MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truyền thông Úc: 2019 là một năm bất ổn toàn cầu, 2020 có thể tệ hơn

The Conversation dự báo: "Các điều kiện gây ra tình trạng bất ổn toàn cầu ở mọi châu lục trong năm 2019 dường như không thuyên giảm. Thay vào đó, chúng có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại và có rất ít dấu hiệu cho thấy ngọn ngành của vấn đề đang được giải quyết.

Washington là kẻ gây rối

Nói một cách dễ hiểu, thế giới đang ở trong một mớ hỗn độn và bị đe dọa nhiều hơn bởi sự rút lui của chính quyền Tổng thống Trump khỏi vai trò cân bằng kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Truyền thông Úc: 2019 là một năm bất ổn toàn cầu, 2020 có thể tệ hơn - Ảnh 1.

The Conversation nhận định: "Washington là một kẻ gây rối - trong việc từ bỏ các thỏa thuận quốc tế. Chúng bao gồm: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và CPTPP, nhằm mục đích tự do hóa thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng đã rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm đóng băng tham vọng hạt nhân của Iran".

Tất cả những điều này, cùng với một cuộc xung đột thương mại chưa được giải quyết triệt để giữa Mỹ và Trung Quốc, chưa kể cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa hai bên, hầu như đã đủ để tiên đoán rằng năm 2020 sẽ kéo dài các vấn đề của một trật tự toàn cầu mong manh.

Thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với thời Đại khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 là thời kỳ bất ổn dữ dội. Nhưng, đối với hầu hết các lĩnh vực, sự bất ổn đó chỉ bị giới hạn trong từng chính phủ, phòng họp và văn phòng của các tổ chức cho vay quốc tế.

Năm 2019, câu chuyện đã thay đổi đáng kể.

Tình trạng bất bình đẳng đang tăng cao vô cùng, mọi người không cảm thấy họ đang được chia sẻ lợi ích của một giai đoạn mở rộng kinh tế toàn cầu. Oxfam đã báo cáo rằng 26 cá nhân giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tài sản tương đương với một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu.

Các tỷ phú đã tăng tổng tài sản của họ lên 2,5 tỷ USD mỗi ngày vào năm 2018, trong khi tài sản tương đối của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới - giảm 500 triệu USD mỗi ngày. Khoảng cách giàu nghèo đang lan rộng trên khắp thế giới, đến mức không còn có thể tranh luận rằng một mô hình tăng trưởng kinh tế có lợi cho số ít thật sự có ích cho người nghèo.

Giáo sư Henry Carey của Đại học bang Georgia đưa ra quan điểm rằng, khi thế giới đô thị hóa sâu rộng hơn, các thành phố quá đông đúc sẽ trở thành hiểm họa trong làn sóng bất ổn toàn cầu.

Truyền thông Úc: 2019 là một năm bất ổn toàn cầu, 2020 có thể tệ hơn - Ảnh 2.

Vào năm 1950, thế giới chỉ có hai siêu đô thị với dân số từ 10 triệu người trở lên - New York và Tokyo. Ngày nay, có tới 25 siêu đô thị như vậy. Trong 7,7 tỷ người trên thế giới, thì có 4,2 tỷ người, tương đương 55%, sống ở các thành phố và các khu định cư đô thị khác. 2,5 tỷ còn lại sẽ buộc phải chuyển đến các thành phố ở các nước nghèo vào năm 2050, theo Liên Hợp Quốc.

Nói cách khác, nghèo đói, tội phạm băng đảng, buôn bán ma túy và tất cả các vấn nạn xã hội khác liên quan đến môi trường đô thị nghèo nàn sẽ trở nên khó kiểm soát hơn, khi tình các thành phố bị quá tải, và một phần trong đó trở thành khu ổ chuột đô thị.

Thêm vào đó, trên toàn cầu, tình trạng bất ổn về biến đổi khí hậu là mẫu số chung và có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn, thách thức hơn đối với các chính phủ. Cho dù điều này là công bằng hay không, chính phủ cũng đang bị cho là còn thờ ơ với các vấn đề về khí hậu.

Hoàng An

The Conversation

Trở lên trên