MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì…

Đinh Ngọc Thạnh đang là Giáo sư tập sự, trưởng nhóm nghiên cứu mạng Internet vạn vật - Trường Đại Học Soongsil, Hàn Quốc; Nhà khoa học thỉnh giảng - Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ. Mới đây Thạnh nhận được lời mời của VinUni về giảng dạy, nhưng chưa thể thu xếp về Việt Nam.

Học lớp 12, cậu học sinh Đinh Ngọc Thạnh chỉ mới được nghe nói công nghệ thông tin là một ngành rất "hot" và có điểm cao, chứ chưa biết công nghệ thông tin là gì, để làm gì. Ở trường cũng đã có máy tính, có cơ hội được tiếp cận nhưng Thạnh không dám "vọc vạch" gì nhiều, sợ… hư. "Máy tính ngày đó rất đắt tiền", Thạnh cho biết. Thậm chí khi mới lên đại học, đến tắt, mở máy tính Thạnh cũng... chưa tự tin.

"Ngày xưa nhà mình khá khó khăn vì bố mẹ đều làm nông nghiệp. Trong thời gian học phổ thông thì bố mẹ phải lo cho anh trai học đại học nên mình còn không đi học thêm để tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Nên chuyện có một chiếc máy tính để thực hành là rất khó và xa vời. Nhưng điều đó cũng không làm giảm sự tò mò của mình với máy tính" – Đinh Ngọc Thạnh chia sẻ.

Hồi đó Thạnh chưa có tiền mua máy tính riêng nên phải tranh thủ lúc nào phòng máy rảnh thì lên trường học "ké". Mãi tới học kỳ II năm thứ 2 Thạnh đi làm thêm tiết kiệm được một khoản, xin thêm bố mẹ thì mới mua được chiếc laptop đầu tiên, đến giờ Thạnh vẫn còn giữ.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 1.

Từ vùng cao Lâm Đồng xuống Sài Gòn học CNTT, Thạnh có kỷ niệm gì đặc biệt hồi đó không?

Mình rất nhớ ngày vào lớp thực hành đầu tiên môn lập trình, môn đó là của thầy Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM. Lúc đó mình ngồi cạnh một bạn từng học Trung học phổ thông Năng khiếu của trường Khoa học tự nhiên. Mình còn đang loay hoay với việc tắt, mở máy tính và chương trình để thực hành chưa xong thì bạn ấy đã làm xong rồi và còn lập trình thêm một cái game để chơi và cho các bạn cùng chơi. Lúc ấy thực sự mình rất ngưỡng mộ bạn và thấy hơi tự ti cho bản thân nữa.

Rồi đến môn khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo của thầy Vũ Hải Quân - môn đầu tiên của khoa học máy tính, mình chưa biết gì hết, rất hoang mang vì toàn kiến thức cao siêu về trí tuệ nhân tạo. Nhưng cũng rất cám ơn các thầy vì các thầy đã kiên trì dạy dỗ để những người không có kiến thức nền tảng như mình có thể hiểu và theo kịp.

Mặc dù khởi đầu rất gian nan, mình thua kém các bạn nhưng với sự cố gắng thì mình cũng "bị đuổi" khỏi trường sau 3 năm rưỡi và được tốt nghiệp sớm. Kỳ cuối mình cũng may mắn nhận được học bổng rất lớn của Trung tâm Tài năng Công nghệ thông tin của Tập đoàn viễn thông Hàn Quốc (SK Telecom), mở ra cánh cửa du học sau này.

Từ những kỷ niệm đó, theo kinh nghiệm của mình: khởi đầu khó khăn chưa chắc đã là điều không may mắn, giống như trận Việt Nam – Thái Lan tại SEAGAME vừa rồi, mình thua 2 bàn từ những phút đầu tiên. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm thì đâu sẽ vào đó, khởi đầu chậm nhưng chưa chắc đã về đích chậm.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 2.

Tại sao Thạnh không chọn trở thành doanh nhân hay làm kỹ sư tin học cho các tập đoàn lớn mà lại theo con đường giáo dục?

