có một vị trí nhất định, nhưng trong tôi vẫn văng vẳng câu nói của vị tiền bối ngày nào “Cháu à, làm ngân hàng không dễ, nhưng cháu hãy nhớ rằng nghề chọn người, cứ nỗ lực thành công sẽ đến”. Tháng năm sẽ vẫn đi qua, con đường còn dài ở phía trước, nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình, vào sự lựa chọn của nghề ngân hàng đối với con người tôi.

Phạm Ngọc Anh - trưởng phòng kinh doanh Sacombank Quảng Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên