TS - doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng: "Tại sao tôi hát rong trên phố Sài Gòn và hai lần đi khất thực?"
"Người giàu lên thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim" - Suốt 20 năm qua tôi đã quán chiếu câu nói này.
- 08-04-2017TS Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nhân cũng lười đọc sách như đa số người Việt, có vị sếp còn tâm sự "mấy năm nay anh có đọc sách đâu mà vẫn làm ăn phát đạt!"
- 05-04-2017TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Ôm điện thoại vào phòng ngủ; xem ti vi; cởi trần khi ngủ? Sao bạn nỡ "giết" mình bằng cách đấy!
- 04-04-2017TS Nguyễn Mạnh Hùng: Dù có đánh đập, chửi mắng, cướp giật của tôi... "Nếu làm tôi ghét được bạn, tôi sẽ biếu bạn ngay cái ô tô"
Ngẫm cả chục năm mới hiểu rõ một câu nói
Người ta luôn nghĩ rằng doanh nhân, lãnh đạo, những người giàu có, chức vụ cao, uy tín, quyền lực,… thì thường ăn sơn hào hải vị, ngủ giường cao, đệm êm, đi xe sang, có người hầu kẻ hạ,...
Điều đó đúng nhưng chưa đủ và chưa phải tất cả. Chính vì vậy mới có chuyện tôi xuất gia gieo duyên 2 lần, 1 lần 7 ngày và 1 lần 8 ngày và ngồi hát rong trên phố Sài Gòn để kiếm tiền bằng công sức của mình. Chính vì vậy mới có bài viết này.
Ngày còn học bên trời Tây, tôi hay vào nhà thờ nghe các cha giảng. Công nhận rằng các cha giảng rất hay, rất thực tế, rất gần gũi, dễ ứng dụng. Có những câu hay đến mức tôi phải ngẫm cả chục năm mới hiểu sâu. Ví dụ như câu "Người giàu lên thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim".
Câu này hay đến mức là quãng 20 năm nay tôi luôn quán chiếu và nghĩ về câu nói như 1 công án thiền. Mỗi quãng thời gian trôi đi, tôi như càng hiểu hơn, ngấm hơn. Nhận thức và hiểu biết của tôi về câu nói này đến nay khác hẳn, khác hoàn toàn lần nghe đầu tiên.
Đơn giản là thế này, người giàu, người có chức vụ, người có quyền lực,… hay bám chấp, dính mắc vào những thứ nên trên. Họ luôn có cái "tôi", "của tôi" rất to, nên tham sân si rất lớn.
Lúc chết thì thân đâu có còn nữa mà thức tái sinh thì không muốn đi tái sinh nên mới thành ngạ quỷ. Thương vô cùng.
Nhiều người rất giàu nhưng vẫn biến thành kẻ nô lệ của đồng tiền
Từ ngày biết đến Pháp của Phật tôi hay quán chiếu về cuộc sống, về những gì đang xảy ra xung quanh. Đặc biệt nhất là quán về cái chết, về tấm thân tôi đang tan rữa và thối nát dần. Tôi quán như vậy để ngấm về vô thường, vô ngã, niết bàn và tính không.
Khi quán chiếu những biến chuyển đang xảy ra trong tâm dưới ánh sáng của trí tuệ, tôi thấy mọi việc rất bình thường.
Khi quán chiếu như vậy thì căng thẳng, mệt mỏi, bực bội, bất an, đau khổ tan biến khá nhanh. Tôi không còn phải đi tìm nguyên nhân, cũng chẳng xua đuổi chúng nữa. Cứ ngồi và theo dõi, mà quán, mà thấy như thật.
Thế rồi nhẹ nhàng mỉm cười, cười và thở nhẹ và êm. Có trí tuệ, tâm tự thay đổi và thấy an lạc. Thật vậy.
Rất đáng tiếc rằng không ít doanh nhân và không ít nhà lãnh đạo ở đâu đó trên thế giới này, vốn giàu có, nhưng lại đang bị biến thành nô lệ của đồng tiền.
Lẽ ra họ được quyền sử dụng tiền của mình để hạnh phúc và thư giãn, để thảnh thơi và an lạc, nhưng đằng này họ bị đồng tiền sai khiến. Tiếc thay. Cái "tôi" lớn quá. Và mất hết tự do.