Từ nhỏ khi nghe câu chuyện về các bác học như Darwin hay Newton phát kiến ra những kiến thức mới thì mình rất hâm mộ họ, nên mới muốn trở thành nhà khoa học. Mình không nghĩ đến việc vào doanh nghiệp để làm giàu mà nghĩ về kiến thức nhiều hơn.

Kỳ cuối đại học thì mình cũng có tham gia làm việc ở FPT Software, sau đó có lập một nhóm nhận dự án phần mềm từ Hàn Quốc về làm, công việc rất thú vị, nhưng vì vẫn muốn trở thành nhà khoa học nên mình quyết định đi theo con đường giáo dục và tìm đường đi du học. Rất may mắn là mình đã thực hiện được một phần giấc mơ đó.

Ngày xưa mọi người nghĩ là làm giáo dục rất nghèo, nhưng mình thấy hiện tại ở Việt Nam nhiều trường có chế độ đãi ngộ rất tốt cho giảng viên có khả năng giảng dạy và nghiên cứu cùng lúc, đặc biệt là khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh. Nên mình thấy câu nói "làm giáo dục nghèo" ngày xưa ở Việt Nam có thể đúng nhưng bây giờ thì chưa chắc (cười).

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 3.

Hai vợ chồng TS Đinh Ngọc Thạch và 2 con ở Hàn Quốc.

Hai vợ chồng cùng làm nghiên cứu thì có gặp khó khăn gì không?

Hai vợ chồng cùng làm nghiên cứu sinh thì rất vất vả, thứ nhất là về mặt kinh tế. Dù cả hai vợ chồng đều có học bổng, nhưng nuôi em bé ở nước ngoài rất tốt kém, vì thế vừa học hai vợ chồng vừa phải làm thêm, thường là đi hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại hai nước. Mình cũng có làm online tối ưu tìm kiếm cho Amazon để có thêm chút thu nhập. Nhưng hai vợ chồng đồng lòng nên kết quả giờ cũng tốt.

Thứ hai là về thời gian. Làm nghiên cứu sinh bên này thì làm từ sáng tới tận khuya. Vợ mình mới sinh em bé trong năm cuối nên cả hai vợ chồng phải tranh thủ thời gian để lo được cả việc nhà việc học. Nhất là lúc em bé ốm, nhiều khi cả hai vợ chồng phải bỏ hết công việc. Nhiều khi chạy deadline dự án rất mệt nhưng cả nhà cùng động viên nhau.

May mắn là vợ mình đảm đang, chu toàn việc nhà, là hậu phương vững chắc để mình theo đuổi con đường nghiên cứ. Ông bà nội ngoại cũng bỏ công bỏ việc ở nhà để sang đây giúp đỡ vợ chồng mình rất nhiều. Cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đó, hai vợ chồng tốt nghiệp tiến sĩ đúng thời hạn.

Mình và vợ mình làm trái ngành nên cũng không có nhiều thuận lợi nhưng khi cùng bàn luận về chủ đề nghiên cứu thì cũng thú vị khi trao đổi về ngành của nhau. Cũng nhờ có khó khăn mà hai vợ chồng trở nên mạnh mẽ và yêu thương nhau nhiều hơn, điều đó lại trở thành thuận lợi cho tương lai.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 4.

Thạnh nghĩ sao về khoảng cách giữa trình độ công nghệ thế giới và thực tế ở Việt Nam. Đó có phải là một điểm khó cho tri thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài muốn về cống hiến cho đất nước hay không?

Về kinh tế và công nghệ, đúng là có một khoảng cách nhất định giữa Việt Nam và các nước phát triển. Ở nước phát triển, trường đại học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà còn một nhiệm vụ tiên quyết là tạo ra công nghệ và kiến thức. Chính vì thế, các nước họ đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu của các trường đại học để đi đầu trong các công nghệ mới, vì trường đại học và doanh nghiệp của họ sẽ đi đầu trong những công nghệ đó.

Đầu tư cho nghiên cứu trong trường đại học của Việt Nam còn rất ít. Thế nên không nhiều trường có thể đảm đương cả hai mục tiêu này, nên công nghệ của ta còn đi sau. Nhưng đáng mừng là ngay năm nay thì đã có các trường của chúng ta đang có chính sách tự chủ.

