Truy vết thu thuế kinh doanh qua app
Việc yêu cầu sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho người bán trên nền tảng của mình sẽ tạo nên gánh nặng lên các sàn
Để thực hiện các giải pháp trong đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam" theo Quyết định 2146/QĐ-BTC năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mới đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường hiệu quả việc quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo dõi nhiều ứng dụng
Các nhóm đối tượng cụ thể cần theo dõi thường xuyên gồm: doanh nghiệp (DN) có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazone...; DN điều hành sàn giao dịch TMĐT như Sendo, Lazada, Shopee...; DN kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua các ứng dụng như Booking.com, Agoda...; DN chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; điều hành các ứng dụng (app) trung gian thanh toán như Vnpay, Airpay, NAPAS..., app trung gian vận chuyển như Grab, Now, Baemin...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Cục Thuế TP HCM cho biết đến nay, đơn vị đã thu thập được dữ liệu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thuê giao hàng có thu hộ hơn 15.000 tỉ đồng. Cục Thuế TP HCM đang xác định các tổ chức, cá nhân chưa kê khai nộp thuế để xử lý theo quy định.
Mặt khác, Cục Thuế TP HCM cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu dòng tiền của những tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple. Kết quả, đến nay, 4.784 tổ chức và cá nhân đã nhận thu nhập từ nước ngoài 48,1 triệu USD và hơn 20.000 tỉ đồng. Cơ quan thuế cũng đang rà soát thông tin của các đối tượng này và xử lý truy thu thuế nếu có.
Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng online có doanh thu rất lớn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cục Thuế TP HCM đã có văn bản đề nghị các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân có bán hàng hóa trên sàn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, lập hóa đơn hợp pháp khi bán hàng. Trường hợp các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa trên sàn TMĐT không lập hóa đơn khi bán hàng thì sàn TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp danh sách tên, địa chỉ, mã số thuế, tên, sản lượng hàng hóa, doanh số bán hàng cho cơ quan thuế.
Một cán bộ Chi cục Thuế quận 1, TP HCM cho biết để truy vết thu thuế TMĐT, đơn vị đã truy cập hệ thống quản lý TMĐT của Bộ Công Thương rồi xác định tên công ty, tên app. Từ đó, chi cục phát hiện trên địa bàn quận 1 có 7 công ty vận hành các app giao đồ ăn trên diện rộng, 5 công ty điều hành sàn TMĐT cỡ lớn. Chi cục Thuế quận 1 cũng xác định được 1.600 đơn vị trên địa bàn có trang web đăng ký kinh doanh TMĐT, tiến hành rà soát website nào có giỏ hàng để đưa vào kế hoạch chống thất thu thuế TMĐT.
Kết quả phản hồi của 2 app đặt món ăn cho thấy trong năm 2020 và 2021, có gần 10.000 cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu hơn 11.000 tỉ đồng. Riêng app Lazada có gần 4.000 cá nhân và tổ chức đăng ký bán hàng nhưng chưa cung cấp dữ liệu doanh thu của năm 2020 và 2021.
"Từ những thông tin trên, chúng tôi đã yêu cầu các đội kiểm tra thuế TMĐT xác định hình thức thanh toán và cách thức giao nhận hàng hóa, xác minh tài khoản ngân hàng của người có thu nhập từ việc bán hàng qua mạng để xác định doanh thu tính thuế, đồng thời yêu cầu các đội thuế liên phường rà soát và xử lý ngay các trường hợp chưa kê khai thuế" - cán bộ Chi cục Thuế quận 1 nêu trên cho biết.
Nguy cơ thu thuế trùng lặp
Một chuyên gia TMĐT cho rằng hiện nay, doanh thu của các DN bán hàng qua mạng được đưa vào sổ sách chung của công ty và nộp thuế như bình thường nên không có gì đáng bàn. Với các hộ kinh doanh cá thể, nhiều hộ có doanh thu lớn nhưng lại đóng thuế khoán, khi họ chuyển sang kinh doanh online cũng phát sinh những khoản thuế mới cần thu. Chỉ có cá nhân kinh doanh gần như chưa phải đóng thuế, trừ trường hợp kinh doanh quy mô lớn được ngành thuế theo dõi và đấu tranh để truy thu.
"Với cơ sở hạ tầng hiện nay, các sàn TMĐT có thể ghi nhận được những giao dịch, doanh thu của các cá nhân kinh doanh qua sàn để đóng thuế hộ. Tuy nhiên, trừ khi bị bắt buộc, các sàn TMĐT không muốn phải ôm thêm việc, nhiều sàn có tỉ lệ người bán cá nhân không đăng ký kinh doanh rất lớn. Chưa kể, cá nhân kinh doanh qua mạng cũng phải tốn nhiều chi phí như quảng cáo, khuyến mãi, phí giao dịch trả cho sàn... và giá bán cho người tiêu dùng cuối không tính thuế GTGT. Khi người bán phải đóng tất cả khoản thuế thì giá sản phẩm sẽ tăng, không còn tính cạnh tranh và nhiều người sẽ nghỉ kinh doanh" - chuyên gia này nhìn nhận.
Theo chuyên gia này, có một đầu mối mà cơ quan thuế có thể nắm thông tin chính xác là đơn vị vận chuyển vì bán hàng online bắt buộc phải qua đơn vị vận chuyển. Tại đây đều ghi nhận được doanh thu, ngay cả đơn hàng COD (giao hàng, thu tiền) 0 đồng và có thể bóc tách được đâu là đơn hàng thương mại, đâu là quà biếu. Ưu điểm của đầu mối này là xác định được cả doanh thu của người bán hàng online không qua sàn TMĐT mà qua mạng xã hội.
Trước đó, trong văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về quản lý thuế và hóa đơn, chứng từ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ lo ngại về đề xuất "nộp thuế thay cho người bán của sàn TMĐT". VCCI cho rằng quy định này có nguy cơ tạo nhiều phương pháp thu thuế trùng lặp.
Thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng TMĐT, chẳng hạn các cửa hàng ăn uống, cà phê hoặc kinh doanh lưu trú... Khi kinh doanh trên TMĐT, cá nhân sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (do sàn TMĐT khấu trừ). Đồng thời, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua khâu khảo sát của cơ quan thuế, như số khách trong một ngày của quán, số nhân viên... Việc tách riêng phần doanh thu từ kinh doanh online với doanh thu từ kinh doanh offline sẽ trở nên khó khăn do được thực hiện cùng địa điểm.
Ngoài ra, quy định này sẽ gây nên gánh nặng tuân thủ lên sàn TMĐT trong việc nộp thuế cho người bán trên nền tảng của mình. Trong khi đó, các mạng xã hội dự kiến sẽ không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ, dù số liệu khảo sát cho thấy người tiêu dùng mua sắm qua mạng xã hội tương đương với qua sàn TMĐT.
"Không rõ quy định này có áp dụng không và áp dụng như thế nào với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới? Nếu quy định này chỉ áp dụng được với các sàn TMĐT trong nước, đây có thể là một rào cản "bảo hộ ngược", gây bất bình đẳng cho DN nội địa. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của quy định này lên các nhóm đối tượng liên quan và ảnh hưởng đối với sự cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử" - VCCI kiến nghị.
Người Lao động