Vì sao ông Trương Gia Bình chọn ngày xấu làm ngày sinh của FPT?
Con người vốn thích ngồi và nghe, rồi xem, thích nơi ấm êm và mát mẻ, thích đủ các loại tiện nghi. Con người thích sướng và sợ khổ. Vậy nên khi gặp khổ 1 chút là khó chịu và bất mãn. Thế đấy.
Tôi nhớ rằng khi vào FPT làm việc, cách đây hơn 20 năm, tôi có hỏi anh Trương Gia Bình, người sáng lập ra FPT rằng tại sao 13 là ngày xấu thế mà anh lại chọn làm ngày sinh của FPT.
Anh Bình chỉ cười. Sau này tôi mới hiểu: Cứ cho rằng 13 là ngày xấu nhất thì nếu cái xấu nhất ta vượt qua được thì cái xấu nhì, xấu 3 là chuyện nhỏ.
Thế là khi tôi thành lập ra công ty sách Thái Hà, chúng tôi tạo lô gô cách điệu gồm gáy 3 cuốn sách như 1 người đang bước đi bình an (Thái Hà nghĩa là dòng sông bình an mà).
Rồi 3 gáy sách như 1 người đang dạo chơi mà cuốn sách để trên đầu, gần não nhất (Thái Hà nghĩa là dòng sông ánh sáng, dòng sông tri thức mà).
Rồi 3 gáy cuốn sách hiểu như bên trên là chữ nhất, bên dưới là chữ nhân, tức chúng tôi coi con người là tải sản duy nhất, quý nhất của công ty.
Tuy nhiên có bạn bảo tôi sao lại để 2 cuốn sách bên dưới giống chữ hạ. Hạ là thấp. Tôi bảo: Đúng, thầy trò chúng tôi luôn hạ thấp mình xuống. Mình thấp nhất để mọi người trên cao. Càng tốt chứ sao.
Tôi khất thực như thế nào?
Để tiếp tục những suy nghĩ về tôi, về bản ngã, về tham sân si, về cái chết, về sinh tử luân hồi, tôi quyết định xuất gia gieo duyên làm nhà sư 2 lần. Lần 1 với thầy tôi là thiền sư nổi tiếng người Myanmar Ashin Tejaniya, Viện trưởng thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha.
Và lần 2 với thầy Huyền Diệu trụ trì An Việt Nam Phật Quốc Tự tại nơi Đức Phật đắc đạo – Bồ Đề Đạo Tràng nước Ấn Độ và nơi đức Phật đản sinh – Lâm Tỳ Ni nước Nepal. Thế là tôi đi có cơ hội đi khất thực.
Trước hết chúng ta nên hiểu khất thực là gì và tại sao quý sư lại đi khất thực đã.
Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài và các đệ tử sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Tài sản của Đức Phật cũng như các học trò chỉ là ba chiếc áo và một cái bình bát. Từ đó có danh từ khất sĩ.
Ở Việt Nam, may thay, có hẳn 1 phái Khất Sỹ do Ngài Minh Đăng Quang sáng lập ra. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin thức ăn, vật thực thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm.
Khất thực là cách nuôi thân chân chính. Đó là thực hành chánh mạng, 1 trong 8 chi phần của Bát Chánh Đạo do Đức Phật giảng dạy.
Đi khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát, có nghĩa là đi xin thức ăn vừa đủ và đựng vào bình bát, tức chiếc bình làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung. Bình bát không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim loại quý.
Khi xuất gia gieo duyên, chúng tôi được quý thầy cho đi khất thực. Thật tuyệt vời để có các trải nghiệm mà trước đây tôi đã đọc và nghiên cứu khá nhiều.
Trước khi ra khỏi chùa đi khất thực, chúng tôi được hướng dẫn rất cụ thể và rõ ràng cách đi khất thực, từ cách đắp y, chuẩn bị bình bát, cách đi, cách ứng xử trên đường đi khất thực.
Đến lúc ngồi gõ những dòng chữ này, những trải nghiệm quý giá ngày xưa lại ùa về.
Khi đi khất thực, thay vì đắp y hở 1 vai, chúng tôi phải đắp y để cả 2 vai được kín. Chúng tôi đeo bình bát trước ngực và chậm rãi thiền hành từ cổng chùa. Chúng tôi đi chậm, nhẹ nhàng. Chân đi đất, không dày, dép. Chúng tôi không nhìn ngang, liếc dọc mà chỉ tập trung vào từng bước đi.