Như hai trường ĐHQG Hà Nội và TP.HCM, cùng với ĐH Tôn Đức Thắng, hay tư thục như FulBright và VinUni đang được đầu tư theo hướng chú trọng tới cả nghiên cứu nữa. Đó là niềm hi vọng trong tương lai. Nếu nhìn vào lượng quỹ nghiên cứu ít ỏi mà ĐHQGHN và ĐHQGTPHCM đang nhận được thì thực sự ta phải nể vì hai trường đã làm được nhiều thứ.

Nhưng mình nghĩ là chính vì có khoảng cách công nghệ giữa thế giới và Việt Nam thì những người học ở nước ngoài về mới có đất dụng võ. Đó là cơ hội để những người như mình và các bạn khác có thể về để cống hiến và được trọng dụng.

Ở thời điểm hiện tại, trí thức trẻ như mình cũng có rất nhiều cơ hội về nước làm việc, nên mình nghĩ ngày nay trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài như mình không còn cần Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ này kia thì mới về. Cơ chế thị trường đang tạo ra rất nhiều cơ hội, vị trí tốt cho những người thực sự có năng lực về nước làm việc. Có những nơi có chế độ tốt không thua kém, thậm chí hơn so với nơi các bạn làm việc ở nước ngoài.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 5.

Thạnh từng chia sẻ việc khi thỉnh giảng ở MIT thấy rất nhiều sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ nhưng "tìm đỏ mắt" không thấy sinh viên Việt Nam. Thạnh suy nghĩ gì về việc đó?

Thực tế là các bạn Trung Quốc và Ấn Độ đến MIT rất đông, một phần là do dân số họ đông sẵn rồi. Phần thứ hai là họ có quan hệ rất rộng, đưa các sinh viên xuất sắc của họ sang đó. Mình thỉnh giảng ở khoa Khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo thì trong thời gian đó mình cũng đi rất nhiều lab tìm sinh viên Việt Nam để kết nối nhưng mãi sau mới tìm được một bạn đang làm nghiên cứu sinh trong khoa. Sau đó, mình mới biết thêm một số bạn khác trong các khoa khác của trường, nhưng số lượng cũng không nhiều.

MIT tuyển sinh đầu vào rất cạnh tranh và yêu cầu rất cao. Cái khó không chỉ về học lực, học lực thì rất nhiều sinh viên Việt Nam có thể đáp ứng, mà họ còn có yêu cầu nhiều kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp cho tới nghệ thuật, ước mơ hoài bão. Ở Việt Nam, chương trình đào tạo hiện tại chưa toàn diện mà chú trọng nhiều hơn về nội dung kiến thức, nên mình nghĩ đó cũng là một phần lý do chưa có nhiều sinh viên Việt Nam học ở MIT. Tuy nhiên mình hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam đạt được học bổng ở MIT.

Mình thấy các bạn sinh viên ở MIT rất giỏi, khi mình trao đổi thì các bạn hiểu rất nhanh và sâu, thậm chí là đưa ra nhiều hướng tiếp cận thú vị. Khi mình phỏng vấn một vài giáo sư ở MIT là phương pháp giảng dạy nào của MIT giúp sinh viên giỏi, các giáo sư trả lời: "Các bạn sinh viên đã tự giỏi sẵn rồi, và nhiệm vụ của các giáo sư ở đây đơn giản là không kìm hãm sự giỏi của các bạn, giúp các bạn tiếp cận công nghệ mới mà thôi".

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 6.

Thạnh từng có bài viết trên trang cá nhân về việc xây dựng đại học của Vingroup (VinUni) và bày tỏ quan điểm ủng hộ khi có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình này. Lúc đó, Thạnh còn có suy nghĩ khác về VinUni mà không viết trên trang cá nhân hay không?

Mình viết rất thực tâm thôi, vì được chứng kiến và cũng có tham gia các vòng phỏng vấn của họ, với các giáo sư bên trường Cornell và MIT. Mình thấy mục tiêu giáo dục và đầu tư cho nghiên cứu của họ rất bài bản. Đó cũng là một ngách còn thiếu của Việt Nam. Thị trường cũng cần những mô hình như thế.

Tất nhiên cũng còn nhiều vấn đề như mọi người nói nhưng họ bỏ tiền túi đầu tư cho nghiên cứu để phát triển giáo dục thì đó là điều đáng khích lệ.

Theo Thạnh, việc đưa mô hình giáo dục quốc tế với chi phi đầu tư và học phí rất đắt đỏ như vậy về Việt Nam có bền vững được hay không?

Trước giờ ở Việt Nam cũng có khá nhiều trường quốc tế rồi. RMIT vào Việt Nam từ rất lâu và học phí rất đắt, nhưng số sinh viên của họ hiện tại đã lên tới hơn 6.000. Việt Nam mình đa phần còn nghèo nhưng số người có thể đáp ứng được học phí, thích ứng được môi trường đó cũng không ít.

Việt Nam nghèo nhưng mỗi năm vẫn chi tới 3 tỷ USD để du học nên các trường quốc tế chỉ cần đáp ứng một phần nhu cầu đó là cũng có thể "sống sót" ở Việt Nam. 10% của 3 tỷ USD đã là 300 triệu USD rồi. Mình nghĩ khi nghiên cứu các trường đã nghiên cứu ngách đó và có các đối tượng có thể đáp ứng được rồi.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 7.

Giải thưởng bài báo cáo xuất sắc tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 có ý nghĩa thế nào đối với Thạnh?

Với mình, đây là một diễn đàn đặc biệt và giải thưởng cũng hết sức đặc biệt.

Đặc biệt là bởi báo cáo của nhóm mình thuyết trình đều liên quan đến Việt Nam và những đề xuất cho Việt Nam. Mình tham dự rất nhiều hội nghị và cũng đạt nhiều giải thưởng nhưng là hội nghị chuyên ngành. Đây là lần đầu báo cáo mình viết và đề xuất cho Việt Nam. Nhận giải thường mình cũng thấy rất vinh dự và vui vì phần trình bày của mình về công nghệ cho Việt Nam đã được ghi nhận.

Cái hay hơn nữa mình thấy là giải thưởng hay báo cáo này là sự cộng hưởng của các thành viên trong nhóm chứ không phải riêng mình. Cả nhóm có khoảng 50 bài báo cáo và các thành viên đều rất xuất sắc.

Sau diễn đàn, chúng mình thành lập Mạng lưới Tri thức trẻ Kinh tế số tại Việt Nam, tập hợp tri thức trẻ Việt Nam ở trong nước và khắp nơi trên thế giới cùng cộng hưởng để tìm các giải pháp số hóa giải quyết các vấn đề cụ thể ở Việt Nam. Tinh thần của diễn đàn không chỉ dừng lại ở những bài báo cáo đó mà chúng mình tiếp tục duy trì hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 8.

Một trí thức trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài như Thạnh thường thể hiện tình yêu nước như thế nào?

Đối với mình và các bạn mình, yêu nước là phải phát triển, hoàn thiện bản thân mình, tìm kiếm những tri thức mới mà Việt Nam còn thiếu để học hỏi, trau dồi. Đó là lý do tại sao mình vẫn còn ở nước ngoài, để khi cảm thấy đủ lớn để có thể đứng vững thì mang kiến thức đó về Việt Nam đóng góp.

Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì sẽ thay đổi dất nước rất nhiều. Đó là cách thế hệ mình tự đóng góp cho bản thân, cho gia đình mà lại đóng góp cho tổ quốc.

Ngày trước, các vấn đề về môi trường, về xã hội chưa lớn. Trong thời đại mới, khi đất nước đang phát triển thì lại nảy sinh rất nhiều vấn đề. Một phần trong đó chính là trách nhiệm của chúng mình. Vì tương lai của đất nước là thế hệ trẻ. Chúng mình cần về góp sức tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như thế. Mạng lưới tri thức trẻ toàn những người "ăn lương nước ngoài nói chuyện Việt Nam" (cười), bằng tâm huyết của mình chứ không phải vì mục đích tài chính nào cả.