Chúng tôi đi khất thực từ sáng sớm. Chúng tôi chỉ đi mà không đứng tại một chỗ. Khi có Phật tử ra cúng dàng mới dừng lại để nhận vật phẩm cúng dàng.
Chúng tôi đi lần lượt từ cổng nhà này qua nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, nhà to nhà bé, không phân biệt chức vụ, cách ăn mặc, giới tính, chức vụ, tuổi tác,… Cho gì nhận đó. Thật thanh thản, thành tâm và vô tư. Thế đấy.
Tôi đi khất thực để trải nghiệm cảm giác của người xin ăn. Từ bé đến bao giờ đã xin ăn bao giờ đâu.
Tôi đi khất thực để vượt qua chính mình, để ngã mạn giảm bớt, để cái tôi nhỏ lại dù 1 chút xíu.
Nhiều doanh nhân không dám cạo đầu chứ đừng nói đến chuyện ăn xin. Bởi cái tôi rất lớn. Tôi quyết trải nghiệm cuộc sống của doanh nhân chân đất, đeo bát đi ăn xin.
Tôi đi khất thực để theo lời Đức Phật dạy, thực hành hạnh buông bỏ, xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Để xem liệu ông triệu phú, ông doanh nhân, ông tiến sỹ - tôi có buông bỏ được không, có dám xả không, kể cả danh dự, uy tín, thậm chí đến thân mạng, nếu cần, để cầu đạo.
Tôi đi khất thực để thực hành đúng chánh pháp. Tôi quyết thực hành tinh thần xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.
Tôi và các bạn tu đi không bỏ sót nhà nào, không phân biệt các gia chủ giàu hay nghèo để tạo cơ hội đồng đều cho mọi chúng sinh cùng được gieo trồng phước duyên. Để bỏ đi cái tâm phân biệt.
Muốn cái tôi to như con lạc đà biến thành con muỗi
Bạn có thể không biết, chúng tôi tu theo Phật giáo Nguyên thủy, tức cả ngày chỉ ăn 1 bữa trước ngọ, tức trước 12 giờ trưa.
Tôi thực tập như vậy để tâm giảm bớt cái tham vào ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Ở đây là bớt tâm tham ăn (thực). Sau khi khất thực xong, chúng tôi về lại thiền viện và dùng trưa trong bữa ăn duy nhất trong ngày.
Khi ăn bữa ăn này, tôi và các bạn tu nhắc mình rằng thức ăn chính là thuốc. Mình ăn không phải để khoái khẩu, để sướng miệng. Chúng tôi ăn để duy trì sự sống, để có sức khỏe cho tu hành. Người tu chúng tôi luôn ghi nhớ sâu sắc rằng ngon không tham, dở không chê.
Tôi đi khất thực và hành thiền mỗi ngày để ngấm dần vào thân và tâm mình tinh thần quý trọng thức ăn, nước uống.
Đi khất thực giúp cái tôi của tôi nhỏ dần từ "con lạc đà" xuống con bò, con lợn, con gà,… và để nhỏ mãi.
Tôi quyết tinh tấn thực hành để đến khi cái tôi của tôi nhỏ như con vi khuẩn hay ít nhất là như con muỗi con, để có thể chui qua lỗ kim.
Tôi đi khất thực về thì cùng các bạn tu ăn trưa nhẹ nhàng, không ăn quá no để có thời gian và tâm trạng tốt nhất tranh thủ tọa thiền. Chúng tôi thực hành thiền theo kinh Quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ. Đúng như lời Đức Phật dạy.
Khi đi khất thực và hành thiền, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi trở thành người hoàn toàn khác. Tôi không là ai cả. Tôi chỉ là người ăn xin. Tôi trở nên hoàn toàn tự do và giải thoát từng bước khỏi mọi ràng buộc.
Khi đi khât thực tôi có tâm và đủ thời gian để tự do soi xét, tự khám phá bản thân mình.
Khi đi khất thực, sự yếu đuối, bất lực, khó chịu, bứt rứt,… trong tôi hiển hiện ra hết. Tôi quán chiếu sâu sắc và để rồi sức mạnh nội tâm tăng trưởng, sự tự tin lớn hẳn, hạnh phúc và bình an lớn dần.
Khi khất thực và tập sống giản dị, tối thiểu, chân lý dần dần sáng tỏ. Rồi tôi cảm giác rất rõ rằng mình thấy mạnh mẽ lên, tính độc lập cao hơn, cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái.
Khi đi khất thực và hành thiền mỗi ngày, tôi tự khám phá ra mình nhiều hơn và nghĩ đến những người xung quanh nhiều hơn, thấy mình có tự do nhiều hơn.
Điều này rất quan trọng, bởi sau đó tôi và bạn có thể cho những người trong gia đình mình như bố mẹ, vợ chồng, con trai, anh em, bạn bè, đồng nghiệp nhiều tự do hơn. Rồi tự nhiên tôi tôn trọng quyền tự do của mọi người nhiều hơn.
Khi đi khất thực và hành thiền mỗi ngày, tôi quán chiếu về các sai lầm nhiều hơn, nhận rõ hơn các tội lỗi mà tôi đã cố tình và vô tình gây nên.
Tôi tự thấy có trách nhiệm với chính mình, với mọi người xung quanh, với xã hội và vũ trụ nhiều hơn. Tôi thành tâm sám hối 3 nghiệp thân, khẩu và ý.
Bạn và bè; thiền và yêu thương
Khi đi khất thực và hành thiền, tuệ giác lớn dần lên và tôi không còn dễ dàng đi theo người nào đó một cách mù quáng. Không còn ai rủ rê tôi đi nhậu nhẹt, la cà, tán gẫu một cách dễ dàng được nữa.
Tôi lọc lại số bạn bè và người quen để có những người bạn thật chứ không phải là bè. Theo luật hấp dẫn như trong 2 cuốn sách "Người nam châm – bí mật của luật hấp dẫn" và "Luật hấp dẫn – bí mật tối cao", những người bạn của tôi giờ đây toàn là người thiện lành, tư duy tích cực, có tâm trong sáng, sống hướng thượng, hướng thiện.
Khi đi khất thực và hành thiền, tôi thấy tình yêu thương lớn mỗi ngày. Cảm nhận thật là rõ. Rằng yêu thương là nền tảng của hạnh phúc. Rằng yêu thương là mô liên kết vũ trụ. Rằng yêu thương là yếu tố tạo nên con người.
Khi đi khất thực và hành thiền, tôi phát nguyện xây dựng Vườn Yêu Thương, nơi tất cả yêu thương nhau. Rằng Vườn Yêu thương là của tất cả chúng ta, của bạn và của tôi và muôn người khác. Chúng ta chỉ việc yêu thương và lan tỏa yêu thương mà thôi.
Khi đi khất thực và hành thiền, tôi luôn nhắc bạn vè và người thân cùng học trò của mình sống giản dị, khiêm tốn, hành thiền mỗi ngày.
Và mỗi khi có thể, nên thả lỏng toàn thân, buông thư toàn thân, mở rộng tâm mình ra, rộng lớn nhất có thể để đón nhận năng lượng và yêu thương.
Thiền và yêu thương có thể chữa lành mọi bệnh tật, mọi vết thương tâm hồn và thể chất. Vậy nên trong 2 lần làm nhà sư và khất thực, hành thiền, yêu thương tăng trưởng rõ rệt, hạnh phúc và bình an lớn lên nhanh đến tuyệt vời.
Bây giờ, khi bạn đọc đến đây rồi, hãy mở thật rộng tâm ra để đón năng lượng và yêu thương vi diệu, hãy để trí tuệ và yêu thương chảy và ngấm vào bạn, để thân và tâm bạn có một cuộc sống mới.
Và xin tặng bạn lời của bài hát "Hạnh phúc trong phút giây". Bởi kết quả của khất thực, của 2 lần xuất gia gieo duyên, của những năm tháng hành thiền quá tuyệt vời. Hạnh phúc ngay đi nhé bạn. Ngay bây giờ. Ngay ở đây. Ngay lúc này.
Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Không đi đâu nữa, có chi để làm
Học buông bỏ, sống không vội vàng.
Ta hạnh phúc liên giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Thong dong khi bước, thảnh thơi lúc làm
Lòng thanh thản, sống trong nhẹ nhàng.
Trí thức trẻ