Mình và bà xã cũng tham gia hỗ trợ rất nhiều chương trình của chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam như phát triển đào tạo, quản lý cho Bộ Công thương, các trường đại học ở Việt Nam. Vợ chồng mình cũng đã tham gia các dự án giáo dục nghề nghiệp miễn phí cho thanh niên thất nghiệp ở các tỉnh như Lâm Đồng hay Khánh Hòa, do chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Bên cạnh đó là tham gia kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và đưa một số doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc về Việt Nam để tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 9.

Khi làm những việc đó, điều Thạnh thu lại được là gì?

Mình là người dân Việt Nam, mình rất mong đất nước phát triển để gia đình mình, họ hàng mình, bạn bè mình và toàn thể dân mình có lợi ích. Nếu làm được điều gì đó cho đất nước thì mình rất sẵn lòng.

Chẳng hạn như việc tham gia diễn đàn, thành lập mạng lưới tri thức phát triển kinh tế số đều là do nhóm mình tự nguyện làm. Lần về này, mình cũng bỏ tiền túi ra mua vé máy bay dù diễn đàn có chính sách hỗ trợ và dành thời gian suy nghĩ về những đề xuất cho Việt Nam. Khi mình làm được điều gì có ích cho Việt Nam thì mình thấy rất vui chứ không cần phải nghĩ là được gì.

Thạnh từng chia sẻ: "Nước mình còn nghèo, chưa chi nhiều cho đầu tư nghiên cứu". Vậy tại sao anh vẫn quyết định về Việt Nam và như chia sẻ là trong tương lai gần?

Đất nước nào phát triển thì cũng từng trải qua giai đoạn đang phát triển như Việt Nam hiện tại. Thời điểm này, đất nước cần tri thức trẻ chúng mình hơn bao giờ hết và cũng là lúc chúng mình có thể làm được nhiều cho đất nước hơn bao giờ hết.

Ở nước ngoài, để mình có thể tạo ra sự đột phá và cống hiến nhiều hơn thì rất khó vì hệ thống của họ đã ổn định rồi. Tất nhiên ở lại nước ngoài hay về thì chúng mình cũng vẫn có thể đóng góp được. Vợ chồng mình tuy là nghiên cứu sinh sinh sống ở nước ngoài nhưng cũng luôn có hoạt động thiết thực để hướng về tổ quốc.

Mình muốn học hỏi đủ ở nước ngoài rồi mới cùng hòa mình vào không khí xây dựng đất nước ở trong nước. Nước ngoài thiếu chúng mình thì cũng chẳng vấn đề gì vì họ ổn định và phát triển rồi, về nước thì mình làm được nhiều thứ hơn và có nhiều nơi cần mình hơn.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 10.

Thạnh học được điều gì hay khi học tập và làm việc ở Hàn Quốc?

Hàn Quốc thì nhiều thứ hay lắm. Tất nhiên quá trình phát triển của họ thì cũng có nhiều cái này cái kia, nhưng họ có những tinh thần rất tốt. Chẳng hạn như bóng đá Việt Nam thay đổi hoàn toàn dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Người Hàn Quốc có tinh thần rất cao: tinh thần đồng đội và tinh thần làm việc cực kỳ nghiêm túc và chăm chỉ.

Kỳ tích Sông Hán của Hàn Quốc cũng đã xong rồi, nhưng mình vẫn rất nể phục họ vì cả dân tộc họ đã cùng quyết tâm cố gắng. Nhiều nhà máy ở Hàn Quốc không tắt điện vào ban đêm vì làm việc thâu đêm. Chỉ trong vòng 30-40 năm mà họ xây dựng được đất nước như vậy. Việt Nam cũng cần có thời kỳ như thế thì mới có thể vươn lên thành nước phát triển nhanh được. Hàn Quốc là một mô hình tăng trưởng mà Việt Nam có thể học theo rất tốt.

Về nghiên cứu, Hàn Quốc cũng rất chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật. Đất nước họ tài nguyên không nhiều, không có "rừng vàng biển bạc" như Việt Nam nên tất cả phụ thuộc vào công nghệ. Chính vì thế họ đầu tư nghiên cứu rất mạnh để vươn lên đi đầu. Từ một nước mà 30 năm trước còn đi theo công nghệ, giờ họ đã là nước tạo ra nhiều công nghệ quan trọng cho thế giới.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 11.

"Việt Nam của 2045 sẽ rất khác và rất tích cực so với Việt Nam hiện tại". Khác như thế nào? Tại sao Thạnh chọn cột mốc đó mà không phải là năm 2025 hay 2030?

Thế hệ của Thạnh sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, và tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngày hôm nay. 2045 sẽ là một mốc mới, không phải chỉ của mình, mà là của cả đất nước để đưa Việt Nam thành nước phát triển. Đó cũng là chủ đề của diễn đàn trí thức trẻ toàn cầu năm tới. Mình thấy đây là một mốc hợp lý đủ dài để đạt được các mục tiêu, chứ chọn một cột mốc sớm hơn để rồi trì hoãn nhiều lần thì không hay.

Chỉ riêng tuyến đường sắt nội đô đã mất chục năm rồi, vậy thì đặt mục tiêu 2025 – 2030 để trở thành nước phát triển thì chưa khả thi. 2045 sẽ hợp lý hơn để phát triển và hành động.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 12.

"Hãy bỏ cái tôi của tôi và của anh xuống, chúng ta hãy vì đất nước này mà nghĩ tích cực, hành động tích cực và cộng hưởng tích cực" – việc bỏ cái tôi xuống trong câu nói này có ý nghĩa thế nào?

Ai trong chúng ta cũng thấy rằng đất nước còn nhiều vấn đề, cần phải cải thiện từ y tế, giáo dục, môi trường đến quản lý hành chính. Thế nên nhiều người có suy nghĩ rất tiêu cực, cực đoan, than vãn rồi ném đá. Thật ra cũng rất dễ hiểu thôi, bản thân mình cũng thấy là có nhiều thứ "chướng tai gai mắt".

Nhưng thay vì than vãn, mình mong rằng giới trẻ suy nghĩ tích cực hơn, có đề xuất giải pháp để cải thiện, cùng tham gia bàn luận với nhau, hợp tác với nhau để tìm ra định hướng thúc đẩy việc cải tổ xảy ra nhanh hơn. Đồng thời, cùng đồng hành, góp ý với các cơ quan nhà nước để xây dựng bộ máy hoàn thiện, chất lượng hơn, quản lý và có tầm nhìn tốt hơn. Mỗi chúng ta đều có lợi.

Cái tôi ở đây là thay vì chỉ chú ý đến những điều "chướng tai gai mắt" thì hãy bỏ điều đó sang một bên, suy nghĩ tích cực và tìm giải pháp hiến kế.

TS Đinh Ngọc Thạnh: Một người như mình thì chẳng làm được gì cả, nhưng một triệu bạn trẻ Việt Nam ra thế giới mang kiến thức về thì… - Ảnh 13.

Làm thế nào để Thạnh rèn thói quen nhìn mọi thứ tích cực và không than vãn?

Suy nghĩ tiêu cực mình nghĩ là cũng tự nhiên thôi. Nhưng nghĩ về đời con đời cháu mình, hay chính đời mình sau này 2045 chẳng hạn (cười), thì mình than vãn cũng chẳng giúp được gì nhiều. Muốn thay đổi tích cực thì bản thân mình phải tích cực. Một bộ máy cồng kềnh, những cơ chế được xây dựng từ cách đây rất lâu rồi, muốn thay đổi cũng không dễ.

Bản thân mình cũng thế, mình còn nhiều tính xấu đã thay đổi được đâu. Cái gì cũng cần thời gian, mình nghĩ về đời con cháu, đời mình lúc về già, thì thay vì than vãn trên Facebook thì đề xuất ý kiến thiết thực để ban ngành thay đổi. Ban ngành chưa thay đổi thì mình cũng tìm cách đi đường vòng để thúc đẩy họ thay đổi sớm. Nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, nếu không làm nhanh thì sau phải chi rất nhiều tiền mà cũng chưa chắc đã làm được. Đó là động lực của chúng mình, không lẽ cứ "tha phương cầu thực" ở nước ngoài mãi? Nếu muốn con cháu sau này về quê hương đất nước thì mình phải như vậy.

Bài tiếp: Câu chuyện về Việt Nam hùng cường của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Hoàng An - Hoàng Ly
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Hoàng An – Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên